Quản lý

Truy nguyên nhân hành lý “bốc hơi” tại sân bay

28/05/2015, 06:07

Báo cáo năm 2013, 2014 chỉ có 12 vụ mấp cắp, nhưng qua phản ánh, có thể thấy vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều.

71

Cần tiếp tục rà soát chặt chẽ quy trình, tăng cường kiểm tra giám sát và có hình thức xử lý kỷ luật thích đángmới mong giảm tình trạng mất cắp hành lý, hàng hóa tại sân bay

Số vụ thất lạc, móc trộm hành lý có chiều hướng gia tăng tại các cảng hàng không, sân bay đang làm đau đầu những nhà quản lý chuyên ngành hàng không.

Nội bất xuất, ngoại bất nhập, hành lý vẫn bị móc trộm

Sự việc một số hành khách trên chuyến bay VJ902 đi từ Bangkok về Hà Nội hồi cuối tuần qua của Hãng hàng không Vietjet Air khai báo bị thất lạc hành lý và mất một số đồ dùng trong hành lý ký gửi đang làm dấy lên e ngại về sự gia tăng tình trạng mất cắp hành lý, hàng hóa tại các cảng hàng không, sân bay.

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Vietjet Air cho biết đang phối hợp cùng Công ty dịch vụ mặt đất (HGS), đơn vị cung cấp dịch vụ mặt đất tại sân bay Nội Bài xác minh với các bên liên quan để bồi thường cho hành khách theo chính sách dịch vụ của hãng; đồng thời cho biết hiện tượng thất lạc hành lý và mất đồ dùng trong hành lý của hành khách gần đây xảy ra nhiều hơn tại sân bay quốc tế Nội Bài.

Theo thống kê, bình quân mỗi năm trên thế giới có khoảng 30 triệu kiện hành lý bị thất lạc, đến muộn (trung bình sau 31 giờ) hoặc mất mát hành lý trong quá trình di chuyển bằng máy bay, do nhiều nguyên nhân khác nhau. Riêng ở Mỹ, xác suất thất lạc, đến muộn hành lý lên tới 10%. Một trong các biện pháp để giảm thiểu tình trạng này là hành khách không nên để các vật dụng, đồ dùng có giá trị cao trong hành lý ký gửi.

Cũng liên quan đến tình trạng trộm cắp tại sân bay, đại diện Vietnam Airlines cho biết, hãng này phải đối mặt với tình trạng tương tự. “Thời gian gần đây, số vụ hành lý bị mất cắp của Vietnam Airlines có giảm nhưng không phải không có”, vị này khẳng định. Đáng nói hơn, tại nhà ga T1, đã có trường hợp chính hành khách của Vietnam Airlines vô tình nhìn qua kính trong khi chờ hành lý tới và phát hiện bị móc đồ.

Tương tự, Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Bắc Trần Hoài Phương cho biết, dù chưa có số liệu thống kê cụ thể số vụ mất cắp hành lý, hàng hóa nhưng con số này chắc chắn thấp hơn thực tế rất nhiều. Ngoài nguyên nhân do hành khách bị mất đồ không khai báo, theo ông Phương, một nguyên nhân quan trọng là do các đơn vị cố tình giấu, không báo cáo sự vụ.

Tại một cuộc họp trước đó, ông Nguyễn Văn Linh, Trưởng phòng An ninh Hàng không (Cục Hàng không VN) nhấn mạnh chưa đánh giá hết được thực trạng này. “Báo cáo của Cảng vụ Hàng không năm 2013, 2014 chỉ có 12 vụ - một con số quá ít ỏi. Tuy nhiên, qua phản ánh của hành khách, có thể thấy vấn đề chắc chắn nghiêm trọng hơn nhiều”, ông Linh nói.

Còn theo ông Phạm Tuấn Anh, Phó giám đốc CHK quốc tế Nội Bài, các vụ mất cắp xảy ra trong khu vực hạn chế, không có đối tượng nào bên ngoài, mà chỉ có lực lượng trực tiếp tham gia vào các dây chuyền vận chuyển. 

Ông Phạm Quý Vũ, Phó giám đốc Trung tâm An ninh hàng không Nội Bài khẳng định, đối tượng ăn cắp là những người có điều kiện tiếp xúc với hành lý, hàng hóa.

Khắc phục cách nào?

Một điểm tương đồng trong báo cáo của các bên liên quan khi nói về những vụ mất cắp hành lý, hàng hóa là quy trình, quy định giao nhận, bốc xếp, vận chuyển, lưu giữ hành lý, hàng hóa đều đã rất chặt chẽ. Câu hỏi đặt ra là nếu quy trình tốt như thế, chặt chẽ như thế, sao hành lý vẫn mất?

“Quy trình rất chặt chẽ thì chỉ còn con người, do con người mà thôi”, Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Bắc Trần Hoài Phương nhấn mạnh. Cũng theo ông Phương, tình trạng mất cắp chỉ xảy ra trên tàu bay, trong khu vực xử lý hàng hóa, trong khu vực hạn chế của nhà ga, khu bay thì chắc chắn có sự tiếp tay trong nội bộ nhân viên.

Hạn chế tình trạng này, ông Phương cho rằng không cách nào khác là phải tập trung vào các khâu liên quan đến con người, từ tuyển dụng đến tuyên truyền nâng cao ý thức, kiểm tra giám sát chặt chẽ và có hình thức kỷ luật thích đáng, đồng thời phải áp dụng kỹ thuật, công nghệ để đảm bảo giám sát liên tục. “Camera giám sát phải được lắp đặt đầy đủ, đảm bảo không có góc khuất”, ông Phương nói.

Về vấn đề này, đại diện Vietnam Airlines cũng cho rằng quy trình, quy định có chặt chẽ đến đâu cũng không quan trọng bằng việc thực hiện như thế nào. “Nếu có thể quy trách nhiệm, “túm được người có tóc” thì tình trạng này sẽ được hạn chế”, vị này nhấn mạnh.

Được biết, đặt mục tiêu nhanh chóng giảm thiểu tình trạng mất cắp tài sản, hành lý ký gửi và hàng hóa vận chuyển đường hàng không, Cục Hàng không VN vừa yêu cầu các đơn vị rà soát đánh giá lại toàn bộ số nhân viên liên quan đến công tác phục vụ hành lý, hàng hóa, nhiên liệu tàu bay; Quy định cụ thể về trách nhiệm kiểm soát an ninh nội bộ cho từng cấp; Tăng cường kiểm tra, giám sát bằng các phương tiện kỹ thuật như hệ thống camera giám sát, thiết bị theo dõi hành trình…

Đặc biệt, Cục Hàng không VN cho biết đang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Bộ Công an mở các chuyên án về việc trộm cắp tài sản hành lý, hàng hóa, phối hợp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.