Phương tiện truyền thông Trung Quốc gọi Thủ tướng Lý Khắc Cường của họ là "nhân viên chào hàng số 1 cho ngành đường sắt" để nói về tham vọng cải cách ngành đường sắt, xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc lớn nhất hành tinh và vươn ra bên ngoài, nhất là sau chuyến thăm ông Lý tới Anh hồi tháng trước. Liệu giấc mơ này có trở thành hiện thực ?
Phụ thuộc phần lớn nước ngoài
Theo BBC, mặc dù Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực giao thông đường sắt, nhưng ngành công nghiệp này còn manh mún, lệ thuộc vào các đối tác nước ngoài. Bằng chứng, cách đây trên 150 năm, người Anh đã xây dựng tuyến đường sắt đầu tiên cho Trung Quốc. Nhưng triều đại nhà Thanh hồi đó lại nghi ngờ việc làm trên và cho rằng đây là âm mưu thôn tính Trung Quôc bằng đường sắt.
Không chỉ có người Anh, còn có cả các quốc gia ngoài châu Âu, đặc biệt là Liên Xô và Nhật Bản cũng tham dự vào lĩnh vực trên. Gần đây nhất, khoảng một thập kỷ, Pháp, Đức và Nhật Bản cũng đã góp công rất lớn tạo nên hệ thống đường sắt cao tốc cho Trung Quốc.
Trung Quốc đã chi hàng tỷ USD để nâng cấp mạng lưới đường sắt nội địa |
Đó là quá khứ, còn hiện tại, Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng các tuyến đường sắt tốc hành, những đoàn tàu hình viên đạn theo "màu sắc riêng, hấp thụ và tái sáng tạo công nghệ của nhân loại" và phủ nhận một cách phẫn nộ rằng Trung Quốc đạt được thành tựu này là nhờ đi lên từ hai bàn tay trắng chứ không đánh cắp công nghệ của ai. Dù sao, việc làm trên cũng đã giúp người Trung Quốc nhận ra rằng, đã đến lúc họ phải cải tổ ngành đường sắt để rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, đặc biệt là tại các tỉnh phí tây, trước khi vươn ra nước ngoài.
Cho đến nay, hàng hóa vận chuyển xuôi theo sông Trường Giang, sau đó được chuyển lên tàu biển. Thậm chí, có những chuyến hàng phải vận chuyển trên 1.600 km đến Thượng Hải và sau đó lên tàu biển để đi châu Âu. Điều này vô cùng bất lợi, trong việc vận chuyển hàng hóa nội địa bằng đường bộ ở Trung Quốc còn gặp nhiều khó khăn. Tương lai, thời gian vận chuyển sẽ giảm từ 6 tuần xuống còn 2 tuần và đến thẳng châu Âu thông qua Kazakhstan, Nga và Belarus hoặc xuống hàng tại Ba Lan, sau đó theo đường bộ tới nhiều nơi khác.
Cuộc cách mạng đường sắt nội địa
Trong hơn 6 năm, tàu cao tốc lần đầu tiên xuất hiện tại Trung Quốc. Với vận tốc lý thuyết 320 km và vận tốc thực trung bình đạt 270 km/giờ, người dân chỉ mất 5 giờ đi từ Thượng Hải tới Bắc Kinh. Kể từ khi đưa vào hoạt động năm 2011, các đoàn tàu cao tốc đã phục vụ khoảng 220 triệu lượt hành khách.
Bốc dỡ hàng hóa tại tỉnh Thành Đô, Trung Quốc |
Bắc Kinh đang có kế hoạch tăng gấp đôi chiều dài đường sắt trong vài năm tới, bao gồm tuyến đường sắt nối giữa miền trung nước này với khu tự trị Tân Cương. Theo dự kiến, tuyến đường mới sẽ giảm thời gian đi từ thành phố Lan Châu tới Urumqi từ 21 giờ xuống còn 8 giờ. Do giá thấp và rất đúng giờ, hành khách đang dần từ bỏ các hãng hàng không Trung Quốc và đi tàu cao tốc để thay thế.
Cuộc cách mạng đường sắt của Trung Quôc không phải không có thất bại. Tuyến đường này được xem là niềm tự hào quốc gia, chính thức khai trương năm 2007, một đại công trình ước tính hoàn thành vào năm 2020 với tổng chiều dài khoảng 16.000km, chi phí lên tới trên 514 tỷ USD. Tuy là niềm tự hào nhưng nó lại vấp phải một vụ tai nạn kinh hoàng năm 2011, xảy ra tại TP Ôn Châu, Chiết Giang làm 40 người thiệt mạng và 172 người khác bị thương.
Vì vậy, người ta rất lo ngại về sự an toàn trong các dự án xây dựng đường sắt tại Trung Quốc, nhất là gần đây người ta đã phát hiện những vụ tham nhũng lớn ngay tại Bộ Giao thông, khiến quốc gia đông dân nhất thế giới phải gánh thêm món nợ lên tới 420 tỷ USD. Cựu bộ trưởng đường sắt Lưu Chí Quân cũng nhúng chàm, phải đối mặt với án tử hình nhưng được hoãn thi hành vào tháng 7/2013 trước khi bộ này bị giải thể và thay bằng Tổng công ty đường sắt Quốc gia (CRC).
Ý đồ "xuất khẩu"
Sau 3 năm giấc mơ đường sắt được khởi hành, niềm tự hào xen lẫn ngạc nhiên khi Trung Quốc được xem là nơi có hệ thống đường sắt cao tốc lớn nhất hành tinh. Website ngành đường sắt Railyway.com đã gọi dự án trên là "giấy thông hành kinh doanh ở hải ngoại" cho người Trung Quốc. Còn báo Guangming Daily của Đảng Cộng sản thì vỗ ngực, mạng đường sắt cao tốc của Trung Quốc là tuyến đường "nhanh nhất và tốt nhất thế giới hiện nay".
Tàu hỏa cao tốc của Trung Quốc giúp giảm đáng kể thời gian đi lại của hành khách |
Với sự khuyếch trương này, trong chuyến công du nước ngoài mới đây của ông Lý Khắc Cường, người được mệnh danh là "nhân viên chào hàng số 1 cho ngành đường sắt" đã ký được nhiều hợp đồng tại châu Âu, châu Phi và Đông Nam Á. Theo ông Lý, Trung Quốc nổi tiếng là công xưởng của thế giới với công nghệ thấp và sức lao động dổi dào, đã và đang xây dựng thêm các đoàn tầu cao tốc, biểu tượng về trình độ công nghệ cao mà Trung Quốc đạt được.
Tham vọng không dừng lại với hệ thống đường sắt cao tốc nội địa, bằng hợp đồng béo bở ở nước ngoài vừa được ký kết, Bắc Kinh muốn vươn ra nước ngoài, đang cân nhắc tài trợ vốn và xây dựng đường sắt cao tốc từ phía tây qua Trung Á sang châu Âu và từ phía tây nam Trung Quốc tới Đông Nam Á qua Singapore.
Vụ tai nạn xảy ra khi hai đoàn tàu cao tốc đâm nhau tại TP Ôn Châu, Chiết Giang năm 2011, làm 40 người bị thiệt mạng. |
Thách thức đối với Trung Quốc khi vươn ra nước ngoài bằng mạng đường sắt cao tốc không hề nhỏ. Đó là việc thuyết phục các quốc gia Trung Á thay thế khổ đường sắt cũ bằng khổ tiêu chuẩn, chưa kể vấn đề an ninh, rào cản ngoại giao, vấn đề tài chính và kỹ thuật cũng như việc "nói và làm" không đi đôi với nhau, đặc biệt là lòng tin về chất lượng và tiến độ trong các dự án mà các nhà thầu Trung Quốc đảm nhận.
Khắc Nam (Theo BBC)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận