Khó hoàn thành theo tiến độ cam kết
Trưa nay (28/10), trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Hữu Bảo - Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, thời gian gần đây, đường Phạm Ngọc Thạch, Chùa Bộc liên tục ùn tắc kéo dài.
"Việc thi công chậm gây ùn tắc trách nhiệm chính thuộc về Chủ đầu tư là Ban QLDA Đầu tư các công trình hạ tầng giao thông TP Hà Nội", ông Bảo nhấn mạnh.
Tiến độ cầu vượt chữ C bị "lụt" giao thông qua đây liên tục ùn tắc - Ảnh Tạ Hải
Theo ông Bảo, Sở GTVT Hà Nội đã liên tục có văn bản yêu cầu chủ đầu tư dự án, nhà thầu thi công đảm bảo ATGT, phân công người hướng dẫn, tuy nhiên tình trạng ùn tắc vẫn không được cải thiện.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo chống ùn tắc kéo dài gây bức xúc dư luận", ông Bảo nhấn mạnh.
Theo thông tin của Báo Giao thông, tính đến thời điểm này, phía đường Phạm Ngọc Thạch cơ bản đã hoàn thành kết cấu phần dưới, đang hoàn thiện tường chắn sau mố M9, dự kiến hoàn thành vào ngày 5/11 tới. Phía đường Chùa Bộc đã khoan xong 14/14 cọc khoan nhồi, dự kiến 1/12/2022 hoàn thành thi công Mố M0, trụ T1, T2, T3.
Đối với kết cấu phần trên: Phía Phạm Ngọc Thạch dự kiến đầu tháng 11 bắt đầu thực hiện lao lắp kết cấu nhịp 9 và hoàn thành lắp dầm thép phía Phạm Ngọc Thạch trước 5/12/2022.
Phía Chùa Bộc dự kiến 25/11/2022 bắt đầu lao lắp nhịp 1 từ mố M0 và hoàn thành lao lắp toàn bộ dầm thép trước 20/12/2022.
Đáng chú ý, trong văn bản mới nhất báo cáo thành phố Hà Nội, chủ đầu tư cam kết tháng 10/2022 thi công các hạng mục phần trên: lắp đặt xà mũ, gối, lao lắp dầm thép.
Có thể thấy rõ, dù đã điều chỉnh lùi tiến độ, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội vẫn khó có thể hoàn thành như cam kết với thành phố Hà Nội rằng đến hết Quý IV/2022 sẽ hoàn thành dự án.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện chủ đầu tư dự án cho biết, trong quá trình khoan cọc khoan nhồi phía đường Chùa Bộc do vướng mắc các công trình ngầm nổi trên tuyến. Cụ thể, hệ thống dây thông tin (khoảng 30 sợi cáp quang của 11 đơn vị viễn thông trên địa bàn thành phố) cắt ngang qua tim cọc nên phải có giải pháp xử lý xây bổ sung các hố ga, đi lại hệ thống dây thông tin; Vướng hệ thống thoát nước ngang đường tại vị trí khoan cọc trụ T1 và T3 do đó phải điều chỉnh thiết kế hệ thống hiện trạng đảm bảo thoát nước trong khu vực.
Rút giấy phép thi công nếu chậm trễ kéo dài
TS Nguyễn Hữu Đức - Chuyên gia giao thông cho rằng, trừ các trường hợp dịch bệnh bất khả kháng như dịch Covid-19 vừa rồi, còn lại chủ đầu tư, nhà thầu không thể đưa ra lý do vướng cái này cái kia để làm chậm. Đường thì cứ phải rào chắn, ùn tắc kéo dài, người dân bị ảnh hưởng thế nào cũng kệ.
"Tôi thấy rất nhiều dự án thi công của Hà Nội chậm chạp gây ùn tắc, ảnh hưởng tới nhân dân nhưng chưa thấy đơn vị nào bị xử lý. Hà Nội cần làm rõ, giám sát chặt chẽ. Lãnh đạo là do dân, vì dân phục vụ, vì sự thuận lợi của nhân dân mà làm. Thi công dự án ì ạch "lụt" tiến độ như này không chấp nhận được", TS. Đức bức xúc nói.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Thuỷ nói: "Công trình thi công được quây tôn bao quanh dự án rộng, để lại một làn đường hẹp cho nhiều loại phương tiện di chuyển. Ở các khu vực rào chắn như vậy, chủ đầu tư càng phải giám sát chặt chẽ, yêu cầu nhà thầu huy động công nhân về thi công, đẩy nhanh tiến độ. Một công trình trọng điểm, có lác đác vài công nhân thi công, khi nào mới xong?. Hà Nội cần quản lý chặt chẽ hơn, "không để cho nhà thầu, chủ đầu tư cứ chậm tiến độ rồi lại chẳng ai bị sao, chỉ dân là khổ".
Dự án cầu vượt nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch có kết cấu thép lắp ghép, cầu vượt trực thông dạng chữ C với tổng mức đầu tư khoảng 147 tỷ đồng.Tổng chiều dài cầu hơn 320 m. Dự án do liên danh nhà thầu Thành Long - Cienco1 - Việt Hưng triển khai thi công.
Cầu vượt nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch được động thổ xây dựng vào ngày 11/11/2021, theo tiến độ dự án sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác trong tháng 6/2022. Song với tiến độ như hiện nay, chưa biết khi nào công trình sẽ thông xe, đưa vào khai thác, phục vụ nhân dân đi lại.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận