Kết nối tiêu thụ cho 339 doanh nghiệp
Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Kiên Giang (gọi tắt là Trung tâm) những năm qua triển khai nhiều hoạt động đổi mới xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch trong và ngoài nước. Quá trình này đã tạo sự thúc đẩy hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp và góp phần tăng thu ngân sách hàng năm trên 14.000 tỷ đồng, đứng thứ 2 trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Bà Quảng Xuân Lụa, giám đốc trung tâm cho biết, những năm qua, trung tâm luôn cố gắng đổi mới phương thức xúc tiến thương mại và đầu tư như: mở rộng quan hệ và ký kết hợp tác với nhiều cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước (Úc, Mỹ, Anh, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Campuchia, Thái Lan, Malaysia…).
Từ đầu năm đến nay, trung tâm tham mưu UBND tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp triển khai thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ với tinh thần chủ động và đạt các chỉ tiêu theo kế hoạch và chỉ đạo của chủ tịch UBND tỉnh.
Theo đó, trong năm 2024, trung tâm tổ chức được 35/25 hoạt động, đạt 140% so kế hoạch. Cụ thể: Xúc tiến trong tỉnh đạt 10/8 hoạt động, đạt 125% so kế hoạch; xúc tiến ngoài tỉnh đạt 9/8 hoạt động, vượt 112,5% so kế hoạch; xúc tiến nước ngoài 6/1 hoạt động, đạt 600% so kế hoạch; liên quan đến xúc tiến đạt 4/3 hoạt động, bằng 130% so kế hoạch; tuyên truyền và quảng bá 6/5 hoạt động, bằng 120% so kế hoạch.
Năm 2024, trung tâm đã tập trung triển khai thực hiện kết nối thương thảo hợp đồng và kết nối tiêu thụ cho 339 doanh nghiệp với các đối tác trong và ngoài nước. Qua đó các doanh nghiệp trong tỉnh đã ký 68 bản ghi nhớ hợp tác với doanh nghiệp trong và ngoài nước; 5 đơn vị kết nối đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị tại Kiên Giang, nâng tổng số sản phẩm OCOP của tỉnh đưa vào siêu thị lên 15 sản phẩm.
Lắng nghe, gỡ khó cho doanh nghiệp
Để kịp thời tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp, hàng quý trung tâm đều phối hợp với các sở ban ngành tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức nhiều buổi đối thoại doanh nghiệp. Trung bình mỗi buổi có trên 40 lượt ý kiến thiết thực và đã được các sở, ngành trả lời và xử lý kịp thời...
Ngoài ra, nhằm động viên các doanh nghiệp, trung tâm còn tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức họp mặt và khen thưởng doanh nghiệp có thành tích đóng góp cho tỉnh nhà.
Đáng kể nhất là việc Trung tâm phối hợp với các sở, ngành, các hiệp hội tiến hành thu thập hàng trăm ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và tổng hợp báo cáo cho UBND tỉnh để tổ chức thành công hội nghị Đối thoại doanh nghiệp lần 1 năm 2024. Hiện nay, trung tâm đang tiếp tục thu thập ý kiến để chuẩn bị tổ chức đối thoại lần 2 vào tháng 12/2024.
Đặc biệt trong năm 2024, trung tâm được giao xây dựng "Đề án Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030". Trong đó bao gồm việc xây dựng và thực hiện bộ chỉ số đánh giá năng lực điều hành cấp sở - ban - ngành và địa phương trực thuộc tỉnh (gọi tắt là DDCI).
Bộ chỉ số DDCI dựa trên cơ sở ghi nhận mức độ hài lòng của doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã… đang hoạt động trên địa bàn để nghiên cứu giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh.
Đề án này trung tâm vừa hoàn thành, chờ UBND tỉnh phê duyệt để thực hiện vào đầu năm 2025.
Mục tiêu cụ thể của đề án sẽ gồm: Rút ngắn và nâng cao hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo UBND tỉnh đến cấp sở - ban - ngành và các địa phương trong tỉnh. Từ đó tạo kênh thông tin tin cậy, rộng rãi và minh bạch để nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền.
Trên cơ sở đánh giá công tác điều hành nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh trong 5 năm gần nhất để xác định các chỉ tiêu đánh giá, phân tích và đề xuất giải pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại trong những năm tiếp theo. Qua đó, tạo sự cạnh tranh, thi đua về chất lượng điều hành kinh tế giữa các sở, ban, ngành, địa phương.
"UBND tỉnh sẽ giao cho trung tâm làm chủ trì thực hiện công tác khảo sát đo lường sự hài lòng của doanh nghiệp trên địa bàn về chất lượng thực hiện các chính sách và cải cách hành chính ở các cấp trực thuộc UBND tỉnh.
Từ đó đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng thực hiện cải cách thủ tục hành chính tỉnh Kiên Giang. Mục tiêu đề án này sẽ góp phần quan trọng để nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và đưa Kiên Giang trở lại trong nhóm khá cả nước", bà Lụa kỳ vọng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận