Văn hóa - Giải Trí

Truyện ngắn Sương Nguyệt Minh: Đi qua thời gian

02/05/2020, 08:28

Tôi ngập ngừng đứng ở cổng trang trại, nửa muốn bước vào, nửa muốn quay lưng. Vượt cả ngàn cây số vào Nam, bây giờ chả lẽ về...

img
Minh họa: Nguyễn Tường

Gió biển tốc tác thổi.

Mùi tanh cá mặn mòi phả vào mặt. Tôi ngập ngừng đứng ở cổng trang trại, nửa muốn bước vào, nửa muốn quay lưng. Vượt cả ngàn cây số vào Nam, bây giờ chả lẽ về. Tôi bảo thằng con trai:

“Anh đưa bố vào tình thế khó xử quá. Người ta là đẳng cấp khác, giống loài khác, mình chân chất nhà quê lao động chân tay. Sau này, làm thông gia khó xử”.

Con trai tươi hơn hớn, mạnh dạn, tự tin:

“Bố ơi! Con ăn mẻ bát ở nhà này rồi”.

Hồ bán nguyệt có hòn giả sơn, thác nước nhỏ chảy từ lưng chừng núi. Chủ nhà thả trang chứ không phải sen. Chơi cây trang trong hồ nước gợi cảm giác thân mật bình dị, gần gũi hơn là thả sen. Những bông trang nhỏ xinh màu tím đỏ nở xòe đón nắng mới. Bóng người khiến đàn cá vàng lượn lờ quẫy mạnh chui xuống đáy hồ đang ngời ngợi các viên sỏi trắng tinh. Chúng tôi đi trên lối sỏi nâu lạo xạo. Hai bên đặt những chậu cây cảnh gốc sần sùi, có cảm giác như thời gian còn ngưng đọng ở vỏ. Phòng khách có bể cá hình chữ nhật to chừng hai khối có một con cá rồng đang lượn lờ bơi. Nhà giàu thường hay đặt phong thủy, chứ chưa hẳn là chơi cá cảnh xa hoa. Ở góc là chiếc lộc bình sứ đời nhà Thanh màu nâu trầm.

Tôi nói nhỏ với con trai:

“Mảnh vườn cây lâu niên, ao cá nhà mình cũng thanh tao, xinh xắn, dung dị một cách chân quê, chỉ phải không to lớn như cái trang trại này”.

“Vâng. Mà con là kĩ sư hàng hải; bố cũng là một cựu quân y sĩ, chứ kém cạnh gì ai.”

“Anh chỉ nói là người yêu anh học cùng lớp. Bố buồn phiền là anh không kể với bố về gia thế nhà người ta?”

“Thì con muốn bố... bất ngờ.”

Bất ngờ? Thằng bé muốn bố bất ngờ. Và lại thêm một bất ngờ nữa. Khi người đàn ông bước vào phòng khách, thì tôi sững người. Ông ta cũng buột miệng định kêu lên câu gì đó, song lại kiềm chế được luôn. Tôi bắt tay ông, giới thiệu xã giao và trình bày lý do sự có mặt của mình. Ông ấy bảo chờ bà chủ giám đốc công ty đánh bắt hải sản đang bận việc chút, rồi pha nước, khi thằng con tôi đã tót đi đón người yêu.

Lúc này, tôi mới bắt gặp bức ảnh có ngọn hải đăng cao vút trên đảo giữa trùng khơi bên hàng cây tra xanh rì và những cây muống biển nở hoa tím cố neo vào cát trắng... đang treo trên tường phòng khách. Tôi bật dậy thật nhanh, đi đến tay run run chạm vào khung ảnh bằng gỗ sồi, quét sơn nâu bóng. Tôi vỗ vỗ vào đầu cố nhớ đã gặp người đàn ông đang pha nước kia ở đâu đó trên các nẻo đường đời. Và người đàn ông cũng đang chau mày nghĩ ngợi. Liệu ông ta có hoài nghi, phân vân nghĩ ngợi như tôi?

Kí ức mù mờ sáng dần và bừng bừng thức dậy trong tôi...

* *

*

Đảo nhỏ khô khát. Nắng gió.

Hiếm hoi vài cây mù u ủ rũ. Mấy cây tra cằn cỗi. Và những bụi cây bão táp lá quăn xơ xác. Lác đác rau muống biển nở hoa tím bò mệt nhoài trên bãi cát san hô trắng ngời ngợi.

Lính đảo, dĩ nhiên là con trai, chỉ ngoài hai mươi. Nước da màu đồng. Vâm váp. Bên nhà đèn toàn đàn ông, nhầng nhầng ba mươi, mấy người tuổi bốn mươi. Trạm khí tượng hải văn cũng chưa bao giờ có bóng hồng. Giờ hành chính thì quân phục nghiêm ngắn chỉnh tề mới ra người nhà binh. Nhân viên kĩ thuật mặc trang phục công sở, còn công nhân nhà đèn quần áo bảo hộ “kín cổng cao tường” mới ra dáng người nhà nước. Ngoài giờ làm việc thì cởi trần quần đùi, chân không giầy dép. Ăn to nói lớn mới át được tiếng sóng biển ồn ào, mới ra người cương trực. Bác trạm trưởng thủy văn vô tình quần sắn móng lợn đi sang doanh trại bộ đội thì... cứ đi. Lính tráng, công nhân vận đồ sịp, quần lót giăng hàng trên giây phơi xộc xệch cũng chẳng mấy ngại ngùng, nắn chỉnh.

* *

*

Tôi vẫn nhớ: Một ngày đẹp trời. Tầu cá cập đảo. Gọi là cập đảo, nhưng thực ra nó đậu ở phía ngoài bãi đá san hô ngập nước. Còi tầu hú lên thảm thiết và mấy người thợ săn cá đứng ở boong khua tay ra hiệu. Có chuyện chẳng lành rồi! Đảo trưởng lệnh cho xuồng cao tốc đang tuần tra ở mạn Bắc đảo quay mũi rẽ sóng lao về phía tầu cá. Hóa ra, con tầu ra khơi được vài ngày mới thả mẻ lưới đầu tiên ở ngư trường thì bị tai nạn. Lúc đang quay tời, bất ngờ dây kéo lưới bị đứt, lực văng rất mạnh, cục chì nặng gần hai cân đập gãy cẳng chân ông già đánh cá. Khó khăn lắm những người lính đảo mới đưa ông già và cô con gái xuống xuồng cao tốc. Giữa đường, mắc cạn, hai chàng ngư dân và lính đảo phải lội nước, đạp chân trên đá san hô vừa kéo vừa đẩy xuồng vào đảo. Trong đám người cứu nạn lố nhố ấy, tôi nhìn thấy anh trưởng trạm hải đăng cũng xúm tay vào khiêng ông già gãy chân...

Cả đảo im lặng chờ đợi trong lo lắng. Sau đó, là những bước chân dồn dập. Tiếng gọi nhau gấp gáp. Tôi bảo y tá chuẩn bị dụng cụ, sát trùng... Vết thương hở, xương gãy lòi ra. Máu chảy nhiều. Mặt mũi ông già tái nhợt. Cô con gái thương cha, sụt sịt khóc. Chốc chốc cô lại hỏi tôi: “Ba em có sao không?... Ba em có sao không?”

Đảo không có máy chụp X quang để chẩn đoán hình ảnh. Bàn tay tôi hoàn toàn làm theo trực cảm nghề nghiệp và tri thức học trường quân y sĩ. Ngày xưa, ở chiến trường y tá, y sĩ cũng mổ những vết thương lủng bụng trong tình thế hiểm nghèo hơn. Ở đảo, dù khó khăn nhưng cũng không phải nơi bom rơi đạn nổ, chả lẽ chịu khuất phục. Cuối cùng, cái chân ông già cũng được mổ, nắn chỉnh, băng nẹp cố định xong. Tôi bước ra ngoài cửa phòng kỹ thuật. Cười. Nụ cười báo hiệu thành công trong tiếng reo hò vang của lính đảo. Cô gái chớp chớp hàng mi đen rợp và hai giọt nước mắt ứa ra. Cô cứ bấu tay vào vai áo tôi còn ướt đẫm mồ hôi mà không cất nổi lời cảm ơn.

* *

*

Đảo nhỏ có thêm hai nhân khẩu.

Vì vết thương cần phải bất động, tạm thời ông già chưa thể trở lại tầu cá. Hai chàng ngư dân quay về tầu và họ sẽ tiếp tục cuộc đánh bắt trên ngư trường. Họ hẹn ngày thăm, đón người thuyền trưởng già đã qua thời oanh liệt.

Tôi cứ tưởng mọi chuyện trở về trật tự cũ khi chiếc tầu cá đã hút về phía chân trời. Lính đảo sẽ lại tiếp tục huấn luyện, tuần tra. Những người thợ đèn lại cần mẫn bảo dưỡng duy trì chớp sáng đơn chu kỳ mười lăm giây. Nhân viên trạm khí tượng vẫn ngày bốn lần đo gió, nhiệt, hơi nước. Chỉ có tôi và mấy chàng lính quân y có thêm việc làm... chăm sóc vết thương cho ông già mau lành. Công việc sẽ tuần tự diễn ra đều đều, tẻ nhạt đến mức đơn điệu.

Nhưng diễn biến đời sống thường ngày trên đảo không như tôi nghĩ. Mọi chuyện bị xới tung lên, đảo lộn, sinh động và mới mẻ lạ thường. Cô gái mắt bồ câu, nhìn một lần thì có khép mi lại ngủ giấc dài thức dậy vẫn nhớ. Cô gái là sinh thể cái hiếm hoi trên cái đảo khô nóng, cằn cỗi. Cô gái đi lại... như chấm nắng lung linh di động. Cô gái bám giường bệnh chăm sóc người cha. Cô gái ra bể nước giặt đồ. Cô gái bước ra bãi cát ngắt những bông hoa muống biển cắm vào cốc thủy tinh. Cô gái ngồi khâu cúc áo cho mấy chàng lính trẻ... Chỉ thấy mái tóc đen dài và thân hình con gái thấp thoáng ở cầu tầu, từ xa đám lính trẻ đã ồ à, xôn xao, rộn rã. Tất nhiên, trong lòng tôi cũng tràn ngập xốn xang. Từ ngày tôi ra đảo, cả năm mới có một lần, vài ba cô diễn viên múa, ca sĩ đến chốc lát, nhanh bao nhiêu thì đi cũng chóng bấy nhiêu.

Sau những ồn ào ban đầu, không khí đảo có vẻ lắng xuống. Trật tự được sắp đặt lại, ngay ngắn, quy củ. Lúc thể thao, anh đảo trưởng mặc quần sooc chứ không mặc quần đùi. Lính tráng khen thủ trưởng đẹp hơn mọi ngày. Đảo trưởng cười ngượng nghịu bảo: “Nhìn trang phục biết tư cách”. Cán bộ nhân viên trạm khí tượng hải văn nắn vuốt chăn màn gọn gàng hơn mọi khi. Cánh lính đảo lộc ngộc không còn thờ ơ khi mỗi lần đổi gác đi qua nhà quân y. Đôi mắt nào cũng liếc nhìn cái dây phơi và khe khẽ thở dài. Công nhân trạm hải đăng mặc quần dài leo thang xoáy ốc lên kiểm tra đèn, chứ không ai mặc quần sooc nữa. Anh trưởng trạm nhà đèn đến thăm ông già thường xuyên. Đôi khi anh ở lại đến khuya mới về.

* *

*

Không biết từ đâu, chẳng biết tự bao giờ... cái tin con gái ông già yêu tôi loang khắp đảo. Mọi người đều có cơ sở để tin rằng: Hầu hết đám lính trẻ và các chàng trai công nhân, nhân viên kỹ thuật đều xao xuyến trước vẻ đẹp đang bừng bừng sức sống của cô gái trẻ. Nhưng, dường như yêu mà chỉ dám vọng từ xa khao khát âm thầm. Họ tự biết mình lính tráng hoặc cùng lắm là nhân viên kỹ thuật sơ cấp nên “cao không tới thấp không vừa”. Tôi “tay dao tay kéo” mổ cho ông già thì cô gái sinh viên ấy yêu là “xứng đôi phải lứa”. Họ vun vén cho tôi và cô gái. Thành hay không là duyên là phận, cứ “phải” yêu anh quân y sĩ của chúng em cái đã. Nếu hợp tính hợp nết thì... cưới luôn và ở lại đảo. Đất lành chim đậu mà... Họ tếu táo đùa vui với nhau như thế.

Tôi không phải người vô cảm. Trái tim cũng đã từng xao xuyến khi nhìn thấy hoặc nghĩ đến cô gái con ông già thuyền trưởng bị nạn. Cô gái thường kiếm cớ gặp tôi hỏi han vết thương của cha. Đôi khi, cô cầm vỉ thuốc kháng sinh đến phòng tôi chỉ để hỏi cách uống thế nào, dù tôi biết trước đó cô đã thuộc lòng và cho cha uống đúng liều như cậu y tá dặn. Ông già thì quý mến tôi một cách thái quá. Ông bảo:

“Ước gì tôi có người con rể như anh.”

Tôi chỉ cười cười không nói. Ông già lại bảo:

“Con bé nhà tôi nó học ngành hàng hải, anh ạ. Lúc nghỉ hè theo cha đi biển. Đúng là tái ông mất ngựa, tôi gặp nạn thì may có con gái đi cùng. Lại gặp các anh bộ đội, gặp anh. Đời đời kiếp kiếp nhà tôi ơn anh quân y sĩ.”

Tôi ân cần thưa:

“Sinh ra công việc chúng cháu là chữa bệnh cứu người. Bác đừng băn khoăn. Quan trọng lúc này là bác tĩnh dưỡng bảo toàn sức khỏe.”

Ông già nắm tay tôi, cứ cảm ơn mãi:

“Ước gì có duyên với nhau để con cháu hai nhà đi lại”.

Con người ta đối với nhau là tùy duyên. Vô duyên là người dưng nước lã. Có duyên thì trước sau cũng gặp, tình cảm sẽ đến.

Cậu y tá là một người tinh ranh. Tính tình thẳng thắn, ghét sự giả dối. Cậu nói với tôi:

“Cái tay trưởng trạm hải đăng cứ ngồi ì ở giường bệnh ông già. Anh đồng ý, em đuổi”.

Thực ra, ở cùng một đảo, nhưng hai cơ quan khác biệt, ai có việc người đó. Anh trưởng trạm mới ra và tôi sắp về đất liền. Không thân thiện. Chẳng quen, chỉ biết chút chút. Làm chuyện gì thái quá, mang tiếng. Tôi bảo:

“Đừng đuổi. Nếu đúng lúc thay băng cần vô trùng thì tạm thời mời anh ấy ra ngoài. Đã kéo nhau ra tận nơi góc biển chân trời này là thiếu vắng tình người lắm. Biết đâu ông già và cô con gái cũng muốn gần anh ấy thì sao!”

“Nhưng mà em ghét cái mặt hắn. Đổ bê tông cầu xin tình cảm cô gái ấy mà.”

Tôi cười:

“Cậu cảm tính bỏ xừ. Nếu được như thế, cũng mừng cho họ chứ sao?”

“Anh cao thượng quá. Rồi cốc mò cò xơi cho mà xem.”

Tôi lặng im. Ngày cha tôi còn sống, ông vẫn thường bảo tôi rằng: “Anh giúp được ai cái gì thì giúp, đừng nghĩ đừng mong người ta trả ơn ngay. Đời người là cái nợ đồng lần. Một lúc nào đó, sẽ lại có người ở đâu đó tự nhiên đến giúp mình.”

Nghĩ thế, nhưng không kể thế cho cậu y tá nghe. Nhưng, chuyện tôi có người yêu đã ăn hỏi ở quê, vài tháng nữa ra quân là cưới thì tôi kể. Tôi có định làm cốc đâu mà cậu y tá thương tôi, rồi... đuổi cò.

* *

*

Người đàn ông âm thầm đứng sau tôi từ lúc nào chẳng rõ. Dường như ông ta cũng chăm chú và thả hồn vào bức ảnh có ngọn hải đăng đã nhuốm màu thời gian. Ông chỉ vào bức ảnh nói rằng ông đã từng là trạm trưởng nhà đèn này. Tôi ngạc nhiên quá đỗi. Quả thật tôi không nhận ra ông, dù có khoảnh khắc mơ hồ, trong đầu thoáng nghĩ đến anh trưởng trạm hải đăng đổ bê tông ở giường bệnh ông già thuyền trưởng. Còn ông có nhận ra đã từng gặp tôi ở đảo thì chịu. Chúng tôi chưa kịp kéo dài câu chuyện thì bà giám đốc về. Theo sau là đứa con gái và thằng con trai tôi rít rít như đôi chim bồ câu. Đứa con gái nheo nhéo chào bố, chào tôi.

Bà giám đốc đứng như trời trồng khi thấy tôi đứng bên bức ảnh.

Tôi cũng nhận ra nàng, có đôi mắt bồ câu đã nhìn một lần là nhớ mãi không quên. Nàng thanh mảnh, khóe mắt có đường dạn chân chim, nhưng cái vẻ nhân hậu dễ mến và đường nét hình bóng thời con gái ông già thuyền trưởng vẫn phảng phất xa gần. Đi qua bao nhiêu thời gian chúng tôi mới gặp nhau. Nàng ôm chầm lấy tôi. Tôi ôm nàng. Còn anh trạm trưởng nhà đèn ngày xưa thì mở rộng vòng tay ôm cả vợ cả tôi.

Hai đứa trẻ ngạc nhiên, tròn xoe mắt nhìn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.