Chiều 3/6, Cơ quan CSĐT Công an TP Thái Bình ra quyết định khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Văn Điều (Trưởng ban Nội chính tỉnh Thái Bình), sinh năm 1967, trú tại thôn Bùi Xá, xã Minh Lãng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.
Cùng ngày, Viện Kiểm sát nhân dân TP Thái Bình đã ra Quyết định phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can.
Trao đổi với PV Báo Giao thông về diễn biến mới này, Luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật TNHH LSX (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, căn cứ vào quyết định khởi tố của Công an TP Thái Bình thì ông Nguyễn Văn Điều đối diện với mức án tù từ 3 - 10 năm.
“Như báo chí đưa tin, ông Điều tham gia giao thông trong tình trạng hơi thở có nồng độ cồn, khi gây tai nạn bỏ chạy và làm thương vong nhiều người, cụ thể ở đây là làm chết 1 người và bị thương 2 người. Đây là một trong những tình tiết để tăng nặng mức án đối với vị Trưởng ban Nội chính tỉnh Thái Bình”, ông Lực nói.
Tuy nhiên trong quá trình truy tố, các cơ quan tham gia tố tụng cũng căn cứ vào nhiều tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để đưa ra phán quyết cuối cùng.
“Trường hợp người phạm tội là người có công với cách mạng phải có nhiều công sức đóng góp cho đất nước, nhân thân tốt, thành khẩn khai báo, người nhà nạn nhân có đơn xin miễn trách nhiệm hình sự cho bị can... cũng sẽ là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật", luật sư Lực phân tích.
Bàn về việc này, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, đây là một sự việc rất đáng tiếc.
Hành vi sử dụng rượu bia sau đó lái xe gây TNGT hậu quả nghiêm trọng là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Với tình tiết này thì người vi phạm giao thông sẽ phải đối mặt với mức án ít nhất 3 năm tù, cao nhất đến 10 năm tù.
Ngoài ra, hành vi bỏ chạy, trốn tránh cũng là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng và vi phạm đạo đức xã hội. Bởi vậy, điều 260 Bộ luật hình sự quy định hành vi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Luật sư Cường cho biết thêm, theo quy định của pháp luật thì việc bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả, người bị hại có đơn xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự chỉ là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự chứ không phải là cơ sở để miễn trách nhiệm hình sự.
Khoản 2 Điều 260 Bộ luật hình sự 2015 quy định, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 -10 năm:
a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;
b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng;
c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Làm chết 2 người;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122 - 200%;
h) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận