Thời sự

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên: Vị Bộ trưởng dám làm, dám chịu trách nhiệm

24/02/2023, 12:39

Trong thời gian giữ cương vị Bộ trưởng Bộ GTVT, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét đối với sự phát triển của ngành.

Ngày 24/2, tại TP Đồng Hới, Bộ Quốc phòng phối hợp với Văn phòng Chính phủ và tỉnh Quảng Bình tổ chức Hội thảo khoa học “Đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - nhà hoạt động thực tiễn xuất sắc của cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình".

Hội thảo là một trong những hoạt động trọng tâm của chuỗi sự kiện kỷ niệm 100 năm ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (1/3/1923 - 1/3/2023), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Ban tổ chức hội thảo cho biết đã nhận được gần 90 tham luận của các đại biểu trong và ngoài Quân đội với nội dung khẳng định, làm rõ thêm những đóng góp, cống hiến to lớn của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và quê hương Quảng Bình.

img

Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu khai mạc hội thảo

Vị tướng tài ba, người con ưu tú đất mẹ Quảng Bình

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, hơn 70 năm hoạt động cách mạng, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã trải qua nhiều cương vị, trên nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau.

Ngay từ những ngày đầu tham gia cách mạng, ông đã tích cực hoạt động gây dựng cơ sở cách mạng, lập chiến khu, huấn luyện quân sự và trực tiếp lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Đặc biệt, ông có gần 10 năm đảm nhiệm Tư lệnh Đoàn 559 - Bộ Tư lệnh Trường Sơn, đóng góp một phần quan trọng trong xây dựng lực lượng dự bị động viên và dân quân tự vệ; xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu 4 và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế đối với nước bạn Lào.

Ông đã cùng với Bộ Tư lệnh Đoàn 559 - Bộ Tư lệnh Trường Sơn có nhiều quyết sách đúng đắn, sáng tạo xây dựng tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn, từ một con đường mòn nhỏ trở thành một mạng lưới giao thông liên hoàn; vận dụng linh hoạt, sáng tạo nghệ thuật chiến tranh nhân dân vào công tác vận tải quân sự, kịp thời chi viện cho chiến trường miền Nam.

"Với tư duy sắc sảo và tầm nhìn chiến lược, đồng chí đã có những cống hiến quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là tấm gương mẫu mực về đạo đức, nhân cách của người chiến sĩ cộng sản, cống hiến hết mình vì nước, vì dân", Thượng tướng Lê Huy Vịnh nêu rõ.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng, cả cuộc đời chiến đầu, cống hiến, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cũng luôn là tấm gương sáng về bản lĩnh chính trị, tinh thần dũng cảm, nêu cao phẩm chất đạo đức cách mạng, luôn tận tụy, tuyệt đối trung thành, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

"Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân luôn ghi nhớ và mãi tự hào về một vị Tư lệnh quả cảm, mưu trí, thao lược nhưng rất đỗi bình dị, gần gũi, một con người sống trọn nghĩa vẹn tình với đồng đội và nhân dân.

Là người con ưu tú của quê hương, ông luôn dành tinh cảm sâu nặng và sự quan tâm đặc biệt đối với tỉnh nhà cả trong thời chiến cũng như trong thời bình", ông Vũ Đại Thắng nói.

img

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nhấn mạnh những dấu ấn và đóng góp của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên với sự phát triển của ngành GTVT là rất sâu đậm

Vị Bộ trưởng dám làm, dám chịu trách nhiệm

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên giữ chức Bộ trưởng Bộ GTVT giai đoạn 1982 - 1986. Đây là giai đoạn khôi phục kinh tế đất nước sau chiến tranh, trong hoàn cảnh chúng ta vẫn bị bao vây cấm vận.

"Trên mọi cương vị công tác, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên luôn thể hiện tài thao lược, tính quyết đoán, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng Đồng Sỹ Nguyên, ngành GTVT đã gấp rút chấn chỉnh tổ chức, chấn chỉnh lại lực lượng, nâng cao năng lực quản lý. Trong thời gian ngắn, ông đã tổ chức lại hoạt động vận tải đường sắt, vận tải biển, vận tải sông..., góp phần nâng cao năng lực, năng suất vận tải.

img

Bộ trưởng Bộ GTVT Đồng Sỹ Nguyên siết bulông tượng trưng tại Lễ nối liền dầm cầu Chương Dương (Hà Nội), ngày 17/2/1985

img

Ngày 17/2/1985, Bộ trưởng Đồng Sỹ Nguyên cùng các đại biểu dự lễ nối liền dầm cầu Chương Dương

Cùng đó, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng, ngành GTVT đã tập trung vào xây dựng các công trình trọng điểm đường bộ như cầu Thăng Long, cầu Chương Dương, cầu Đoan Vĩ, cầu Mai Lĩnh, Ghép, Phố Lu, Khuất, Ròn, Âu Lâu, Kỳ Lừa, Nông Tiến, cầu Bến Thủy... mở đường vành đai Hà Nội giải tỏa ách tắc giao thông ở khu vực Thủ đô.

img

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (ảnh TTXVN)

Dấu ấn đậm nét nhất của Bộ trưởng thể hiện qua 2 công trình cầu Thăng Long và cầu Chương Dương.

Ở công trình cầu dài nhất, hiện đại nhất Việt Nam lúc bấy giờ, Bộ trưởng đã coi đây là một “trận đánh lớn”, thường xuyên trực tiếp xuống kiểm tra, thị sát, giao ban hàng tháng trên công trường; làm việc với chuyên gia Liên Xô cùng giải quyết tháo gỡ vướng mắc phát sinh tạo tiền đề rút ngắn tiến độ thi công. Cầu hoàn thành vào ngày 9/5/1985, vượt kế hoạch tới 7 tháng.

Còn tại cầu Chương Dương, với tầm nhìn chiến lược, Bộ trưởng Đồng Sỹ Nguyên đã quyết định ngừng thi công cầu treo “Mùa Xuân” và chủ trương chuyển hướng sang thiết kế, thi công một “cầu cứng” Chương Dương. Đây là bước chuyển đúng đắn, mang lại hiệu quả lớn về kinh tế - xã hội.

Ngày 30/6/1985, cầu Chương Dương được khánh thành với toàn bộ thời gian thi công chỉ trong 1 năm 9 tháng, vượt kế hoạch đề ra 12 tháng, là dự án cầu về đích vượt tiến độ nhiều nhất lúc bấy giờ.

Cũng trong giai đoạn này, hệ thống giao thông nông thôn phát triển nhanh và mạnh. Tính đến năm 1985 cả nước có 74.000km đường. Nhiều tỉnh đã xây dựng phát triển mạng lưới giao thông vận tải nông thôn khá và vững chắc.

"Đến năm 2000, khi khởi công dự án đường Hồ Chí Minh, dù lúc này đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đã 77 tuổi, nhưng với cương vị đặc phái viên Chính phủ, ông vẫn hăng hái đi công tác trên đường ít nhất mỗi tháng 1 lần.

Mục đích là để kiểm tra tiến độ, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc hoặc vận động người dân sớm bàn giao mặt bằng cho công trình. Hành động của đồng chí khiến cán bộ kỹ sư, công nhân tham gia xây dựng công trình đều khâm phục sâu sắc", Thứ trưởng Lê Đình Thọ chia sẻ.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tên khai sinh là Nguyễn Hữu Vũ, sinh 1/3/1923 tại xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch (nay là thị xã Ba Đồn), tỉnh Quảng Bình.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hương giàu truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng, ông đã sớm giác ngộ, tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1938 và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam), khi mới 16 tuổi.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954) và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975), ông tiếp tục được Đảng, Quân đội giao đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng như Cục trưởng Cục Động viên và Dân quân, Bí thư Ban Chấp hành Đảng bộ Cơ quan Bộ Tổng Tham mưu, Tổng Tham mưu phó, Chính ủy Quân khu 4, Bí thư Khu ủy; Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam ở Mặt trận Trung - Hạ Lào; Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần phụ trách Tổng cục Tiền phương...

Về sau này, ông đảm nhiệm nhiều trọng trách quan trọng như Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng kinh tế; Bộ trưởng, Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Xây dựng; Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu Thủ đô; Bộ trưởng Bộ GTVT; Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.