Kinh tế

Trung tâm nông sản vùng ĐBSCL tại Cần Thơ sẽ hoạt động vào năm 2023?

19/05/2022, 14:40

Mục tiêu của đề án sẽ đưa trung tâm nông sản trở thành hạt nhân của nền kinh tế nông nghiệp hiện đại ĐBSCL…

Ngày 19/5, Bộ NN&PTNT phối hợp UBND TP Cần Thơ tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý Đề án thành lập Trung tâm Liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL.

img

Quang cảnh hội nghị.

Theo dự thảo Đề án, Trung tâm Liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL tại Cần Thơ có quy mô 3.300ha. Trong đó, giai đoạn đầu có quy mô khoảng 450ha.

Trung tâm sẽ tập trung cho việc sản xuất, chế biến, có hệ thống kho bãi, khu phi thuế quan của lĩnh vực nông nghiệp. Lộ trình và tầm nhìn phát triển trung tâm sẽ thực hiện theo từng giai đoạn.

img

Thu hoạch lúa ở ĐBSCL.

Trong năm 2022 sẽ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập trung tâm và lựa chọn được nhà đầu tư hạ tầng, triển khai các thủ tục pháp lý về đất đai, xây dựng.

Đồng thời sẽ xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt các cơ chế tài chính hỗ trợ hoạt động trung tâm theo Nghị quyết 45/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ.

img

Thu hoạch nông sản ở Hậu Giang.

Sang năm 2023, TP Cần Thơ sẽ hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư và hạ tầng giao thông, điện nước, xử lý nước thải, chất thải khác có liên quan và cung cấp các dịch vụ cơ bản để đưa trung tâm vào hoạt động.

Đồng thời, trong quá trình này sẽ xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với các doanh nghiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thời gian này có thể tiến hành các hoạt động xây dựng nhà xưởng, lắp ráp máy móc, trang thiết bị để sẵn sàng đưa vào hoạt động.

Đến năm 2025, trung tâm cũng đề ra mục tiêu là thu hút các nhà đầu tư nắm giữ công nghệ cao vào lĩnh vực chế biến sâu cho những sản phẩm nông sản, thủy sản quan trọng nhất của ĐBSCL; các nhà đầu tư nắm giữ công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp số... vào giới thiệu, xây dựng mô hình mẫu và chuyển giao công nghệ cho các đơn vị sản xuất nông nghiệp trong vùng. Trong đó, trước tiên là cho các hợp tác xã và doanh nghiệp nông nghiệp Cần Thơ.

Mục tiêu đến năm 2030, trung tâm trở thành hạt nhân của nền kinh tế nông nghiệp hiện đại ĐBSCL; thực hiện đầy đủ chức năng liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL với vai trò dẫn dắt (về công nghệ, đào tạo, chuyển giao giải pháp…).

Theo đó sẽ thúc đẩy (kiến tạo các chuỗi liên kết, thu hút các nguồn lực) và hỗ trợ mạnh mẽ hoạt động kinh tế nông nghiệp toàn vùng (nâng cao giá trị gia tăng, tiêu thụ, xuất khẩu…). Đồng thời hoàn chỉnh tất cả các phân khu chức năng của trung tâm trên diện tích mở rộng theo quy hoạch…

Mục tiêu chung của việc hình thành trung tâm này là nhằm đóng góp, xây dựng TP Cần Thơ trở thành trung tâm vùng ĐBSCL, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp toàn vùng, hướng đến theo tinh thần Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết 45 của Quốc hội cho phép thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ có hiệu lực từ năm 2022 và được thực hiện trong 5 năm (đến 2027).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.