Nhiều bài hát không phù hợp lứa tuổi được thể hiện trong sân chơi Giọng hát Việt nhí |
Nở rộ gameshow cho trẻ
Sự thành công và đạt rating (lượng người theo dõi) cao từ The Voice nhí và Đồ rê mí đôi năm ngoái nên xem ra đối tượng trẻ em đang là mảnh đất màu mỡ để nhà sản xuất truyền hình thực tế khai thác.
Mùa hè 2014, bên cạnh những chương trình đã quá quen như: Con đã lớn khôn, Ước mơ của em, Trẻ em luôn đúng, Vũ điệu đam mê, Chung sức nhí đến Đồ rê mí đôi, Giọng hát Việt nhí và Vietnam’s got talent, còn có nhiều chương trình mới để cho các em nhỏ thi thố. Công ty Cát Tiên Sa tiếp tục tung ra Bước nhảy hoàn vũ phiên bản nhí chuẩn bị lên sóng vào đầu tháng 6 tới. Ngoài ra, còn có thể kể đến Thử thách cùng bước nhảy; Baby ballroom nhí, Vua đầu bếp - Master Chef cũng đang rục rịch ra phiên bản dành cho trẻ em.
Cỗ máy kiếm tiền của nhà sản xuất
Tuy nhiên, việc phát triển ồ ạt các gameshow dành cho trẻ em đang làm dấy lên những lo lắng. Vì khi tiến hành xây dựng các khung chương trình dành cho thiếu nhi, nhà sản xuất nào cũng cam kết đảm bảo hạn chế một cách tối đa để không làm ảnh hưởng đến quá trình học tập của trẻ. Tuy nhiên, trường hợp của Quang Anh và Phương Mỹ Chi trong Giọng hát Việt nhí là một ví dụ điển hình cho việc tài năng chỉ là công cụ, là cỗ máy kiếm tiền của các nhà đầu tư, nhà sản xuất mà thôi. Mặc dù chương trình đã đưa Quang Anh và Phương Mỹ Chi nổi tiếng nhưng từ khi tham gia cuộc thi Giọng hát Việt nhí, các em đã phải chịu áp lực khá lớn từ dư luận và tổn thương khá nhiều. Các em đã bị biến thành những phiên bản “nhái” của người lớn, từ cách ăn mặc đến cách trình diễn những ca khúc quá sức so với lứa tuổi của mình.
Cả Quang Anh và Phương Mỹ Chi đều ngụp lặn trong những lời phán xét, những đánh giá có phần thiên kiến, thậm chí quá sức với lứa tuổi của các em. Vây quanh các em là những tin đồn, những thị phi: Hét giá, hôn đồng giới, giả tạo, những chuyện gia đình các em cũng bị phơi bày trên mặt báo… Kèm theo đó là những gián đoạn trong học tập vì những chuyến bay show đầy mệt mỏi; Là tuổi thơ bị đánh cắp bởi cứ phải chạy theo thị hiếu khán giả; Là những lo toan sẽ hết được khán giả thương yêu...
Tránh đặt nặng thắng thua
Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất (GĐ Cty Tư vấn tâm lý An Việt Sơn) cho biết, tạo sân chơi cho trẻ mùa hè là một việc quan trọng và hết sức cần thiết để trẻ phát huy tài năng và trí lực của mình. Tuy nhiên, đó phải là những sân chơi để các cháu chơi có sáng tạo và đam mê, bồi bổ kiến thức, thể hiện sự tự tin và bản lĩnh của mình. Còn nếu sân chơi chỉ để thỏa thích tò mò tiêu cực của các cháu, sự nổi tiếng của các cháu, nhà sản xuất đặt mục đích thương mại thì rất nguy hiểm.
“Việc nổi tiếng và kiếm tiền quá sớm sẽ khiến các cháu quên đi nhiệm vụ chính của mình là học tập, nghiên cứu khoa học kỹ thuật và thiên nhiên. Ngoài ra, các cháu cũng dễ thâm nhập vào các thói hư tật xấu, dần dần mất phương hướng và không có lòng tin với người xung quanh. Sau này có thất bại các cháu sẽ mất tự tin vào chính mình”, ông Chất phân tích.
Vì thế, theo nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất, người xây dựng và xét duyệt chương trình cho thiếu nhi phải hiểu được tâm lý trẻ em, phải hiểu rằng cái gì giáo dục, cái gì gây phản cảm cho các cháu. Không tạo ra sự ganh đua, ghen tỵ, cạnh tranh không lành mạnh và tránh làm tổn thương các cháu.
Bên cạnh đó, cha mẹ cần chuẩn bị tâm lý cho con cái nếu các cháu muốn tham gia cuộc thi. Hướng dẫn sát sao các cháu đi thi và có những động viên khéo léo, tránh đặt nặng việc thắng thua để không gây sức ép với trẻ.
Bắc Lưu
TS Nguyễn Thị Kim Quý - Văn phòng Tham vấn gia đình và trẻ em (Hội Tâm lý Giáo dục học VN): Việc học bao giờ cũng là số 1
Phạm Lý |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận