Các bị cáo tại phiên xét xử ngày 12/5
Các bị cáo khai đã đưa hối lộ cho 90 người thuộc các lực lượng CSGT, TTGT, Cảnh sát 113 thuộc nhiều đơn vị, địa phương ở Hà Nội. Dù cả 90 người này đều không thừa nhận, song theo luật sư, đây là tình tiết đáng chú ý, cần điều tra thêm. Thực tế, chẳng ai có thể “một tay che cả bầu trời” bảo kê được cả dàn “xe vua” như vậy.
Phát hiện qua đơn tố giác
Năm 2018, dư luận xôn xao về vụ việc Công an TP Hà Nội phát hiện đường dây bảo kê “xe vua”, tiến hành bắt giam nhiều cán bộ TTGT liên quan đến đường dây này để điều tra.
Trước đó, trong tháng 8/2018, cảnh sát nhận được tin tố giác của công dân Đào Văn Việt và Lê Thị Lâm về việc Công ty Tuấn Vinh (trụ sở tại Hoàng Mai và Thường Tín, Hà Nội) bảo kê xe tải, thu lợi bất chính hàng chục tỷ đồng mỗi tháng.
Công ty này ép các doanh nghiệp khác phải nộp tiền “luật tháng” với số tiền từ 2,5 - 4 triệu đồng/tháng. Đổi lại, xe của các doanh nghiệp sẽ được dán lên kính chắn gió logo “AN TOÀN LÀ BẠN TAI NẠN LÀ THÙ”.
Trong đơn tố giác, công dân thẳng thắn chỉ rõ hoạt động bảo kê này có sự tiếp tay của lực lượng TTGT và CSGT thuộc nhiều đơn vị, địa bàn trên địa bàn TP Hà Nội và thực tế theo dõi, người này thấy các xe có logo “xe vua” rất ít khi bị kiểm tra.
Vào cuộc điều tra, công an đã làm rõ đường dây “logo xe vua” do Nguyễn Ánh Hào (trú tại Hà Nội), Lê Văn Cường (cựu cán bộ Chi cục QLĐB I.6) và Phạm Văn Vinh (Tổng giám đốc Công ty Vận tải Tuấn Vinh) đứng ra tổ chức, được sự tiếp tay của hàng loạt cán bộ TTGT.
Khai trước tòa tại phiên xét xử ngày 11/5 vừa qua, bị cáo Hào thừa nhận mình và Cường là hai người khởi xướng việc thiết kế logo “xe vua” và việc đưa tiền cho người của cơ quan chức năng để không bị xử lý xe vi phạm.
Cường thừa nhận được Hào bàn bạc về việc thu tiền của các chủ xe để đưa cho cơ quan chức năng. Cường không trực tiếp làm việc này nhưng được chia tiền hàng tháng, có tháng nhận cũng có tháng không. Tổng số tiền Cường đã nhận là khoảng 180 triệu đồng.
Bị cáo Phạm Văn Vinh cũng thừa nhận đã trực tiếp thu tiền của chủ xe khác (khoảng 40-50 đầu xe), với số tiền từ 2,5 - 4,5 triệu/tháng/xe. Trước khi thu tiền, Vinh đều hỏi Hào và Cường.
Nhận cả trăm triệu đồng nhưng là “tiền nước”?
Theo lời khai của Hào và Vinh, sau khi thu tiền của các chủ xe, 2 bị cáo đã chia nhau ra đi “quan hệ” với các lực lượng chức năng địa bàn TP Hà Nội. Những lần đưa tiền, Hào đều ghi rõ người nhận, số tiền, số lần… với số lượng nhiều người và rất nhiều tiền, nhưng khi giao tiền không có giấy tờ biên nhận.
Liên quan đến việc các bị cáo khai đưa hối lộ hàng tháng cho khoảng 90 cán bộ TTGT, CSGT, cảnh sát 113 với số tiền khoảng 1,6-60 triệu đồng/người/tháng, nhưng cả 90 người đều không thừa nhận và hiện không có đủ căn cứ xử lý, Viện KSND TP Hà Nội đã ban hành văn bản kiến nghị Giám đốc Công an TP Hà Nội và Giám đốc Sở GTVT Hà Nội kiểm tra, xem xét theo quy định.
Trao đổi với Báo Giao thông, một lãnh đạo Công an TP Hà Nội cho biết, cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đang tiến hành điều tra bổ sung theo yêu cầu của TAND Hà Nội. Còn lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho hay, sẵn sàng tiếp tục phối hợp với cơ quan CSĐT để làm rõ những thông tin liên quan.V. Huế
Qua điều tra, đối chất 90 người được cho là nhận tiền nhưng họ đều không thừa nhận. Cơ quan điều tra chỉ kết luận được 4 người nhận hối lộ là: Lê Bá Dũng (cựu cán bộ Đội Thanh tra GTVT quận Hoàng Mai), Trần Sỹ Cương (cựu cán bộ Đội Thanh tra cơ động, Thanh tra Sở GTVT TP Hà Nội), Nguyễn Quốc Cương (cựu cán bộ Đội Thanh tra GTVT quận Hai Bà Trưng) và Hoàng Văn Lân (cựu cán bộ Đội Thanh tra GTVT huyện Phú Xuyên).
Tại phần xét hỏi, đại diện Viện Kiểm sát yêu cầu các bị cáo làm rõ đã thu tiền “bảo kê” như thế nào, chi cho những ai. Hào khai không nhớ hết nhưng chắc chắn có đưa tiền cho Lân, Quốc, Cương và ít nhất hơn 10 người khác.
Trong phiên tòa, 4 bị cáo nêu trên đều đã thừa nhận được Hào hoặc Vinh đưa tiền để nhờ giúp đỡ cho các xe tải lưu thông thuận lợi.Trong đó, Lê Bá Dũng khai có nhận của Vinh 96 triệu đồng, “đây chỉ là tiền trà nước, không liên quan gì”. Dũng khai đã nhận tiền khoảng 11-12 lần và không chia cho ai trong đội xử lý.
Tương tự, Hoàng Văn Lân nhận của Hào 11 triệu đồng và một chai rượu, “Bị cáo nghĩ đơn giản ngày lễ Hào biếu cây đào, cây quất nên mới nhận để mua giúp.
Thực tế, số tiền bị cáo nhận chỉ có 11 triệu đồng, bị cáo đều mua cho Đội xử lý, không sử dụng riêng đồng nào”, Lân khai.
Trong khi đó, Trần Sỹ Cương bị cáo buộc nhận nhiều tiền nhất, với 136 triệu đồng. Cương khai sẽ giúp bằng cách gọi điện cho tổ công tác để tác động khi “xe vua” bị kiểm tra.Tổng số tiền 136 triệu đồng nhận được Cương không chia cho ai.
Mảng tối trong hoạt động vận tải
Ngày 12/5, sau quá trình thẩm vấn, xét hỏi, HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa để điều tra bổ sung.
Dư luận chú ý tới chi tiết trong cáo trạng nêu: Từ tháng 6 - 8/2018, các bị cáo đã thu 6,2 tỷ đồng từ các doanh nghiệp vận tải, để đi đưa hối lộ, hưởng lợi bất chính.
Các bị cáo khai đã đưa tiền cho 90 người thuộc các lực lượng CSGT, TTGT, CS 113... Số tiền hối lộ từ 1 - 60 triệu đồng/người, từ tháng 6/2016 - 10/2018 và bị cáo Hào có lập danh sách, ghi rõ số tiền chi cho từng người, từng đội với số lượng người và lượng tiền rất lớn nhưng không có biên nhận.
Tuy nhiên, quá trình đấu tranh, đối chất những người này không thừa nhận, không có đủ chứng cứ kết tội họ.
Trước tình tiết này, một chủ doanh nghiệp vận tải (đề nghị giấu tên) cho biết: “Việc “cò vận tải” bảo kê xe tải, ai làm vận tải chả biết. Trong vụ án này, các bị cáo khai có 90 người nhận tiền của họ, song cơ quan điều tra rất khó chứng minh bởi chẳng “cò” nào đi đưa tiền cho đút lót lại nói “anh cho em xin cái giấy biên nhận, anh ký cho em một chữ”.
Ông Lê Văn Tiến, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam chia sẻ, thời gian qua, công tác tuần tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng như CSGT, TTGT được thực hiện công khai, minh bạch góp phần giảm thiểu những tiêu cực.
Tuy vậy, vẫn còn những “mảng tối” trong hoạt động vận tải như bảo kê “xe vua” mà vụ án các cựu TTGT vừa bị đưa ra xét xử là một ví dụ điển hình. Hoạt động bảo kê được thực hiện bởi các “cò”, với sự tiếp tay của một số thành phần thoái hóa biến chất trong lực lượng chức năng khiến hoạt động vận tải bị méo mó, tạo nên sự bất bình đẳng trong hoạt động vận tải.
Trước tình huống HĐXX tuyên bố tạm hoãn phiên tòa để điều tra, bổ sung, luật sư Nguyễn Thanh Điệp, Đoàn Luật sư Hải Phòng cho rằng, các bị cáo khai đã đưa hối lộ cho 90 người thuộc các lực lượng CSGT, TTGT, Cảnh sát 113 thuộc nhiều đơn vị. Dù cả 90 người này đều không thừa nhận, chưa đủ tài liệu chứng minh nhưng đây là tình tiết đáng chú ý, cần điều tra thêm.
Cùng với đó, tình tiết các bị cáo khai dùng số tiền nhận được để chi tiêu cá nhân, không chia cho ai là điều vô lý, cũng cần điều tra thêm. Thực tế, chẳng ai có thể “một tay che cả bầu trời” bảo kê được cả dàn “xe vua” lớn như vậy’, luật sư nhận định.
Con voi không thể “chui lọt lỗ kim”
Theo Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, nguyên cán bộ Đội CSGT số 1, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, việc chứng minh có bảo kê rất khó khăn, tuy nhiên để chứng minh người thực thi công vụ như TTGT, CSGT có bỏ qua vi phạm hay không lại rất dễ.
“Trên nhiều tuyến đường hiện nay đã có camera giám sát. Ngoài ra, cần khuyến khích người dân chụp ảnh, quay video đối với những cán bộ TTGT, CSGT làm nhiệm vụ trên đường làm ngơ cho vi phạm. Sau đó, tuỳ theo mức độ vi phạm để có biện pháp xử lý”, Thượng tá Quỹ nói và cho rằng, trên thực tế nếu không có việc bảo kê thì các xe vi phạm dán logo rất khó hoạt động, cũng giống như con voi không thể “chui lọt qua lỗ kim”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận