Chính trị

Truy trách nhiệm việc bổ nhiệm ồ ạt cuối nhiệm kỳ

17/11/2016, 06:09

Ngày 16/11, phiên chất vấn tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIV tiếp tục phần trả lời của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT...

5

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn của ĐBQH chiều ngày 16/11

Ngày 16/11, phiên chất vấn tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIV tiếp tục với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Dù mới là lần đầu trả lời chất vấn nhưng phần giải trình của hai bộ trưởng vẫn khiến nhiều ĐB ấn tượng, hài lòng.

Có hiện tượng bổ nhiệm ồ ạt cuối nhiệm kỳ

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân chiều ngày 16/11, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, việc bổ nhiệm cán bộ “đúng quy trình” đang là “bà đỡ”, là rèm che cho việc chọn người nhà chứ không chọn người tài và đặt câu hỏi về giải pháp để xử lý dứt điểm.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, Thủ tướng đã giao cho Bộ Nội vụ rà soát thông tin báo chí nêu, hiện nay Bộ đã báo cáo Thủ tướng việc bổ nhiệm người nhà tại 9 địa phương. Bộ cũng đề nghị Thủ tướng có chỉ đạo UBND các tỉnh trong việc bổ nhiệm cán bộ phải đúng tiêu chuẩn, điều kiện và quy trình bổ nhiệm cán bộ theo quy định. Đồng thời, cần xem xét xử lý đối với những trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn, hoặc tham mưu không đúng tiêu chuẩn, điều kiện, rút lại những quyết định bổ nhiệm không đúng quy định.

Trả lời câu hỏi của ĐB Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội) về trách nhiệm của Bộ trưởng trước tình trạng quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ ồ ạt, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân thừa nhận, đây là nhược điểm về công tác cán bộ, về quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm. “Bộ cũng thấy cần có sửa đổi bổ sung cho phù hợp và đang phối hợp với Ban Tổ chức T.Ư sửa hai Nghị định 67 và 68. Cùng với đó là phối hợp để làm lại quy trình từ quy hoạch, luân chuyển đến bổ nhiệm cán bộ”, Bộ trưởng cho hay.

Về câu hỏi “Có hay không bổ nhiệm cán bộ ồ ạt cuối nhiệm kỳ? Vì sao sau 4 tháng Bộ vẫn chưa có kết quả thanh, kiểm tra theo yêu cầu của Thủ tướng và ĐBQH?” của ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên), Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, Bộ đã có hai báo cáo vào ngày 15/9 và 31/10 về tình hình bổ nhiệm cuối nhiệm kỳ, thời gian tổng hợp báo cáo là 1,5 năm tính từ năm 2015. Bộ cũng có văn bản yêu cầu địa phương báo cáo nên đến giờ này Bộ đang tổng hợp ý kiến bộ ngành, địa phương và sẽ báo cáo Quốc hội.

Theo báo cáo sơ bộ, Bộ trưởng thừa nhận, hiện tượng bổ nhiệm ồ ạt ở cuối nhiệm kỳ là có, nhưng cần phân tích rõ việc bổ nhiệm lại và bổ nhiệm mới, bổ nhiệm đúng tiêu chuẩn, đủ điều kiện và có quy hoạch... Bộ trưởng khẳng định, trong ngày 17/11 sẽ có văn bản trả lời gửi tới ĐB Lê Thị Nga.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhận trách nhiệm nhiều vấn đề nóng

Sáng cùng ngày, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã nhận được tổng cộng 67 lượt chất vấn, thể hiện sự quan tâm của các ĐB đối với lĩnh vực này. Tuy nhiên, Bộ trưởng chỉ trả lời được 49 lượt chất vấn, tranh luận, còn lại 19 câu hỏi không còn đủ thời gian. Trả lời các câu hỏi, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, rất trăn trở về con số 191.000 sinh viên ra trường không có việc làm. Ông cũng nhận trách nhiệm về việc vấn đề hạn chế học thêm, dạy thêm tràn lan chưa hiệu quả; trách nhiệm trước thực trạng bạo lực học đường ngày càng có xu hướng gia tăng,

Cũng tại phiên chất vấn, một số ĐB như Nguyễn Chiến (Hà Nội), Phạm Thị Minh Hiền đã đề nghị Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thể hiện quan điểm về việc hàng chục giáo viên bị huy động đi tiếp khách ở một trường học tại Hà Tĩnh vừa qua và làm sao để chấm dứt tình trạng này? Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận thực tế có nhiều trường hợp tương tự. Với vụ việc cụ thể ở Hà Tĩnh, Bộ đã có công văn trao đổi với địa phương đề nghị làm rõ và rút kinh nghiệm. Theo ông, cán bộ địa phương cũng là… vì vui vẻ thôi, nhưng đôi khi làm ảnh hưởng đến uy tín của nhà giáo. Cho nên cần rút kinh nghiệm, không để vụ việc nóng lên.

Tranh luận lại, ĐB Phạm Thị Minh Hiền nói: “Bộ trưởng nhận trách nhiệm trong việc này, nhưng Bộ trưởng lại nói rằng chỉ vui vẻ thôi. Về góc độ giới, tôi cảm thấy rất đau lòng. Đề nghị Bộ trưởng phải có giải pháp để bảo vệ sự tôn nghiêm, danh dự, uy tín của đội ngũ giáo viên, chứ không thể nói là vui vẻ được”.

Có căn cứ kỷ luật người về hưu

Đề cập đến việc xử lý kỷ luật nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng mà một số ĐB chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, việc xử lý này là vấn đề khó, chưa có trong tiền lệ, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn tham mưu cho Ban Cán sự Đảng Chính phủ và Văn phòng Quốc hội có biện pháp xử lý về mặt hành chính. Theo Bộ trưởng Tân, điều này cho thấy quyết tâm chính trị trong việc xử lý cán bộ công chức có sai phạm, kể cả người đang công tác hoặc đã về hưu chứ không có chuyện nghỉ hưu là hạ cánh an toàn, nghỉ hưu là hết trách nhiệm.

Trong khi đó, trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng, nên vận dụng quy định thời hiệu, thời hạn trong Luật Công chức năm 2008 để tiến hành kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng. Theo đó, Điều 80 của Luật Công chức quy định, thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng, kể từ thời điểm có hành vi vi phạm. Áp dụng điều khoản này có thể kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng theo Khoản 1, Điều 78 với các hình thức: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức và bãi nhiệm. “Thời hiệu 2 năm nhưng không phân biệt khi còn đương chức hay đã rời bộ máy. Hình thức kỷ luật thì phải lựa chọn. Có nên cách chức, bãi nhiệm hay không cũng phải tính vì người ta đã nghỉ hưu rồi.Theo tôi có thể xử lý kỷ luật cảnh cáo trước Quốc hội là phù hợp nhất”, ông Quyền nêu quan điểm.

Anh Thư

Các đại biểu nói gì?

6

 

ĐB Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng):
Các Bộ trưởng trả lời thuyết phục

Phần trả lời chất vấn của các Bộ trưởng đã đi đúng trọng tâm và thuyết phục, thể hiện trách nhiệm của tư lệnh ngành, mặc dù các Bộ trưởng mới nhậm chức được 7 tháng. Theo dõi từ hôm khai mạc đến nay, phần tranh luận của Quốc hội khóa XIV ngày càng đi vào thực chất. Đây là việc rất tốt, để làm sáng tỏ vấn đề, thay vì chỉ một chiều như cách thức chất vấn cũ.

7

 

ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM):
Muốn các Bộ trưởng tranh luận cùng đại biểu

Tôi rất muốn các Bộ trưởng tranh luận với ĐBQH làm rõ vấn đề. Tôi rất ấn tượng và hài lòng khi được chất vấn trách nhiệm về việc 191.000 sinh viên ra trường đang thất nghiệp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã không chỉ nhận trách nhiệm mà còn đưa ra các giải pháp trong thời gian tới.

8

 

ĐB Đinh Công Sỹ (Sơn La):
Quốc hội ngày càng đổi mới tích cực

Càng ngày phương thức hoạt động của QH, đặc biệt là chất vấn càng có nhiều đổi mới theo hướng rất tích cực, trong đó có việc ĐB được giơ biển xin tranh luận. Việc này thể hiện thái độ đồng tình hay không đồng tình của đại biểu với phần trả lời của thành viên Chính phủ, từ đó làm sâu sát, rõ hơn các vấn đề mà đại biểu quan tâm.

9

 

ĐB Dương Minh Tuấn (Vũng Tàu):
Ấn tượng với điều hành của Chủ tịch Quốc hội

Tôi ấn tượng với phần điều hành của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân. Điều hành của chủ tọa rất hay, khoa học, được cử tri đồng tình và hoan nghênh. Trong phần chất vấn, có một số nội dung giải trình khá dài, chủ tọa đề nghị điều chỉnh, tôi cho là hết sức hợp lý và cần thiết.

Hoài Vũ (Ghi)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.