Thị trường

Truyền nhân Amakong choáng váng vì thuốc giả bày bán công khai

14/04/2019, 06:30

Y sỹ Khăm Phết Lào, con trai truyền nhân của Amakong đang phải đối mặt với tình trạng bát nháo, thuốc giả tràn lan trên thị trường.

img
Y sĩ Khăm Phết Lào (ngồi giữa) và bác sĩ Nguyễn Đức Phồi (bìa trái) chia sẻ bức xúc về thương hiệu thuốc Amakong đang bị đánh cắp

Sau vụ kiện dai dẳng đòi được nhãn hiệu độc quyền thuốc Amakong, y sỹ Khăm Phết Lào, con trai truyền nhân của Amakong lại phải đối mặt với tình trạng bát nháo, thuốc giả tràn lan trên thị trường. Không chỉ có vậy, ngày 28/3, trong một hội nghị lớn tại Đắk Lắk, ban tổ chức còn mang cả Amakong giả để biếu các đại biểu.

Nghe truyền nhân kể về Amakong

Trong lễ hội cà phê vào tháng 3 vừa qua dưới cái nắng chói chang của Buôn Đôn, ông Khăm Phết Lào vui vẻ tiếp chúng tôi với sự nồng nhiệt vốn có của đồng bào Tây Nguyên. Cũng như bao người khác, chúng tôi tò mò nghe ông kể về những bí quyết tìm ra loại thuốc thần dược Amakong. Khăm Phết Lào thật thà nói rằng, người ta cứ thần tượng hoá thôi, chứ cha của ông (Amakong - PV) khi đi thuần phục voi nơi rừng thiêng nước độc, có nhiều lúc sốt rét, bệnh tật khiến cụ Amakong hỏi dò những người già bản về những cây thuốc chữa bệnh và tăng cường sức khỏe. Mỗi người chỉ một loại cây, sau đó cụ Amakong nghiên cứu pha chế cho mình và những người dân trong vùng dùng.

Chúng tôi thắc mắc tại sao người con trai thứ như Khăm Phết Lào được truyền nghề làm thuốc nổi tiếng chứ không phải con trai trưởng thì nhận được câu trả lời: “Cha tôi khuất núi lúc 103 tuổi, có tới 21 người con. Tôi con ở giữa, trên có 10 người, dưới có 10 người, nhưng chỉ có hai con trai, anh cả Y Kông và tôi. Bố tôi có hai nghề làm rừng và làm thuốc, cụ truyền cho cả hai con trai. Anh Y Kông thích nghề rừng, làm rừng giỏi, rồi đi làm ăn xa. Tôi lại có duyên với nghề thuốc, nên mỗi người làm một nghề của cha để lại. Còn những người con gái đi lấy chồng hết, chẳng có đứa về làm thuốc với tôi”.

Theo ông Lào, thành phần đặc biệt của Amakong là cây Tơm Trơng Atao Nenso. Cây này trong thang thuốc Amakong khi bẻ ra dù khô hay tươi đều có nhựa, còn cây giả không có nhựa. Ngoài ra để phân biệt thuốc Amakong thật, giả có thể căn cứ vào vị khúc khắc. Khúc khắc giả (khúc khắc ngố) khi nhai thì không có vị, dai, có dạng xơ, khó nhai. Khúc khắc thật khi nhai có vị, nhai sẽ thành bột, dễ nhai.

Giải mã bí ẩn cây Tơm Trơng Atao Nenso, y sỹ Khăm Phết Lào cho biết: Đó là 1 trong 5 vị thang thuốc Amakong. Hơn 10 năm qua đã có một số công trình nghiên cứu thành công. Nổi bật là đề tài nghiên cứu bài thuốc gia truyền của cụ Amakong chứng minh tác dụng bồi bổ cơ thể - bổ thận tráng dương, ích khí, chữa đau lưng nhức mỏi - chữa đau các cơ và khớp - chữa được bệnh gout - ổn định tim mạch, giảm cao huyết áp…

Thương hiệu từng bị đánh cắp

img
Thuốc gia truyền chính hiệu Amakong Khăm Phết Lào chỉ có bán tại nhà số 286 Buôn Kô Tam, xã EaTu, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, không có bất kì đại lý bán nào trên thị trường

Câu chuyện tranh chấp thương hiệu thuốc Amakong, bác sĩ Nguyễn Đức Phồi, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Đắk Lắk là người hiểu rõ nhất. Ông cho biết, năm 2005 ông Hồ Việt Sang khi đó là Phó chủ tịch Hội Đông y Đắk Lắk có hẳn một trang web chuyên quảng bá và giới thiệu thuốc Amakong tại địa chỉ www.amakong.com.vn nhằm chiếm đoạt thương hiệu thuốc Amakong.

“BS. Sang được tôi đưa vào làm thành viên hội đồng nghiên cứu thuốc Amakong đã rắp tâm cướp bài thuốc gia truyền Amakong. Năm 2005, ông Sang lừa ông Amakong, hứa cho tiền, cho xe để ông Amakong ký vào văn bản mà ông ta đã đánh máy sẵn có nội dung: “Nay tôi đã già rồi theo lời kêu gọi của Đảng và Nhà nước, được BS. Hồ Việt Sang trực tiếp động viên giúp đỡ, bây giờ tôi truyền lại hết bài thuốc của gia đình tôi cho BS. Hồ Việt Sang... BS. Sang là người duy nhất nắm đầy đủ các vị thuốc trong bài thuốc này của tôi, và từ nay tôi không truyền lại bài thuốc này cho bất cứ ai khác...” để ông độc quyền kinh doanh thuốc Amakong.

Sau đó, các con ông Amakong biết chuyện đã lên thẳng Hội Đông y tố cáo thủ đoạn của BS. Sang. Trước sự chứng kiến của lãnh đạo Hội và 9 người con của Amakong, BS. Sang đã phải viết giấy với nội dung: “Tôi đồng ý từ nay không sử dụng giấy tờ liên quan đến bài thuốc Amakong và bài thuốc Amakong có tác dụng chữa đau lưng, nhức mỏi, bổ thận, tráng dương” (giấy viết tay đề ngày 12/5/2006). Mặc dù cam kết như vậy, nhưng ông ta vẫn âm thầm tìm cách lợi dụng thương hiệu thuốc Amakong để kinh doanh. Sau đó, ông Amakong và con cháu đã làm đơn kiện BS. Sang ra tòa, buộc ông ta xóa bỏ hết tên tuổi, hình ảnh và tất cả nội dung liên quan đến Amakong trên trang web, đồng thời bồi thường thiệt hại cho gia đình ông”.

Để chắc chắn nhãn hiệu Amakong không bị đánh cắp nữa, ông Khăm Phết Lào đi đăng ký nhãn hiệu độc quyền cho thuốc Amakong. Ngày 20/12/2012, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ cấp “Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 197749” cho ông Khăm Phết Lào, buôn Kox Tam, xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Nhãn hiệu được bảo hộ tổng thể, người thừa kế bài thuốc nam gia truyền vua voi Amakong của Khăm Phết Lào. Bài thuốc Amakong được nhận nhiều giải thưởng, như “Thương hiệu nổi tiếng ASEAN”, “Tốp 100 thương hiệu tiêu biểu, uy tín hội nhập APEC”…

Thật giả lẫn lộn

Trả lời câu hỏi tại sao không mở nhiều đại lý Amakong thật để bán, y sĩ Khăm Phết Lào cho biết: “Rừng càng ngày càng cạn kiệt, mình khai thác còn phải tính cách bảo tồn, vì vậy nguyên liệu đâu để làm ra thuốc Amakong nhiều. Để phân biệt thật giả, chỉ thuốc thật mới có con tem, ngoài bao bì có hình của Khăm Phết Lào; thuốc giả thì chỉ có mỗi hình của Amakong. Trên bao bì có in 2 giá thuốc là ĐB 250 và ĐB 500, hàng giả sẽ không có điểm này. Có 2 loại thang thuốc Amakong. Đó là loại thường, giá 250.000 đồng và loại đặc biệt giá 500.000 đồng. Nhưng hiện nay chỉ có một loại giá 500.000 đồng. Nếu mua gửi đi tỉnh khác giá 650.000 đồng.


Thuốc Amakong giả cũng đã bị xử lý nhiều lần, nhưng vẫn không thể triệt để. Ông Khăm Phết Lào cho biết: Tháng 5/2017, Đội Phòng chống tội phạm môi trường, an toàn thực phẩm (thuộc Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh Đắk Lắk) phát hiện tại hai cơ sở kinh doanh đồ lưu niệm Nghĩa Hưng (50 Phan Bội Châu, TP Buôn Ma Thuột) và cơ sở kinh doanh ẩm thực Phong Vũ (187A Mai Hắc Đế, TP Buôn Ma Thuột) có tổng cộng 160kg thuốc Amakong đã bị xử lý nghiêm.

Tuy nhiên, đến nay, ngay cả ông Khăm Phết Lào cũng “ngao ngán” với tình trạng loạn thuốc Amakong giả bày bán đầy trên thị trường. Ông chỉ cho chúng tôi thấy, ngay tại Bản Đôn - thủ phủ của bài thuốc Amakong cũng có 5-7 loại thật giả khác nhau. Và để tìm mua thuốc Amakong không phải khó, tuy nhiên mua được hàng thật lại là chuyện hoàn toàn không dễ.

Trong lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột 2019 mới đây, các gian hàng bày bán thang thuốc ngâm rượu Amakong nhiều vô kể. Từ tiền sảnh khách sạn, đến hội chợ cà phê, gian hàng hè phố, sân ga, bến xe, thậm chí ngay tại gara nhà xe khách cũng bày bán. Mỗi nơi một giá, có loại in trên bao bì 80.000 đồng/kg, nhưng qua các cửa hàng trên đường Phan Bội Châu (TP Buôn Ma Thuột) lại được rao bán từ 70.000 - 300.000 đồng/kg.

Theo lời giới thiệu, chúng tôi đến một cửa hàng có đăng biển bán “thần dược” Amakong khá lớn nằm trên đường Hai Bà Trưng. Bao bì ghi đặc sản Tây Nguyên, hình “vua voi” thời trai trẻ thổi tù và cùng hình con trai ông. Chị nhân viên tại đây nhanh nhảu chào mời: Thuốc đó về ngâm rượu rồi uống mỗi ngày một ly tăng cường sinh lực và trị được nhiều bệnh lắm. “Giá chuẩn” là 350.000 đồng/kg. Tuy nhiên khi mua về, tôi lại được một người bạn khoe gói Amakong anh ta mua tại khu du lịch sinh thái Kô Tam mới là xịn, giá lên tới 650.000 đồng/kg.

Bác sĩ Nguyễn Đức Phồi cho biết, ngay cả rượu Amakong thật thì ngày chỉ cần uống 1-3 ly vào buổi tối mới phát huy hết tác dụng. Có người say đến 3 ngày vẫn chưa hết mệt thì nó rất phản tác dụng. Còn những người làm thuốc giả nhiều loại gỗ, rễ cây trung tính, không hại nhưng cũng chẳng có tác dụng gì cả. Thậm chí, có những người pha cả hà thủ ô có tính đắng nóng với rễ cây sâm đương quy có tính hàn, lúc mang ngâm rượu chung với nhau dễ xảy ra tác dụng phụ, uống vào dễ ngộ độc.

Câu chuyện hàng giả Amakong không còn đơn giản là bày bán ngoài thị trường, mà ngay trong một hội nghị lớn được tổ chức ngày 28/3 tại Đắk Lắk, một nhà báo đã phát hiện thuốc Amakong giả được ban tổ chức mang tặng các đại biểu. Câu chuyện này đã được phản ánh trong buổi họp giao ban báo chí tỉnh Đắk Lắk, khiến ngay cả lãnh đạo tỉnh cũng bất ngờ. Ngày 9/4, một lãnh đạo TP Buôn Ma Thuột thừa nhận có tình trạng thuốc giả bày bán trên thị trường và cho biết ngay sau họp báo đã nhận được công văn chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh về việc đẩy mạnh kiểm tra, xử lý tình trạng thuốc Amakong giả tràn lan. Thành phố đang chỉ đạo các đơn vị chức năng báo cáo kế hoạch kiểm tra, xử lý tình trạng rượu Amakong giả.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.