Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga lo ngại trước việc quá nhiều tài liệu đóng dấu mật |
Sáng nay (21/9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2016 của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng.
Trước khi trình bày báo cáo thẩm tra về các báo cáo này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga bày tỏ băn khoăn trước thực trạng tài liệu đóng dấu mật quá nhiều, làm hạn chế quyền tiếp cận thông tin của người dân.
“Rất nhiều ý kiến đã phản ánh, tại sao việc truy tố, hoặc tại các phiên xét xử thì công khai, nhưng khi đánh giá tổng quát trong báo cáo thì lại đóng dấu mật?” – bà Nga đặt câu hỏi và nói thêm rằng, chính vì báo cáo đóng dấu mật mà báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tư pháp cũng phải đóng dấu mật, và chính điều này làm hạn chế quyền tiếp cận của người dân, quyền con người…
Trước thực trạng này, Chủ nhiệm ủy ban Tư pháp đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng VKSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao bóc tách ra, xem số liệu nào mật, số liệu nào không cần thiết phải mật, để giúp cử tri, đại biểu tiếp cận tương đối dễ dàng, mặt khác để sau này đại biểu còn trả lời phỏng vấn, phát biểu công khai về kinh tế xã hội.
Đáng lưu ý trong các báo cáo đã trình bày, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Thành trình bày báo cáo tóm tắt về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2016, qua đó nhấn mạnh, năm 2016 là năm diễn ra nhiều sự kiện đặc biệt quan trọng, tình hình thế giới có nhiều bối cảnh phức tạp. Một số vấn đề tồn tại gây bức xúc xã hội cùng sự chống phá của các thế lực thù địch đã tác động trực tiếp đến công tác phòng chống tội phạm.
Thứ trưởng Bộ Công an cũng cho biết, năm 2016, diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm được kiềm chế, số vụ phạm tội giảm đáng kể vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra.
Theo thống kê, số vụ án khởi tố là 58.911 vụ, với 87.333 bị can, giảm 3,05% số vụ án khởi tố và 4,89% số bị can so với cùng kỳ năm 2015.
Tuy nhiên, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật ở một số địa bàn trọng điểm còn diễn biến phức tạp, số đối tượng phản động lưu vong, chống đối trong nước tiếp tục liên kết với nước ngoài, tăng cường hoạt động chống phá, tìm cách công khai hoá các tổ chức chính trị đối lập nội địa, kích động biểu tình, gây rối an ninh trật tự… Tình trạng làm lộ bí mật trên internet xảy ra nghiêm trọng, an ninh, an toàn mạng tiếp tục bị đe doạ.
Về tội phạm xâm phạm trật tự xã hội đã phát hiện, khởi tố 35.592 vụ với 54.477 bị can, giảm 3,35% số vụ và 1,94% số bị can. Số buộc tội giết người, hiếp dâm, cướp tài sản, lừa đảo, chống người thi hành công vụ, mua bán người đều giảm, đạt mục tiêu QH đề ra.
Tuy nhiên, tội phạm có tổ chức, nhất là những băng nhóm đâm thuê chém mướn, truy sát nhau, bảo kê, siết nợ, tổ chức đánh bạc, cá độ bóng đá có dấu hiệu diễn biến phức tạp. Giết người do thù tức bột phát cá nhân xảy ra nhiều, giết người thân tăng cao. Nhiều thanh thiếu niên giết người do ảnh hưởng của các trò chơi điện tử, mâu thuẫn trên mạng xã hội. Hành vi chống người thi hành công vụ ngày một manh động, liều lĩnh…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận