Trưởng tàu SE7/8 Nguyễn Tấn Tài (người thứ 2 từ phải qua) cùng tổ tàu họp rút kinh nghiệm sau chuyến tàu |
Trưởng tàu SE7/8 Nguyễn Tấn Tài (Trạm công tác trên tàu Sài Gòn, Đoàn Tiếp viên đường sắt phương Nam) mới đây trở thành “nhân vật hot” trên báo chí, vì đã trực tiếp giúp đỡ một hành khách sinh con trên tàu, lập “kỷ lục” trưởng tàu ba lần làm “bà đỡ” bất đắc dĩ cho hành khách.
“Bà đỡ bất đắc dĩ”
Anh Tài kể, khoảng 1h sáng 14/12, khi tàu vừa qua ga Thừa Lưu (Thừa Thiên - Huế), tiếp viên Trần Thị Xinh (phụ trách toa số 10) nhận được tin hành khách Bùi Thị Thứ, 28 tuổi, quê ở xã Cẩm Long, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa, lên tàu từ ga Biên Hòa đi ga Thanh Hóa có dấu hiệu chuyển dạ. Nhận được tin báo, anh lập tức phân công nhân viên thông báo trên loa phát thanh để tìm hành khách có chuyên môn y tế trợ giúp, đồng thời điện báo về ga Huế chuẩn bị đưa khách đi bệnh viện cấp cứu.
Sau khi hỏi thăm tình hình hành khách, anh Tài chỉ đạo nhân viên trên tàu chuẩn bị phương tiện cần thiết giúp sản phụ sinh con trên tàu. Không có hành khách có chuyên môn y tế giúp đỡ trong khi sản phụ không thể đợi về ga Huế mới chuyển dạ, anh Tài quyết định trực tiếp đỡ đẻ cho sản phụ vì nếu chậm trễ, có thể nguy hiểm đến cả hai mẹ con sản phụ. “Khoảng 1h15’ cùng ngày, tôi và hai tiếp viên Thân Đức Khái và Lê Xuân Tố là nhân viên được phân công nhiệm vụ an toàn vệ sinh viên chuyến đi và các nhân viên trên tàu đã giúp sản phụ sinh một bé gái kháu khỉnh. Khi tàu đến ga Huế, tổ tiếp viên trên tàu nhanh chóng đưa mẹ con chị Thứ xuống để chuyển Bệnh viện GTVT Huế”, Trưởng tàu Nguyễn Tấn Tài kể.
Mấy chục năm theo nghề trưởng tàu nhiều áp lực, “trăm dâu đổ đầu tằm”, phải xử lý mọi tình huống xảy ra, phải đảm bảo an toàn hành khách, an toàn chạy tàu trong cả chuyến đi… nên đến giờ, khi chỉ còn hơn năm nữa là “hưu”, anh Tài không tránh khỏi có lúc thấy mệt mỏi. Hơn nữa, a nh lại bị bệnh cao huyết áp. Nhưng anh vẫn luôn tâm niệm phải làm tốt công việc bằng tất cả cái tâm và trách nhiệm cũng như tự trọng nghề nghiệp của một “trưởng tàu già”… |
Nói về giây phút ấy, anh Tài cho biết: “Không thể tả hết niềm vui của tổ tàu và hành khách khi chị Thứ “mẹ tròn con vuông”. Chị Thứ vui đã đành, chúng tôi cũng vui không kém vì đã giúp đỡ được hành khách…”. Thế là một thiên thần bé nhỏ nữa ra đời nhờ đôi tay trưởng tàu. Hai cháu bé trước cũng được chính đôi bàn tay ấy đỡ chào đời trên chuyến tàu từ Nam ra Bắc: Cháu trai đầu tiên ra đời cách đây 7 năm khi tàu chạy trong khu gian Nông Sơn - Lệ Trạch; Cháu gái thứ hai ra đời cách đây hai năm khi tàu sắp tới ga Đồng Lê. Khi chuyển hành khách xuống ga, đến bệnh viện, anh Tài còn gọi điện lại hỏi thăm tình hình, biết mẹ con hành khách khỏe mạnh, anh mới yên tâm.
Làm “bà đỡ” bất đắc dĩ cũng là cái duyên vì mẹ anh là y sĩ sản. Những năm đầu thập kỷ 70 thế kỷ trước, anh Tài mới chỉ là cậu bé khoảng 10 tuổi đã theo mẹ đi trực đêm tại trạm y tế của trường cán bộ, học sinh miền Nam tập kết. Trường thì đông nhưng trạm y tế rất ít người, chỉ một hai người trực đêm. Thế là cậu bé Tài phải soi đèn giúp má đỡ những ca sinh cấp cứu trong đêm. Ban đầu thì sợ, riết rồi thành quen, trở thành “phụ tá đắc lực” cho mẹ. Đến sau này khi đã là trưởng tàu, anh vẫn phụ mẹ đỡ đẻ tại nhà cho hàng xóm trong khu tập thể.
Nhưng là đàn ông, lại không phải người thân, anh không ngại khi đỡ đẻ sao? “Mình là đàn ông thật nhưng cứ coi các cháu ấy như con cháu mình, cần phải giúp đỡ là không có ngại chi hết. Chứ nhân viên tuy được học về sơ cấp cứu thật nhưng cánh đàn ông con trai cũng có chút e ngại, chị em thì sợ, run tay, không dám làm. Mình làm trưởng tàu lại biết chút ít về đỡ đẻ, không giúp thì ai làm, hơn nữa tình thế khẩn cấp rồi…”, anh chia sẻ.
Trưởng tàu Tài nói: “Anh em bảo, may mắn nhờ ông bà phù hộ nên mấy ca sinh đều là ca dễ, suôn sẻ, chứ gặp ca khó cũng chưa biết xử trí sao…”. Nhờ ông bà nên may mắn cho cả hành khách và tổ tàu, nhưng cái may lớn nhất với hành khách có lẽ là gặp được người trưởng tàu tâm sáng lại mát tay như anh Tài.
Hết lòng vì hành khách
“Trưởng tàu Nguyễn Tấn Tài là “của hiếm” đấy. 30 năm trong nghề trưởng tàu, anh Tài vừa giàu kinh nghiệm lại rất có tâm. Tổ tàu năm nào cũng đạt danh hiệu Chính quy - văn hóa - an toàn. Tổ tàu của anh nhiều lần được khen thưởng vì giúp đỡ hành khách khi hoạn nạn, trả lại tài sản hành khách bỏ quên…”, Trạm trưởng Trạm Công tác trên tàu Sài Gòn Phạm Văn Bảy hồ hởi giới thiệu về trưởng tàu Tài như vậy.
Quả thật, nhiều trường hợp tổ tàu hay chính anh trực tiếp giúp đỡ hành khách mà anh không thể nhớ hết nhưng theo anh thì “phải tìm mọi biện pháp trả lại cho người đánh mất”. Như trường hợp trên chuyến tàu ra Bắc, nhân viên toa xe phát hiện hành khách bỏ quên chiếc ví bèn báo anh Tài. Kiểm tra ví có hơn 6 triệu đồng tiền mặt và nhiều giấy tờ quan trọng. Thấy địa chỉ hộ khẩu thường trú trên chứng minh thư trong ví ghi là ở Huế, anh Tài gọi điện cho bạn ở Huế nhờ đến địa chỉ đó để báo cho hành khách. Nhưng khi bạn anh đến nơi, hàng xóm nói gia đình đã chuyển vào Sài Gòn. Đoán hành khách mất giấy tờ cũng phải đến công an địa phương theo hộ khẩu để làm lại chứng minh thư, anh Tài lại nhờ bạn đến công an phường đó, để lại số điện thoại của anh để hành khách có thể liên lạc.
Hay trường hợp khác, chỉ là nhặt được chứng minh thư của ai đó đánh rơi trên sân ga Nha Trang mà anh cũng viết thư về tận địa chỉ theo chứng minh, cho số điện thoại của mình và người mất chứng minh thư đã liên lạc, đến trạm nhận lại. “Bây giờ làm lại chứng minh thư cũng nhanh và thuận tiện nhưng cái tâm mình không thể cứ làm ngơ được, nhỡ người ta cần gấp thì sao… Vì thế, nếu nhặt được phải trả lại cho hành khách”, anh Tài nói.
Một trường hợp khá hi hữu nữa, gia đình đưa hài cốt liệt sĩ về quê nhưng do người nọ tưởng người kia đem nên quên vali đựng hài cốt trên tàu. Sau khi phát hiện vali bỏ quên đựng hài cốt và giấy tờ liệt sĩ, anh cũng tìm cách liên lạc để trao lại gia đình. Rồi cả những trường hợp hành khách ốm đau, bệnh tật, khi lên tàu chỉ còn biết bấu víu vào nhân viên nhà tàu. Biết thế nên anh cùng anh em tổ tàu không nề hà việc gì, cố gắng giúp hành khách trong khả năng có thể.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận