Bóng đá

Trưởng Ban Trọng tài Đặng Thanh Hạ: VAR hỗ trợ, trọng tài vẫn có thể sai

Được kỳ vọng rất lớn, song theo Trưởng Ban Trọng tài Đặng Thanh Hạ, VAR chỉ đóng vai trò hỗ trợ trọng tài.

Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và Ban Trọng tài Liên đoàn bóng đá Việt Nam (Ban Trọng tài) đang hoàn thiện những khâu cuối cùng trong quá trình tập huấn VAR cho 18 trọng tài.

Được kỳ vọng rất lớn, song theo Trưởng Ban Trọng tài Đặng Thanh Hạ, VAR chỉ đóng vai trò hỗ trợ trọng tài.

Trọng tài Việt Nam sẵn sàng dùng VAR

img

Trọng tài Việt Nam làm quen VAR để chuẩn bị cho mùa giải 2023 - 2024. Ảnh: VPF

Xin ông cho biết tới thời điểm hiện tại, quá trình tập huấn VAR đã tới bước nào và khả năng tiếp cận của trọng tài Việt Nam với VAR ra sao?

Các trọng tài đã trải qua 2 giai đoạn tập huấn và bắt đầu bước sang giai đoạn tập huấn thứ 3, cũng là giai đoạn cuối cùng theo quy định của FIFA.

Ở hai giai đoạn đầu, trọng tài chủ yếu làm quen với các thiết bị, cách vận hành cũng như sự phối hợp giữa các vị trí, phân tích các tình huống có sẵn trong phòng LAB.

Tới giai đoạn 3 (bắt đầu từ ngày 8/6), trọng tài sẽ làm quen với việc phân tích tình huống thực tế trên sân, thực hành trên xe VAR.

Ban đầu chỉ là một số tình huống theo kịch bản nhưng sau đó sẽ là một trận đấu hoàn chỉnh. Tất cả các khâu đều có sự giám sát chặt chẽ của FIFA.

Về cơ bản, trọng tài Việt Nam tiếp cận tốt và đang làm chủ được các thiết bị cũng như quy định. Nhưng đây chỉ là đánh giá của cá nhân tôi, việc đạt hay không phải dựa vào quyết định từ FIFA. Chỉ khi được cấp giấy phép, VAR tại Việt Nam mới có thể vận hành thực tế.

Theo ông, đâu là khó khăn lớn nhất khi các trọng tài tiếp cận VAR?

Thực tế, về mặt công nghệ không quá khó bởi VAR sẽ có nhân viên IT hỗ trợ toàn bộ về hiệu chỉnh máy móc, chọn góc này, tình huống kia, chỗ nào cần nhanh chỗ nào cần chậm.

Cái khó nhất chính là việc nhận định, phân tích tình huống. Có những tình huống khó, các trọng tài phân tích, nhận định tình huống không giống nhau.

Để VAR phát huy hiệu quả cao nhất, yếu tố nào có tính chất quyết định, thưa ông?

Chính là con người. Máy móc bỏ tiền ra mua được nhưng con người thì không. Để VAR vận hành hiệu quả, trọng tài cần làm chủ được quy trình xử lý và nâng cao năng lực phân tích, nhận định.

Nhận định, phân tích sẽ giúp trọng tài đưa ra quyết định cuối cùng, VAR chỉ đóng vai trò hỗ trợ, tham vấn. Nói cách khác, năng lực của trọng tài sẽ là yếu tố chi phối hiệu quả VAR mang lại. Khả năng phối hợp giữa IT và trọng tài cũng cần nhuần nhuyễn bởi thời gian không có nhiều và VAR không can thiệp sâu vào trận đấu.

VAR chỉ hỗ trợ trọng tài

Ông có kỳ vọng VAR sẽ giúp công tác trọng tài tại V-League hạn chế sai sót?

Đương nhiên rồi, VAR đóng vai trò hỗ trợ trọng tài phân tích tình huống. Có những tình huống va chạm ở góc nhìn trọng tài không thấy nhưng góc quay của VAR sẽ giúp trọng tài có góc nhìn tốt hơn và đưa ra nhận định đánh giá tình huống đó.

Nói vậy để thấy, sai sót của trọng tài chắc chắn sẽ giảm khi có VAR nhưng VAR không thể thay thế trọng tài, quyết định vẫn do trọng tài đưa ra và sai sót vẫn có thể xảy đến.

Đừng kỳ vọng VAR sẽ giải quyết triệt để sai sót của trọng tài, trên thế giới họ áp dụng VAR nhưng trọng tài vẫn sai, kể cả ở những sân chơi lớn như Ngoại hạng Anh, thậm chí World Cup khi rơi vào những tình huống khó.

Kể cả khi có VAR, trọng tài vẫn có thể xử lý sai, khi đó phản ứng của người hâm mộ chắc chắn rất lớn, ông có cảm thấy áp lực?

Mọi người đều kỳ vọng có VAR sẽ giải quyết sai sót của trọng tài nhưng như vừa trao đổi, sai sót vẫn xuất hiện nên các trọng tài, Ban Trọng tài sẽ phải đối diện với rất nhiều áp lực.

Thực tế chúng ta thấy, tâm lý chung khi VAR vào cuộc là muốn có sự trắng đen rõ ràng nhưng bóng đá muôn hình vạn trạng, sẽ có rất nhiều tình huống khiến trọng tài gặp khó trong việc nhận định lỗi hay không lỗi.

Ngay cả việc trọng tài VAR và trọng tài chính có nhận định vênh nhau cũng hết sức bình thường. Trên sân, quyết định của trọng tài chính cần được tôn trọng.

Thời gian gần đây, trọng tài làm nhiệm vụ tại V-League mắc nhiều sai sót liên quan tới lỗi nhận định. Theo chia sẻ của ông, VAR không thể thay trọng tài nhận định nên việc nâng cao chất lượng trọng tài là điều cấp bách?

Đúng vậy, năng lực trọng tài cần nâng cao và năng lực làm việc với VAR cũng cần phổ cập. Hiện tại chúng ta chỉ có 18 trọng tài được tập huấn, làm quen công nghệ hỗ trợ này.

Trong tương lai, Ban Trọng tài sẽ lần lượt tổ chức các lớp tập huấn để toàn bộ các trọng tài có thể làm chủ VAR khi được giao nhiệm vụ.

Ngoài ra, nhằm tạo được sự thống nhất trong nhận định, phân tích tình huống, Ban Trọng tài sẽ phải đẩy mạnh các khóa học chuyên môn mang tính thực tế, có giải thích cặn kẽ trên tinh thần luật, qua đó tạo được phản xạ cho các trọng tài khi gặp tình huống phát sinh trên sân.

Chúng tôi cũng sẽ thường xuyên mời giảng viên FIFA về đứng lớp để cải thiện khả năng phân tích, nhận định.

Cảm ơn ông!

Theo thông tin từ VPF, hai xe VAR do Công ty này triển khai với sự tài trợ của của tập đoàn Hoành Sơn đã được hoàn thiện và đưa vào vận hành tại đợt tập huấn trọng tài giai đoạn 3.

Trong thời gian tới, FIFA cũng sẽ gửi thông tin về kế hoạch tài trợ 2 xe VAR cho Việt Nam. Các xe VAR do VPF triển khai với toàn bộ trang thiết bị của hệ thống VAR đều được nhập khẩu dưới sự giám sát về chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật của FIFA.

VAR chỉ chính thức được áp dụng sau khi vượt qua các bước kiểm tra từ FIFA về cả công nghệ và đào tạo trọng tài.

VPF cũng cho hay, VAR yêu cầu tối thiểu 6 - 8 camera trên sân và trong phòng máy phải có tối thiểu 6 màn hình.

Tuy nhiên, các thiết bị chỉ là một phần, việc thu, phát dữ liệu trận đấu phải sử dụng giải pháp của EVS Xeebra còn khâu liên lạc phải sử dụng giải pháp của Vokkero, đều do FIFA chỉ định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.