Có trưởng tàu tâm sự với tôi, nhiều chuyến đi tàu tính ra thời gian cho công việc chính chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại phần lớn thời gian để tiếp khách VIP. Hết đoàn này đến đoàn khác. Trong khi đáng lẽ công việc chính của trưởng tàu là lo tác nghiệp đón tiễn khách lên xuống tàu theo đúng quy trình, đảm bảo an ninh, an toàn, ổn định trật tự và các công việc khác trong quá trình tàu chạy. Nói to tát một tý thì trưởng tàu sẽ là người có quyền lớn nhất quyết định đến sự an toàn trong suốt hành trình, thường xuyên phải tỉnh táo để giải quyết những vụ việc phát sinh. Vậy mà nhiều khi trưởng tàu phải tiếp khách, mà tiếp khách không thể thiếu rượu.
Tôi có dịp đi tàu sang Nam Ninh, Trung Quốc. Cả đoàn khách ta được phía nhà tàu Trung Quốc tiếp đón rất trọng thị. Khi bước lên tàu, vị trưởng tàu hướng dẫn hành khách nơi nghỉ ngơi trên tàu rất chuyên nghiệp và nhanh chóng, giới thiệu về hành trình sẽ đi qua, hướng dẫn sử dụng các thiết bị trên tàu. Sau đó có ngồi lại vài phút tiếp chuyện xã giao rồi xin phép đi làm việc. Tất cả đều rất nhanh gọn và chuyên nghiệp. Đến giờ ăn, trưởng tàu thông báo cho cả đoàn biết và hướng dẫn mọi người đến toa hàng ăn sạch sẽ, sang trọng như nhà hàng.
Một vị khách trong đoàn Việt Nam có nhã ý mời trưởng tàu Trung Quốc một ly rượu. Nhưng trưởng tàu nhất định từ chối vì lý do đang giờ làm việc, không được phép uống rượu. Hơn nữa, trưởng tàu phải làm gương cho nhân viên. Nói xong, vị trưởng tàu lại ra đầu toa hàng ăn đứng ngay ngắn, điều hành nhân viên phục vụ theo đúng yêu cầu của hành khách.
Tàu liên vận quốc tế giữa ta và Trung Quốc có nhiều nét khá tương đồng về quy cách toa tàu, đầu máy, cơ cấu tổ tàu... Thế nhưng về phong cách và thái độ phục vụ của trưởng tàu thì khác hẳn nhau. Dù là khách của ngành Đường sắt hay là khách VIP, khi đã bước lên tàu, trưởng tàu vẫn phải là người có quyền cao nhất để đảm bảo an toàn. Bất cứ hành khách nào cũng phải chấp hành.
Thiện Anh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận