Ảnh minh họa |
Anh chị yêu nhau rồi cưới nhau.Họ có một mảnh vườn nhỏ trồng cây trái. Cuộc sống chẳng sung túc là bao nhưng hạnh phúc với 2 người con, một trai, một gái. Anh có tham gia vài hoạt động của ấp, của xã. Dần dần cấp trên thấy anh có năng lực nên cử anh đi học nâng cao trình độ. Anh đem chuyện bàn bạc với chị. Vốn đã nghe lắm lời bàn ra tán vào của thiên hạ về việc để chồng tham gia vào chốn quan trường sẽ chịu không ít thiệt thòi, nhưng chị đồng ý. Chị không muốn vì mình mà cản trở con đường công danh của anh.
Anh bảo: “Anh đi học phải mất 3 năm, lại đi xa, một mình em ở nhà lo được không?”.
Chị quả quyết: “Có mỗi mảnh vườn, cạo mấy cây cao su. Hai đứa lớn rồi chẳng phải đưa đón gì. Vả lại, còn số tiền mình để dành xây nhà, tạm thời cứ lấy tiền đấy lo cho anh đi học. Vài năm nữa xây cũng được”.
Anh học ở thị xã, cuối tuần đều đặn về nhà thăm chị, thăm con. Mỗi lần về nhà, anh quen giấc ngủ một mạch đến 7h sáng, thức dậy đã thấy chị đang lúi húi trong bếp nấu ăn, tay vẫn còn dính mủ cao su. Chị dậy đi cạo từ 2h đêm, chẳng nỡ đánh thức anh. Anh thở dài nhìn cái nhà dột lỗ chỗ, mấy cái hàng rào xiêu vẹo, vừa bắc thang vá lại chỗ dột vừa bảo chị hay là thôi, anh ở nhà rồi vợ chồng kiếm ít vốn buôn bán cho nhanh. Chị kiên quyết bảo không, đã đi được đến bước này rồi, anh phải làm “ông nọ bà kia” sau này con cái được nhờ. Mọi người trong xóm vẫn hay trêu chị: “Chồng đi học ngày càng bảnh bao, có tướng tá làm quan, còn vợ ở nhà nhìn héo hon đi, không cẩn thận mất chồng như chơi”.
Kết thúc khóa học, trở về xã, anh được giao một trọng trách khá khiêm tốn. Chị biết con đường thăng tiến của anh còn rất dài, rất xa. Mình chị vẫn đảm đương mảnh vườn, chăm sóc nuôi dạy con cái. Đêm nào cũng 2h sáng, chị lên rẫy cao su cạo mủ lúc anh vẫn còn say giấc. Tiền bỏ ra cho những cuộc xã giao bắt buộc của chồng, chị chẳng tiếc. Chị tin ngày anh công thành danh toại thì mẹ con chị sẽ chẳng phải vất vả thức khuya dậy sớm. Những đêm anh say khướt về gục ngay ở cửa, chị đỡ anh vào nhà nghe anh nhắc đi nhắc lại trong cơn say rằng, anh làm khổ em, anh chỉ là thằng đàn ông vô tích sự, rằng người ta xem thường anh. Chị ngồi lặng lẽ nắm bàn tay chồng.
Anh vẫn là một người chồng, người cha tốt, quan tâm con cái, mua tặng chị thứ này thứ kia, khi thì lọ nước hoa, cái áo mới. Chị chưa từng nghi ngờ anh.
Cho đến tận cái ngày vô tình đọc được tin nhắn với nội dung đáng ngờ trong máy điện thoại của anh, chị cũng không vội vàng trách móc. Chị tin tưởng anh nên âm thầm dò xét. Anh biết chuyện vội trấn an chị là chẳng có gì, chỉ là một đồng nghiệp nữ vui tính trêu đùa anh thôi.
Chị quên đi chuyện ấy cho đến khi những người trong xóm kể lúc ghé qua chỗ anh làm thấy anh và một cô gái khác thân thiết trên mức bình thường, chị mới giật mình nhận ra những thay đổi của chồng. Anh chăm cắt tóc hơn chứ chẳng đợi chị nhắc như trước. Anh nhắc chị ủi quần áo cho anh. Anh hay rửa xe hơn, cái xe tay ga chị mua để anh đi làm. Còn chị vẫn đi cái xe Cub cọc cạch tiện chở mủ đi bán, sợ mủ hôi hám làm bẩn chiếc xe mới. Một vài lần anh trở về nhà trong cơn say, mùi bia lẫn với mùi nước hoa ngọt dịu trên cổ áo, chị ngờ ngợ rồi quên khuấy giữa bao nhiêu lo toan.
Buổi sáng đó anh đi công tác, chị vừa đi cạo mủ cao su về vẫn mặc bộ đồ lao động, tay chân dính đầy mủ. Chị đang cho đàn gà ăn thì có tiếng xe tay ga quen thuộc chạy vào sân - chiếc xe mỗi ngày chị đều nhìn thấy chồng chạy. Cô gái dừng xe, tháo kính mát, váy chống nắng rồi lộc cộc giày cao gót bước vào. Cô gái dễ thương trẻ hơn chị cả chục tuổi, son môi đỏ chót, tóc uốn xoăn, mặc một bộ váy xẻ tà màu đỏ, rất hợp với chiếc xe của chồng chị. Cô không chào chị mà liếc mắt quan sát ngôi nhà rồi lắc đầu bĩu môi.
- Chị là chị Như - vợ anh Hà? Cô gái liếc bộ quần áo chị đang mặc rồi hỏi.
- Phải, nhưng chồng tôi đi công tác rồi.
- Em biết. Hôm qua anh Hà để quên áo chỗ em, em bảo để em giặt cho. Nhưng anh ấy không chịu, bảo phải để vợ anh giặt bằng tay, anh không quen đồ giặt máy. Loay hoay sao lại quên mang theo. Em thấy vậy nên đang làm dở công việc phải lấy xe ảnh chạy vô đây đưa chị. Khỏi cần cảm ơn em. Em để đây nha, chứ tay chị đang dơ vậy đụng vô mất công. Thôi em đi về.
Chị đứng như trời trồng, nhìn cái áo màu xanh quen thuộc của anh. Cô gái leo lên xe, cái váy xẻ tà cuốn lên cao lộ ra cả cái đùi trắng nõn nà. Đứa con gái đi học về sớm chạy xe vào trong sân thấy cô ta đi ra, quay sang hỏi chị:
- Ai vậy mẹ, sao lại đi xe của bố?
- Đồng nghiệp của bố ấy mà. Bố đi công tác, có việc gấp cần giấy tờ ở nhà nên cô ấy mượn xe bố ngoài ủy ban chạy về lấy cho bố.
- Ngoài chỗ bố sao toàn mấy cô xinh ghê!
Chị ngồi dựa cây cột nhìn đàn gà. Cả buổi sáng đó, chị nghĩ về cô ta - một cô gái chưa chồng, trẻ hơn chị, đẹp hơn chị, gia đình giàu có hơn chị, bố cô ta là sếp của chồng chị. Còn chị, chẳng có gì ngoài tình yêu thương dành cho chồng, cho con, ngoài sự tận tụy, cố gắng vun đắp cho gia đình. Chị nông dân, đen đúa, không biết ăn diện.
Anh đi công tác về, chị không nhắc gì về chuyện cô gái kia. Anh nhận ra thái độ khác lạ của chị và gặng hỏi nhưng chị không nói. Hôm ấy anh đi làm về sớm, sau bữa cơm hai đứa con chở nhau xuống bà ngoại chơi. Anh nhìn chị:
- Uyên đã nói gì với em?
- Không có gì, chị đáp.
- Anh không ngờ cô ấy lại tìm em. Sao em lại giấu anh. Có chuyện gì cũng phải nói cho anh biết. Giữa anh và Uyên chẳng có gì hết. Em có tin anh không?
- Em tin anh, chị đáp ngay không nghĩ ngợi.
- Anh sẽ bắt cô ta phải xin lỗi em.
- Không cần đâu, em không muốn nhìn thấy cô ta bước vào nhà mình nữa.
Chị nói vậy rồi vào phòng ngủ. Đêm đó, anh ôm chị rất chặt, dù chị nằm quay lưng về phía anh.
Chị nghe lời mấy bà bạn tự thay đổi chính mình, đi làm tóc, làm chân mày, mua sắm mấy bộ quần áo mới. Dù vậy, mấy vết nám trên mặt chị sau 2 lần sinh con và phơi nắng quanh năm cũng chẳng thể nào xóa hết. Trước giờ chị chẳng để ý, sao bây giờ mới nhận ra vết nám ngày càng sạm đen như vậy. Da bàn tay chị ngày càng chai sần, mấy đầu móng tay lúc nào cũng đen thui và thoảng mùi hôi của mủ cao su dù chị đã giặt tay mấy thau quần áo. Chị học nấu những món ăn mới phức tạp hơn ngoài thịt kho, cá kho. Hôm đó, chị nấu lagu bò mất một buổi chiều. Hai đứa con đi ra đi vào hỏi sắp ăn được chưa, chị bảo chúng chờ bố về để cả nhà cùng ăn. Nhưng hôm đó mãi 23h đêm anh mới về, 2 đứa con ăn trước rồi đi ngủ. Chị thức chờ chồng và như thường lệ anh lại say khướt. Anh bảo sẽ đi thay đồ rồi ra ăn món mới chị nấu. Chị vội vàng bật bếp hâm nóng đồ ăn. Chị vào phòng gọi đã thấy anh nằm dài trên giường, giày vớ còn chưa kịp tuột khỏi chân.
Những năm sau này, anh còn nhiều lần làm tổn thương trái tim chị khiến nó rỉ máu. Nhưng khi tận mắt thấy anh chở Uyên đi vào nhà nghỉ, chị cảm giác như anh cầm dao đâm vào tim mình. Chưa bao giờ chị quyết đoán như lần ấy, chị viết đơn ly hôn và kí ngay không ngần ngừ. Chị đã mất hết lòng tin vào chồng, vào những lời thề, hứa hẹn. Lúc ấy, anh đã là cán bộ có tí chức quyền, chỉ cần chị viết vào đơn ly hôn lý do anh ngoại tình, anh sẽ mất tất cả. Nhưng để giữ thể diện cho anh, chị viết vào 3 chữ đơn giản: Không hợp nhau.
Mẹ chị bảo chị hãy nghĩ cho 2 đứa con mà cố gắng vun vén. Thằng con trai cả của chị lúc ấy đang học năm thứ nhất đại học nghe thấy vậy thì bảo: “Mẹ hãy nghĩ cho bản thân mình lần này đi, không cần vì bọn con. Bọn con lớn rồi, mấy năm sống không có bố vẫn chẳng sao”. Còn đứa con gái chị chẳng biết nghe chuyện từ ai, từ lúc nào mà sáng hôm sau khi chị đang nằm trong phòng nghe tiếng xe anh về, nó vùng vằng nhảy xuống từ yên xe sau. Nó đi ngang qua chị, mắt sưng húp, một bên má đỏ lên như bị ai đánh. Nhìn chị nó gào lên: “Vì con phù thủy đó mà tát con, con hận ổng”. Nó mở cửa sau, vùng chạy lên lô cao su. Chị đứng nhìn anh trân trối. Tối hôm đó lúc anh đã dọn quần áo ra khỏi nhà, con gái chị mới kể, nó tìm đến nhà cô ta đứng ở cổng hét to: “Trả bố tôi đây, trả bố cho tôi, trả bố cho mẹ tôi, đồ phù thủy. Con đứng hét một lúc thì hàng xóm kéo ra nhìn nó càng gào to. Đúng lúc ấy bố đến, cô ta cũng chạy ra, bố tát con một tát rồi lôi con lên xe về”. Nói rồi nó quay sang nhìn chị, ráo hoảnh nói: “Từ giờ trở đi, con chỉ có mẹ và anh”.
Tòa xử tài sản chia đôi, con cái chia đôi. Nhưng cuối cùng cả hai đứa con không ai muốn ở chung với bố nên anh để lại tài sản cho cả 3 mẹ con, ra đi tay không, dọn ra một nhà trọ sống.
2 tháng sau ly hôn, anh lấy vợ - chính là cô gái tên Uyên ấy. Đám cưới to rộn ràng 50 mâm mời cả xóm cũ nhưng không ai đi vì họ ghét sự phản bội của anh. Không có chị nuôi anh ăn học làm gì có anh oai phong của ngày hôm nay.
1 năm sau ly hôn, chị vẫn sống cùng 2 đứa con, không mảy may có ý định đến với bất kì ai. Chị bán đi một phần đất, dồn được tiền xây nhà to nhất xóm, còn lại gửi ngân hàng lấy lãi cho con ăn học, lúc nào cũng vui vẻ, nói cười.
Anh có đứa con trai với người vợ sau, đã lên làm chức to ở huyện nhưng phải ở rể. Thỉnh thoảng, anh vẫn ghé vào thăm con, chị chẳng cấm đoán, dửng dưng mặc kệ. Đứa con gái ghét bố đến mức không thèm nhìn mặt. Riêng chị không hận anh nữa nhưng chị không muốn nhìn thấy người đàn ông phản bội mình nhưng khi say nhiều khi vẫn thường gọi cho chị nói thương chị và các con. Anh ngồi trước hiên nhà, quay sang hỏi chị:
- Mẹ con em sống tốt không?
- Tốt, như anh thấy.
- Ừ, anh cũng rất tốt.
Chị chẳng hỏi nhưng anh vẫn tự kể, rồi tự đi về không chào hỏi, không ai tiễn. Ngoài chợ, ngoài xóm người bảo anh khôn, lấy gái trẻ, lại giàu, vài năm nữa là ngồi vào chức của ông bố vợ để sẵn. Cũng có kẻ chê anh ngu, đầu sắp hai thứ tóc mà còn phải đi rửa đít trẻ con, phải ở rể như con chó chui gầm chạn. Chị nghe hết những gì người ta nói về anh, nhưng chẳng bình luận câu nào.
Một lần đi chợ chị gặp anh đang hỏi mua mấy con ghẹ to về nấu cháo cho con. Bất giác chị nhớ ngày xưa lúc nhà còn nghèo, 2 đứa con thèm ăn tôm anh cười bảo sau này bố có tiền nhất định cho mấy đứa ăn tôm đến chán thì thôi. Mãi đến lúc ly hôn, anh vẫn chưa từng mua con tôm nào cho 2 đứa chúng nó. Chị quay đi, tự cười chính mình sao cứ hay nhớ lâu mấy thứ ngày xưa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận