Trích đoạn trong vở kịch “I am đàn bà”. |
Ba phần sex bảy phần thực
Gây bão từ thời điểm ra mắt (năm 2006), I am đàn bà từng bị thu hồi, thậm chí tước giải thưởng. Tập sách bị xếp vào dạng “dâm thư”, ngang hàng với những Bóng đè, Sợi xích. Nhưng vượt qua tất cả những ý kiến trái chiều đó, về ngôn từ trần trụi hay cảnh sex nhạy cảm, I am đàn bà đã thực sự đụng chạm đến thân phận của những người phụ nữ nông thôn bỏ quê đi lao động xa xứ, vấn nạn xã hội 10 năm trôi qua vẫn chưa hề cũ.
Nhà văn Y Ban từng chia sẻ, truyện nảy sinh từ một bài báo nhỏ, cũng nói về một cô gái đi xuất khẩu lao động rồi vướng vào vòng lao lý. Chất liệu thực tế này được phát huy trong toàn bộ nội dung truyện. Nhân vật Thị được dựng lên như một điển hình của phụ nữ nông thôn Việt. Nửa đầu hiền lành, chất phác, giỏi lao động nhưng ít học. Tốt đến mức sẵn sàng giữ đứa trẻ sơ sinh nhặt được nuôi như con, dù nhà đã nghèo lại có đến 4 miệng ăn. Cảnh chăm con, rồi chăm ông chủ khiến nhân vật Thị trở nên hết sức đời thường, hết sức đàn bà, trước hết là ở thiên tính phái nữ toát ra từ hành động, sau đó mới đến yếu tố dục tình.
Xem thêm video:
Nửa sau là cảnh Thị bươn chải, chịu cảnh quăng quật nơi xứ người. Ở ngoài đời, mỗi năm các thành phố lớn đón làn sóng lao động nhập cư. Họ cũng bắt gặp đủ vấn đề mà nhân vật Thị gặp phải: Xa chồng con, thiếu thốn tình cảm (thậm chí là tình dục), phải làm những công việc oái oăm, tính toán chi li từng đồng bạc lẻ, bị theo dõi, đánh ghen, tù tội...
Hơn hết, xuất phát điểm nông thôn khiến nhiều nữ lao động di cư đứng trước những rủi ro không lường tới. Rào cản ngôn ngữ, thiếu tư duy pháp luật khiến họ đôi khi bị lột trần trong xã hội. Báo chí đã đưa tin về các trường hợp bị cướp tiền công, chiếm đoạt giờ lao động chỉ vì người phụ nữ không đọc nổi những điều khoản trong hợp đồng. Từ đó, hình ảnh nhân vật Thị sắp ra vành móng ngựa mà trong đầu chỉ biết được một câu kháng cáo dở tây, dở ta cũng không có gì là cường điệu.
Dữ dội về đề tài, I am đàn bà bước lên sân khấu
Với sự dữ dội về đề tài và cách thể hiện như vậy, không lạ khi mãi đến giờ I am đàn bà mới bước lên sân khấu. Khi truyện chuyển đổi thành kịch, đã có những sự đổi thay nhất định. Bối cảnh từ không cụ thể được giới hạn về vùng sông nước miền Tây, điểm nóng của lao động di cư. Nhân vật được cụ thể hóa tên, như nhân vật Thị có tên là Sa. Ông chủ không còn bại liệt toàn thân cho đến hết truyện, mà trong quá trình phục hồi đã có thể ngồi xe lăn, cử động tay, thậm chí còn vén được váy người giúp việc…
Đạo diễn Hạnh Thúy chia sẻ về những thay đổi khi dựng vở kịch: “Khán giả bao giờ cũng thắc mắc từ truyện qua kịch nó thế nào và không tránh khỏi sự so sánh. Dĩ nhiên, kịch và truyện là hai thể loại hoàn toàn khác nhau. Khi đưa lên sân khấu, không thể để nhân vật nằm suốt 11 cảnh, mà sẽ phải hoạt động, thay đổi, phát triển… Đó là lý do mà ở kịch, nhân vật ông chủ nhà phục hồi tốt hơn trong truyện. Hơn nữa, cái dục tính được nhấn nhiều trong truyện, còn yếu tố tình cảm, cảm xúc thì chưa được nhấn mạnh. Trong khi chủ trương của ekip là muốn nhân vật giành được nhiều thiện cảm hơn với khán giả”.
Với diễn viên Lê Chi Na, cô chia sẻ rằng mình chưa đọc bản gốc truyện, nhưng đã được biên kịch Việt Linh rào trước về sự gai góc, dữ dội của nó. “Chị Việt Linh chuyển kịch bản theo hướng bảo vệ nhân quyền người phụ nữ, khiến cô Sa đáng thương nhiều hơn là đáng trách. Biên kịch và đạo diễn yêu cầu tôi tìm hiểu rất kĩ. Ở ngoài đời, hành động của cô Sa rõ là sai, nhưng phải làm sao khi lên sân khấu khiến nhân vật đó được người ta thương cảm”, nữ diễn viên cho biết.
“Dù vậy thì vai này vẫn hơi nặng so với tôi, cũng phải mất ăn, mất ngủ nhiều lắm. Các vai diễn trước đó là những người sống trong gia đình giàu có, thiếu thốn tình cảm của gia đình, chán đời… Tới vai này thì khó mọi mặt, nhiều cảnh đấu tranh tư tưởng tình ái vô cùng dữ dội. Chưa kể tôi là dân miền Trung, mà nhân vật gốc miền Tây, tập thoại đã sái quai hàm rồi”, Chi Na cho hay.
Chuyển thể văn học lên sân khấu khó tránh những trường hợp bị kịch hóa, làm mất chất văn chương. Hoặc đơn giản là trong trường hợp của I am đàn bà, sẽ có sự đổi khác về nội dung tư tưởng. Nhà văn Y Ban chia sẻ: “Vở kịch mới trình diễn ở Sài Gòn, tôi chưa xem trực tiếp nên không bình luận gì cả. Bản thân I am đàn bà là tác phẩm khó dựng thành kịch do chứa rất nhiều đoạn hội thoại nội tâm. Muốn lên sân khấu, đạo diễn sẽ phải thay đổi bối cảnh, đưa vào các nút thắt mở để tạo cao trào, từ đó sẽ khác truyện… Nhìn chung, ai đã yêu I am đàn bà thì sẽ không vì thế mà họ bớt yêu. Còn ai yêu thích sân khấu sẽ có thể đến xem, không có gì quá quan trọng ở đây”.
Tác phẩm văn học là nguồn cung chất liệu quan trọng cho sân khấu kịch. Thành công lớn có thể kể đến dòng kịch văn học hiện thực phê phán của nhà hát Phú Nhuận có từ 10 năm trước: Số đỏ, Giông tố, Kỹ nghệ lấy tây, Làm đĩ, Chị Dậu… Sau đó là loạt chuyển thể Nguyễn Ngọc Tư: Nửa đời ngơ ngác (Chiều vắng), Bao giờ sông cạn (Dòng nhớ), Đời như ý, Cánh đồng bất tận... Ngoài ra: Người đàn ông của trời (Môi đồng trinh - Võ Thị Hảo), Hãy khóc đi em (Trăng nơi đáy giếng - Đặng Thùy Mai). |
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận