Xem - ăn - chơi

Truyện ngắn: Hội làng

25/02/2018, 15:12

Thằng nhỏ bỗng nhiên trở về vào đúng ngày mọi người tập trung ở cổng làng chờ xem người ta dựng bạt hội chợ.

42

Ảnh minh họa

Xóm nhỏ bờ sông qua những ngày ủ ê mưa thối đất đã được đánh thức bởi không khí mùa xuân và sự xuất hiện của thằng nhỏ sau 20 năm trời lưu lạc. Người già trong làng vắt tay sau lưng ngó nghiêng thảng thốt. Lũ trẻ chẳng hiểu chuyện gì cũng náo loạn góp vui.

Ngồi vắt vẻo trên tường thành quay lưng với hồ sen, thằng nhỏ ngó đăm đăm về phía cổng làng dõi tìm ký ức. Người ta xuýt xoa bảo trông nó chẳng thay đổi tẹo nào, vẫn cái áo kẻ màu mận chín, mũ lưỡi chai đội lệch và khuôn mặt như thể vừa mới được phóng to. Tài thật, không mất đi đâu một nét nào. Giống y chang thằng nhỏ đi lạc mẹ trong đám hội đình đông nghịt năm ấy.

Bà già Túc không biết đã xuất hiện ở đám đông bằng cách nào. Đi hay chạy, hoặc là ai đó đã bứng bà khỏi chiếc giường toàn mầm bệnh đến đặt trước mặt thằng nhỏ con bà. Cuộc hội ngộ ấy không vui như người ta trông đợi. Lủi thủi, xa xót và ngấm ngầm oan ức chi đó trong đôi mắt bà già khi thấy thằng nhỏ chuyển ánh mắt đăm đăm từ phía cổng làng về búi tóc cao trên đầu người mẹ. Cái búi tóc mà nhiều năm về trước cứ nhấp nhô giữa đám đông rồi mất hút, bỏ mặc nó kêu gào khản giọng trong tiếng trống tuồng.

Từ hôm trở về người ta thấy thằng nhỏ thoắt vui, thoắt buồn rất khó đoán định. Đi ra ngoài nó tán gái khơi khơi vậy mà về nhà nín lặng ăn, lầm lũi sửa rặng rào, xây thành giếng. Đến cái dáng ngủ cũng đơn độc lạ, mặt quay vào tường, co mình ủ tay giữa hai đùi rồi nằm bất động như thế cho đến sáng. Bà già len lén nằm kế bên, cả đêm dán mắt vào cái bớt đỏ nổi như một hòn đảo giữa lưng thằng nhỏ. Nó lớn lên cái bớt cũng lớn theo, những hôm nó say cái bớt ngả màu xanh tái thỉnh thoảng lại giật giật ri rỉ mồ hôi như biết khóc. Khi nó ốm cái bớt đen tím, bà già lấy áo đắp lên người nhưng thằng nhỏ lại hất ra. Nó lúc nào cũng thích cởi trần phanh cái ngực có một vết sẹo dài phía trước và cái bớt phía sau. Ai có hỏi thì nó khơi khơi kể cái bớt sinh ra đã có, chắc tại trời đánh dấu để có bị quẳng đi cũng không dễ gì chối bỏ được gốc gác của mình. Còn vết sẹo là do lưu lạc mưu sinh, ăn cắp, ăn trộm đủ cả, người ta bắt được dí cả thanh sắt nung cháy xèo xèo da thịt. Người dưng như ngửi thấy cả mùi thịt cháy ấy vậy mà mặt nó hơn hớn như chưa từng biết đau đớn là gì. Thấy thiên hạ chép miệng xót thương thằng nhỏ tỉnh bơ bảo có gì đâu, số thằng này không chết bờ chết bụi còn là may chán. Bà già đang ngồi khâu lại cái áo cho nó luống cuống thế nào để kim đâm vào tay bật cả máu.

Sáng nào thằng nhỏ cũng thức dậy đúng lúc bà già đang ngồi búi tóc. Bà ngồi trên bậc hè, lưng thẳng, dướn cao cổ và hai tay cẩn thận vén gọn tóc quận thành búi nhỏ giữa đỉnh đầu. Thằng nhỏ thấy hai hốc mắt nhức nhối như bị con gì đục khoét. Nó bo chặt mắt chạy nhanh đi chỗ khác, lúc xòe hai bàn tay ra thấy ướt nhòe. Nó từng bỏ tình nhân chỉ vì nàng có ý định nuôi tóc dài để búi cao như gái Hàn Quốc. Hồi đi học bổ túc dưới thành phố, nó từng ghét cay, ghét đắng con bé ngồi bàn trên cứ ngọ nguậy búi tóc ngay trước mặt. Ghét đến mức một hôm đã cầm kéo cắt phựt ngay búi tóc vứt lăn lóc dưới gầm bàn trong tiếng kêu thất thanh của bạn. Những búi tóc như chiếc gai trong mắt, đánh thức thứ ký ức ấu thơ lưu lạc. Nhen nhóm trong lòng thằng nhỏ nỗi nhớ nhung lẫn giận hờn người mẹ. Lòng tựa bếp củi nguội lạnh đã lâu, ai nhen chi lửa để mù mịt khói…

* *

*

Hơn 20 năm trước bà già hiện tại từng là người phụ nữ đẹp nhất làng. Lấy chồng nhà giàu tay chỉ để chọn hoa nhài ướp trà, thêu hoa trên áo, thổi cơm ngon cho chồng con ăn. Khi thằng nhỏ 5 tuổi thì chồng bà lâm bệnh nặng rồi mất. Chị dâu em chồng ghẻ lạnh, luôn tìm cách bắt nạt người đàn bà bé nhỏ thân cô thế cô không ai bênh vực. Người ta bảo bà gò má cao có tướng sát chồng nên sinh ra tang tóc. Mọi vận hạn trong nhà từ buôn bán thua lỗ đến mất con gà cũng lôi bà ra chửi. Không chịu được sự tủi nhục bà dẫn thằng nhỏ bỏ đi nơi khác làm thuê kiếm sống. Cuộc mưu sinh vất vả lại thêm thương con phận mồ côi bố, nên bà sớm nhận lời theo về làm vợ người đàn ông làm nghề đãi cát sông. Chỉ cốt có mái nhà che nắng mưa, có bờ vai vạm vỡ để mẹ con bà bấu víu. Biết đâu sẽ nặng tình thắm nghĩa, ở đời người đàn bà nào chả mong có một gia đình để sớm tối quây quần. Khi ấy bà còn trẻ nên sợ nỗi cô độc như người yếu bóng vía sợ đi đêm.

Thằng nhỏ từng nhớ thương mái tóc dài buông ngang lưng đen mượt mà mẹ nó đem búi lại gọn lỏn trên đầu. Nhìn những sợi tóc cong mình vặn ngược rồi yếu rụng dưới nền nhà thằng nhỏ thấy ghét cuộc hôn nhân của mẹ. Mẹ búi gọn tóc để còng lưng dưới ruộng cấy lúa, cúi đầu sát bếp thổi lửa, ngửa cổ phơi chăn chiếu ngoài hàng rào cây duối. Rồi mẹ có thêm lý do để búi tóc thật cao, ấy là để cha dượng không túm tóc giật mạnh mỗi khi say rượu. Người đàn ông ấy bình thường hiền khô, tuy ít nói nhưng rất thương hai mẹ con thằng nhỏ. Chỉ lúc say bí tỉ là trở thành một con người khác vừa đáng sợ vừa đáng thương. Có bao nhiêu đồ đạc trong nhà đều mang ra đập phá, bữa cơm vợ con đang ăn trong góc bếp cũng bị hất xuống đống tro. Búi tóc của mẹ vài lần giằng co xổ tung trên khuôn mặt, cha dượng cầm kéo cắt đi vài đoạn. Nhiều hôm thằng nhỏ đứng khóc nức nở khi thấy tóc mẹ co rúm ró rồi cháy xèo xèo trong bếp. Tóc hóa thành ngọn lửa xanh khét lẹt soi mặt mẹ đỏ bầm vì bị đánh. Chân tóc cũng ri rỉ máu, bàn tay bé nhỏ của thằng bé năm tuổi chạm đến đâu là nghe thấy tiếng rên rỉ của mẹ qua kẽ răng. Đã mấy lần mẹ nó định cắt ngắn tóc nhưng thằng nhỏ khóc quá trời. Nó tiếc tóc mẹ hơn mọi thứ trên đời. Đêm giật mình tỉnh giấc cũng quờ tay sang bên sờ tóc mẹ. Có hôm thằng nhỏ cứ đòi ôm mớ tóc cho dễ ngủ. Tóc gì mà thơm thật là thơm. Đã hết mùi hương hoa nhài chỉ còn lại mùi hương bồ kết. Tóc mẹ là cổ tích, là thứ dịu dàng còn xót lại của nhân gian dành cho đứa trẻ sớm chịu nhiều thiệt thòi từ tấm bé.

Nhưng rồi búi tóc ấy cũng bỏ rơi nó. 20 năm qua, đêm nào nó cũng nghe thấy tiếng trống tuồng vở Tiếng trống Mê Linh. Thứ âm thanh thúc giục gióng lên từng hồi, trên sân khấu được dựng bằng chiếc bạt lớn ba quân tướng sĩ cầm gươm giáo đứng nghiêm trang. Hội làng đông nghịt, mấy chục năm mới có một lần mở lớn. Thằng nhỏ đứng lọt thỏm trong đám đông nhìn những đứa trẻ khác được cha chúng đặt trên bờ vai vững chắc. Chúng như cao lớn hẳn, có thể với tới cả bầu trời nên hò reo thích thú. Khiến thằng nhỏ nghĩ về những lời cha dượng nhiếc móc mình trong những cơn say. Ông cho rằng, nó chính là cái cớ để người mẹ xót thương chồng hàng đêm thường dấm dúi khóc thầm. Lời cay nghiệt càng khiến bóng mẹ thêm đơn độc trải dài trên tường đất. Đôi lúc mẹ như người mất hồn thẫn thờ nhìn thằng nhỏ. Nên đúng lúc trên sân khấu bà Trưng Trắc cất lời hiệu triệu thề hy sinh giết giặc cứu non sông thì dưới đám đông thằng nhỏ bỗng thấy tay mình buông thõng. Ngoảnh lại không còn thấy tay mẹ nó đâu, ngửa cổ tìm kiếm xung quanh thấy búi tóc mẹ nhấp nhô như đang chạy trốn.

Mẹ bây giờ thành bà già, thằng nhỏ thực ra cũng đâu còn nhỏ nữa. Tóc trên đầu bà già ngày càng mỏng, búi tóc lưa thưa những sợi màu mây. Còn thằng nhỏ đã 26 tuổi, tay đầy những vết chai, trên cằm râu ria rậm rịt. Dượng mất cũng đã lâu, trên ban thờ có ánh mắt lúc nào cũng nhìn thằng nhỏ như sám hối. Cũng có thể là do nó nghĩ thế khi trong lòng đã không còn trách giận, người chết là hết. Bà già nhiều khi hờn tủi trách thằng nhỏ sao đủ vị tha với người khác mà với bà thì lòng nó mãi không nguôi. Hai mươi năm trước chỉ là bà lỡ để tuột tay nó trong dòng người xô đẩy. Tiếng hát tuồng như ma mị lòng người cứ kéo bà luồn lách giữa đám đông để lại gần sân khấu. Đến lúc vở tuồng kết thúc bà mới giật mình nhận ra đã để lạc mất con. Thằng nhỏ theo người lạ lên tàu bỏ lại bà tưởng cũng đã hóa đá trong vô vọng kiếm tìm và mỏi mòn chờ đợi. Sau một phần ba đời người mới gặp lại nhau, câu đầu tiên thằng nhỏ hỏi bà già: “Bỏ con rồi mẹ sống có vui không?”.

Hôm trở về làng thằng nhỏ tức không thể cắt sạch những búi tóc trên đầu đàn bà ở xứ này. Không hiểu sao nhìn tóc búi nó luôn nghĩ đến những phận người cam chịu. Bà già cười bảo tụi trẻ bây giờ khác xưa rồi, đầu nhuộm vàng nhuộm nâu búi tóc lên khoe cổ trắng gần lấp lánh đồ trang sức. Thằng nhỏ cũng cười, tay giơ búa bổ củi đều đều miệng nói mấy lời chua chát “ngày xưa mẹ mà được như vậy đã chả phải ruồng rẫy bỏ mặc con”. Cái từ “ruồng rẫy” tựa dằm củi văng ra đâm vào tim bà. Bao nhiêu năm qua thằng nhỏ vẫn nghĩ bà vì sợ nó là cái gai trong mắt cha dượng nên mới cố tình buông bỏ. Nó giờ như cành cây cong khó uốn nắn lại cho thẳng thớm từng ý nghĩ. Vết thương lòng nó đã thành sẹo nên bà già cũng quen dần với những cơn hằn học thỉnh thoảng lại nhen lên trên môi mắt nó. Bà đâu hiểu rằng thằng nhỏ của bà vốn là đứa trẻ cô độc thèm khát được yêu thương. Lửa trong lòng đã nguôi ngoai nhưng miệng còn cố chấp.

20 năm hội làng lại mở, lần này nghe nói sẽ lại diễn vở tuồng Tiếng trống Mê Linh. Nghệ sĩ năm xưa chắc đã già rồi, nghe tiếng trống tập tuồng từ vài ngày trước lòng đã nôn nao khó tả. Bà già bỗng nhiên đổ bệnh, nằm bệt trên giường cả tuần trời. Những lúc ngồi dậy được bà thường tựa lưng vào tường ngó ra vườn nhìn thằng nhỏ trồng rau. Từ khi nó về vườn lại tươi xanh, góc này trồng ít ngải cứu, chỗ kia thêm vài khóm đinh lăng, cam thảo, nhọ nồi, bách bệnh. Thiên hạ hỏi trồng chi nhiều thế? Nó cười bảo nhà có người già nên trồng cây thuốc phòng khi đau yếu. Bà không nghĩ cuối đời còn có phúc phận gặp lại con mình, được nó bưng cho bát cháo, nấu cho ấm thuốc lúc đau ốm thế này. Người già thì dễ tủi thân, bà hơi tí là rơi nước mắt nên thằng nhỏ mấy lần càu nhàu “người đâu mà như con nít”. Sáng sớm ngày mở hội thằng nhỏ đỡ bà dậy, nó ngồi sau lưng chải tóc cho bà. Sau cơn ốm tóc bà rụng đi gần hết nên đã không thể quấn thành búi nữa. Cầm nắm tóc mỏng như mây trời bỗng nhiên thằng nhỏ khóc. Nó bảo “hội chắc đông lắm, để con đưa mẹ đi không mệt”. Và thằng nhỏ nghĩ thầm nó sẽ không bao giờ tuột khỏi bàn tay mẹ thêm một lần nào nữa…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.