Bệnh nhân ngộ độc rượu thoát chết nhờ "truyền" bia giải độc |
Trước thông tin "truyền" bia để giải độc rượu cứu sống bệnh nhân ở BV ĐK Quảng Trị đang được nhiều người quan tâm, BS. Lương Quốc Chính, khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai chia sẻ: "Trong trường hợp ngộ độc rượu mà các bác sĩ vừa cứu sống, người bệnh bị ngộ độc methanol (một loại rượu công nghiệp cực độc) chứ không phải ethanol (một loại rượu được sử dụng làm thực phẩm). Hai loại rượu này có tác dụng hóa giải lẫn nhau nên khi cho người bệnh uống ethanol (truyền bia vào dạ dày) thì sẽ làm mất tác dụng của methanol có trong cơ thể (máu).
Ngoài ra, để điều trị ngộ độc methanol, các bác sĩ có thể áp dụng các biện pháp điều trị khác như bồi phụ kiềm đường tĩnh mạch và lọc máu cấp cứu. Nếu ngộ độc ethanol (rượu thực phẩm) mà vẫn tiếp tục uống ethanol (như bia) thì người bệnh càng trầm trọng, nhưng nếu ngộ độc methanol (rượu công nghiệp, cực độc) mà cho người bệnh uống ethanol (rượu, bia thực phẩm) thì sẽ có tác dụng giải độc".
Trước đó, theo chia sẻ của BS. Lê Văn Lâm, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, bệnh nhân Nguyễn Văn Nhật (48 tuổi, trú Triệu Độ, Triệu Phong) ngộ độc rượu đã bình phục và xuất viện. Ông Nhật nhập viện sáng 25/12 trong tình trạng hôn mê, nguy kịch và được xác định ngộ độc Methanol có trong rượu.
Để cứu sống bệnh nhân, bác sĩ truyền ba lon bia tức gần một lít, vào đường tiêu hóa của bệnh nhân. Mỗi giờ tiếp theo, bệnh nhân được truyền thêm một lon bia. Sau khi truyền tổng cộng 15 lon bia, tức gần 5 lít, bệnh nhân Nhật dần bình phục, tỉnh táo.
Theo lý giải của BS. Lâm, rượu gồm hai loại là Etylic và Metylic. Khi vào cơ thể, gan ưu tiên chuyển hóa Etylic và tạo ra sản phẩm không gây độc. Trong khi Metylic được chuyển hóa sau nhưng tạo thành Andehit Formic, ở hàm lượng cao sẽ gây ngộ độc, nguy cơ tử vong rất cao.
Chất Andehit Formic trong máu chính là nguyên nhân khiến ông Nhật hôn mê. Lúc này, cơ thể bệnh nhân hết Etylic. Vì vậy, nhằm hạn chế chuyển hóa Metylic, các bác sĩ truyền bia cho bệnh nhân. Lúc này, cơ thể được bổ sung Etylic khiến gan ưu tiên chuyển hóa Etylic, ngưng chuyển hóa Metylic. Nhờ đó, các bác sĩ có thêm thời gian để lọc máu, giải độc cho bệnh nhân.
Methylic ở lâu trong cơ thể không được chuyển hóa sẽ bị đào thải dần qua đường nước tiểu, làm giảm độc tố trong cơ thể. Đây là cơ sở để cứu sống bệnh nhân.
Theo BS. Lâm đây là lần đầu khoa tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc rượu nặng và sử dụng phương pháp này để cứu sống. Phương pháp này được đề cập đến trong y khoa...
Chia sẻ về phương pháp này, GS.TS. Nguyễn Gia Bình, Trưởng Khoa hồi sức tích cực, BV Bạch Mai cũng cho hay, về nguyên lý là như giải thích của BS Lâm. Trong cấp cứu ngộ độc methanol, phương pháp được sử dụng chính đó là lọc máu thải methanol. Ngoài ra, có truyền rượu ethanol để thải trừ methanol. Tuy nhiên, phương pháp này ít sử dụng.
GS Bình cho rằng về nguyên lý dùng cái nọ tranh chấp cái kia và được phép sử dụng rượu “xịn” cho bệnh nhân uống nhưng không khuyến khích. Nếu bệnh nhân ngộ độc hôn mê thì dễ gây sặc phổi gây viêm phổi nguy hiểm hơn.
Ông Bình cho biết cách tốt nhất đó là sau khi uống quá nhiều rượu nếu thấy dấu hiệu buồn ngủ, lú lẫn, mất điều hòa vận động, nhức đầu, buồn nôn, nôn mửa, đau bụng kèm với các biểu hiện rối loạn thị giác từ nhìn mờ đến không nhìn thấy hoàn toàn cần tới viện sớm nhất để lọc máu thải độc mới có cơ hội được cứu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận