Hơn 500 sản phẩm có thể truy xuất được nguồn gốc qua smartphone |
Trong bối cảnh thực phẩm “sạch - bẩn” lẫn lộn, người tiêu dùng không thể biết rõ nguồn gốc, xuất xứ, “mù mờ” tiêu dùng bằng niềm tin. DN sản xuất, cung ứng chân chính cũng lao đao theo. Ứng dụng truy xuất nguồn gốc thực phẩm qua smartphone phần nào vực lại niềm tin từ hai phía.
Ứng dụng cho hơn 500 dòng sản phẩm
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, từ 10/9, đơn vị chính thức chạy ứng dụng này trên 550 dòng sản phẩm của 5 đơn vị sản xuất chế biến và 5 kênh phân phối lớn. Thời gian từ nay đến hết năm chạy thử nghiệm, khắc phục hạn chế và dự kiến vận hành mở rộng từ năm 2017.
Theo đó, chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh chạy hệ điều hành ISO hoặc Android có kết nối mạng internet là khách hàng có thể quét mã QR code trên sản phẩm để tra cứu thông tin chi tiết về sản phẩm, cơ sở sản xuất và cơ sở phân phối. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng sẽ thấy được các giấy tờ chứng nhận liên quan đến sản phẩm và phản hồi ý kiến tới cơ quan quản lý và DN; Có thể xem bản đồ từ vị trí của mình tới vị trí các nhà cung cấp nông sản thực phẩm trong hệ thống thông qua Google map...
Ông Chí cho hay, ngoài mục đích minh bạch thông tin tới người tiêu dùng, phần mềm quản trị này còn phục vụ nhà quản lý thông qua những báo cáo từ người tiêu dùng. “Mặc dù trung tâm không phải đơn vị kiểm định, cung cấp chứng nhận an toàn thực phẩm, tuy nhiên bất kỳ loại thực phẩm nào được cấp mã QR code đều phải cung cấp đầy đủ giấy tờ đảm bảo chất lượng đã được cơ quan chức năng cấp. Đồng thời, các đơn vị tham gia chương trình này cũng đều ký cam kết thực hiện nghiêm túc và chịu trách nhiệm trước cộng đồng về chất lượng sản phẩm”, ông Chí khẳng định.
Người dùng, người bán đều cần minh bạch
Dừng trước quầy bán hàng An Việt tại Hội chợ nhận diện nông sản an toàn, đặc sản Bắc bộ tại Hà Nội (đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội), bà Nguyễn An Nhiên (trú tại Đội Cấn) quyết định mua nửa cân thịt lợn sạch đã được hút chân không. Bà Nhiên cho biết: “Mua trong này thì chắc thịt lợn sạch, chứ với giá này ra ngoài mua phải được gần cân thịt loại tương đương. Chấp nhận giá đắt hơn nhưng chủ yếu bà Nhiên vẫn mua bằng niềm tin”. Khi được DN giới thiệu có cách “truy xuất” chính miếng thịt bà vừa mua, bà Nhiên khá bất ngờ và tỏ ra hứng thú khi được hướng dẫn sử dụng ứng dụng truy xuất nguồn gốc thực phẩm qua smartphone. Còn chị Nguyễn Lan Chi (Trần Duy Hưng, Hà Nội) cho hay: “Gia đình luôn đặt tiêu chí “sạch” trong bữa cơm gia đình, nhưng không đơn giản. Giờ có điều kiện để truy xuất thêm nguồn gốc thực phẩm thì cũng an tâm phần nào”.
Chia sẻ với Báo Giao thông, bà Đỗ Ngọc Trâm, Giám đốc Công ty Thực phẩm sạch Greenlife cho biết: “Trong thời buổi thị trường “nhiễu sóng”, việc minh bạch thông tin sản phẩm đến với người tiêu dùng sẽ giúp các đơn vị làm ăn chân chính lấy lại được niềm tin”. Bà Trâm cũng cho hay, phần mềm truy xuất này còn giúp các đơn vị phân phối quản lý tốt số lượng, chất lượng sản phẩm từ nguồn sản xuất, thu gom hàng. Cùng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam cho hay, riêng chuỗi cửa hàng của công ty có khoảng 600 sản phẩm rau, hoa quả của hơn 100 nhà phân phối trên cả nước. Qua mã QR code, DN có thể cung cấp mọi thông tin liên quan đến sản phẩm cho người tiêu dùng và thông tin này có sự kiểm chứng của cơ quan Nhà nước.
Tuy nhiên, với quy trình sau khi cung cấp mã QR code, các đơn vị được chủ động in ấn mã code và gắn trên sản phẩm trước khi đưa ra thị trường, không ít người lo ngại trường hợp “tem thật, hàng giả” hoặc “tái sử dụng tem”. Lý giải cho điều này, ông Chí cho rằng, mã QR code chỉ được hiểu là kênh minh bạch thông tin để người tiêu dùng có thể nhận diện, tránh hàng giả. Do vậy, bên cạnh đó, vẫn luôn có sự kiểm soát chất lượng sản phẩm từ lực lượng chức năng. “Trong quá trình kiểm tra, bất kỳ dòng sản phẩm nào không đạt chuẩn sẽ bị loại khỏi danh sách được cấp mã QR code”, ông Chí cho hay.
Còn với trường hợp “lợi dụng tái sử dụng tem”, khi người tiêu dùng kiểm tra thông tin liên quan đến sản phẩm, trong đó có cả danh sách hệ thống phân phối của DN, nếu thấy bất thường (người mua không mua đúng điểm phân phối mà vẫn có sản phẩm dán tem), người tiêu dùng có thể phản hồi ngay trên ứng dụng. Phản hồi này sẽ trực tiếp đến DN và đơn vị quản lý. “Nhận được phản hồi của người mua, chúng tôi sẽ kiểm tra ngay. Lúc đó chỉ xảy ra hai tình huống, DN đã đăng ký thêm điểm phân phối nhưng chưa kịp bổ sung với cơ quan quản lý và thứ hai đó là hàng nhái, hàn g giả”, ông Chí cho biết.
Cách sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử trên điện thoại: Truy cập Appstore đối với điện thoại chạy hệ điều hành IOS và Google play đối với điện thoại chạy hệ điều hành Android, tải về ứng dụng NGTP, cài đặt, đăng nhập và tiến hành truy xuất. Hiện, có 10 đơn vị sản xuất, chế biến và phân phối thực phẩm tham gia “truy xuất” gồm: Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại An Việt, Công ty CP Minh Dương, Công ty Việt Liên, Công ty CP Sannam, HTX Rau hữu cơ Thanh Xuân (Sóc Sơn), Công ty TNHH MTV CleverFood, Công ty TNHH Thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam, Công ty CP Nhất Nam, Công ty CP VietRap Đầu tư thương mại, Công ty TNHH Vinagap. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận