Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông có 13 đoàn tàu được chế tạo ở nước ngoài, hiện đã được đưa về dự án để phục vụ vận tải trong phạm vi dự án. Từng đoàn tàu đã được vận hành thử tại dự án và đang trong thời gian chờ hoàn thành kiểm định chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Đối với dự án đường sắt đô thị tuyến Nhổn - ga Hà Nội, Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, quy mô dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt này bao gồm cả thiết kế, chế tạo 10 đoàn tàu từ nước ngoài để đưa về hoạt động trong phạm vi tuyến. Hiện các đoàn tàu vẫn đang trong thời gian thiết kế, chế tạo và dự kiến tháng 7/2020 sẽ đưa đoàn tàu đầu tiên về nước.
Ngày 30/9, đại diện Cục Đường sắt VN cho biết: “Trong số các tuyến đường sắt đô thị đang triển khai hiện mới có các đoàn tàu của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được đưa về nước. Tuy nhiên, các đoàn này chưa được Cục Đường sắt VN cấp chứng nhận đăng ký, biển số đăng ký. Số hiệu ghi trên đoàn tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông hiện nay không phải là số đăng ký được cấp theo quy định”, đại diện Cục Đường sắt VN thông tin và cho biết, các đoàn tàu đường sắt đô thị trước khi đưa vào khai thác, vận hành chính thức phải được Cục Đường sắt VN cấp giấy chứng nhận đăng ký phương tiện, trên phương tiện phải kẻ, vẽ biển số theo số hiệu đã được cấp.
Cũng theo Cục Đường sắt VN, việc cấp chứng nhận đăng ký tàu đường sắt đô thị được thực hiện theo Thông tư số 21/2018 của Bộ GTVT quy định về đăng ký phương tiện giao thông đường sắt, di chuyển phương tiện giao thông đường sắt trong trường hợp đặc biệt.
Theo đó, đối với phương tiện giao thông đường sắt đô thị không có hợp đồng mua bán, hóa đơn riêng (do việc mua bán các phương tiện đó chỉ là hợp phần của gói thầu và không thể tách rời), chủ sở hữu phải có bản cam kết xác nhận các phương tiện đó thuộc quyền sở hữu và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật khi có các tranh chấp sở hữu phát sinh.
Chủ sở hữu phương tiện khi đề nghị cấp đăng ký phải nộp hồ sơ gồm đơn đề nghị kèm các giấy tờ phương tiện (chứng từ nộp phí trước bạ (nếu có), giấy chứng nhận đăng kiểm, hóa đơn, bản dịch tiếng Việt có công chứng dịch thuật đối với phương tiện sử dụng tiếng nước ngoài...).
Sau khi được Cục Đường sắt VN cấp giấy chứng nhận đăng ký, chủ sở hữu tàu đường sắt đô thị phải kẻ số đăng ký của phương tiện lên hai bên ngoài thành hoặc ở hai đầu phương tiện ở vị trí thích hợp dễ quan sát và dễ nhận biết.
Số đăng ký phương tiện đường sắt gồm 3 nhóm ký hiệu, theo thứ tự đi liền nhau: tên thương mại của chủ sở hữu phương tiện, chữ số và số chỉ kiểu loại phương tiện, số thứ tự đăng ký do cơ quan quản lý cấp (ví dụ đăng ký một toa xe của Tổng công ty Đường sắt VN là: VNR H 431-328).
Việc kẻ, vẽ biển số đăng ký tàu cũng phải tuân thủ quy tắc màu sắc: biển số màu trắng hoặc vàng nếu thành của phương tiện là màu sẫm; biển màu xanh cô ban hoặc màu đen nếu thành của phương tiện là màu sáng. Các chữ và số biểu thị đăng ký có kích thước bằng nhau, kích cỡ 120mm - 150mm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận