Tiểu đội thép Truông Bồn san lấp hố bom đảm bảo giao thông tại trọng điểm Truông Bồn - Ảnh: tư liệu |
“Đau lòng lắm các em ơi, các em còn trẻ lắm”
Nếu Hà Tĩnh có Ngã ba Đồng Lộc, thì Nghệ An có Thung lũng Truông Bồn, nổi tiếng một thời trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên mặt trận GTVT.
Thung lũng Truông Bồn nằm trên đất xã Mỹ Sơn thuộc huyện Đô Lương tỉnh Nghệ An, cách TP Vinh 35km về phía Tây và cách thị trấn Nam Đàn 7km.
Thung lũng Truông Bồn giờ đây cỏ cây hoa lá đã phủ một màu xanh nổi bật lên khu di tích thờ 13 anh hùng liệt sĩ Tiểu đội 2 - C317 thuộc Tổng đội Thanh niên xung phong tỉnh Nghệ An. Đến Truông Bồn, chúng tôi đứng lặng người trước tượng đài 13 anh hùng liệt sĩ Thanh niên xung phong.
"Truông Bồn, mãi mãi khắc sâu vào tâm khảm chúng ta khi ai đó có dịp đến đây chiêm ngưỡng để rồi không bao giờ quên được những con người đã dũng cảm hy sinh trên mặt trận GTVT”. |
Qua hết điện thờ phía ngoài, vào điện thờ phía trong, trước mắt chúng tôi nổi bật lên 14 pho tượng đồng đen của 14 anh hùng liệt sĩ (bên trái 7 và bên phải 7). Theo hướng dẫn, chúng tôi xếp hàng ngang, mỗi người trong tay cầm sẵn một nén hương.
Khi chúng tôi vừa thắp nén hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ, bỗng một hồi trống, chiêng vang lên, khiến ai nấy đều xúc động nghẹn ngào. Những giọt nước mắt cứ tự nhiên tuôn trào không ai kìm nén được. Chúng tôi đã khóc, khóc những người con anh dũng hy sinh trên mặt trận GTVT ở ngay mảnh đất này.
“Đau lòng lắm các em ơi, các em còn trẻ lắm”, một bác trong đoàn thốt lên thành lời. Rồi bác hỏi tôi: “Anh cho tôi hỏi, tại sao ngoài tượng đài ghi tên 13 liệt sĩ mà vào đây chúng tôi thấy có 14 pho tượng?”
Người hướng dẫn viên đi bên cạnh nhẹ nhàng giải thích: “Thưa bác, vì có thêm một đồng chí bộ đội phá bom từ trường hy sinh ngày 30/12/1968 trong khi làm nhiệm vụ ở đây. Đồng chí bộ đội đó tên là Hoàng Kim Giao, một kỹ sư tốt nghiệp chuyên ngành vô tuyến điện tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Đồng chí xung phong vào đây công tác rồi ngã xuống khi tuổi đời mới 26, chưa có gia đình riêng. Người hướng dẫn viên chỉ bức tượng đặt cuối hàng phía bên phải cho mọi người thấy”.
Tưởng nhớ vong linh những người con anh dũng
Rời Truông Bồn trong lòng tôi không khỏi nghẹn ngào xúc động. Tôi thèm được một lần làm công việc của những người hướng dẫn viên ở đây: “Xin phép anh cho tôi được giới thiệu lại cho cánh báo chí và cho những ai chưa có dịp đến Truông Bồn hình dung được sự anh dũng hy sinh, của các anh chị em trong Tiểu đội 2, C317 thuộc Tổng đội Thanh niên xung phong tỉnh Nghệ An do chị Trần Thị Thông làm Tiểu đội trưởng”, tôi nói.
Được anh hướng dẫn viên cho phép, tôi chầm chậm kể: “Tiểu đội của chị Thông có 14 người, hai nam và 12 nữ. Đơn vị đã từng làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông ở các trọng điểm như: Cầu Bùng, cầu Cấm, Hoàng Mai, Bến Thủy, Đô Lương, Nam Đàn và rồi đây nữa là Truông Bồn. Ngày 30/10/1968, một số anh chị em trong Tiểu đội đã hoàn thành nhiệm vụ, trong tay đã cầm quyết định ra quân của đơn vị. Đơn vị đã tổ chức liên hoan cho anh chị em chia tay. Kẻ ở, người về tránh sao khỏi có sự bùi ngùi thương nhớ qua bốn năm đồng cam cộng khổ, sống chết có nhau trên mặt trận đảm bảo giao thông thời chiến.
Người ta hẹn nhau về dự đám cưới của anh Cao Ngọc Hòa và chị Nguyễn Thị Tâm, hai người cùng Tiểu đội... Ở quê nhà, cha mẹ, họ hàng hai bên đã đi lại chuẩn bị đầy đủ các lễ vật cho đám cưới, chỉ chờ hai người trở về để thành vợ chồng, trăm năm kết tóc se duyên. Thiếp mời dự đám cưới hai gia đình đã chuẩn bị chu đáo. Một số chị em trong tay đã cầm giấy gọi đến các trường Trung cấp sau ngày ra quân. Chao ôi, họ có biết đâu qua một đêm sau đó, cả Tiểu đội bị nhấn chìm trong đất đá. 13 người mãi mãi ra đi, chỉ có một người sống sót, đó là chị Trần Thị Thông, Tiểu đội trưởng”.
Rồi tôi tiếp: “Đêm 30, rạng sáng ngày 31/10/1968, một sự kiện kinh hoàng xảy ra ở thung lũng Truông Bồn, giặc Mỹ điên cuồng đem hàng tấn bom dội xuống đây hòng chặn đứng những đoàn xe của ta chở hàng tiếp tế cho chiến trường miền Nam. Đơn vị C317 rải quân làm nhiệm vụ thông tuyến. Tiểu đội 2 của chị Thông cũng xung phong ra mặt đường và rồi sau đó bom Mỹ đã vùi sâu cả Tiểu đội của chị trong đất đá, chỉ còn mình chị sống sót nhờ khẩu súng trường khoác vai để lộ cái nòng trên mặt đất. Các đội cứu chữa sau đó phát hiện và đào chị lên cấp cứu kịp thời. 13 người còn lại hy sinh cả. Người ta thu lượm được 6 thi thể còn nguyên, 7 người khác đã hóa thành đất đá”.
Tôi kể đến đây và nói xin mọi người hãy cùng tôi dành một phút mặc niệm tưởng nhớ vong linh của những người con anh dũng kiên cường hy sinh trên mặt trận đảm bảo giao thông ở thung lũng Truông Bồn, tỉnh Nghệ An vào rạng sáng ngày 31/10/1968.
Nhiều người đã đến, đã biết Ngã ba Đồng Lộc Hà Tĩnh nhưng cũng rất nhiều người chưa đến, chưa biết thung lũng Truông Bồn Nghệ An. Cũng dễ hiểu, vì khu di tích Truông Bồn Nghệ An mới được Nhà nước cho khởi công xây dựng tháng 10/2012, cơ bản hoàn thành vào năm 2013.
Bốn mươi bảy năm đã trôi qua, đây là một trong những chiến tích viết lên trang sử anh hùng ca bất diệt, “địch phá, ta sửa ta đi” của ngành GTVT. Là những người lính giao thông, chúng ta có quyền tự hào về điều đó. Xin gợi nhớ lại những sự kiện xa xưa để không cho phép chúng ta lãng quên những anh hùng liệt sĩ hy sinh trên mặt trận đảm bảo giao thông qua hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc.
Hữu Sinh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận