Trong khi các nước còn đang khó khăn chống chọi thì đến thời điểm này, Việt Nam đã thành công trong việc ngăn ngừa sự lây lan dịch Covid-19. Dù đã xác định vẫn phải sống chung với dịch, song bối cảnh đó cũng đặt ra thời cơ mới mà nếu tận dụng được, chắc chắn sẽ chúng ta sẽ thành công. Báo Giao thông trao đổi với TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam xung quanh câu chuyện phát triển kinh tế thời hậu Covid-19.
Cứu trợ cũng tốt, nhưng phải cấp thiết tạo thu nhập
Thưa ông, trong bối cảnh cả thế giới vẫn đang phải vật lộn chống dịch Covid-19 thì Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được. Ông có cho rằng đây là một cơ hội tốt để chúng ta xây dựng hình ảnh quốc gia, tái khởi động nền kinh tế?
Phải nói rằng, Việt Nam đã vượt qua dịch bệnh Covid-19 theo một cách không ai ngờ đến. Điều này khẳng định năng lực của chúng ta khi phải ứng phó với những tình huống khó khăn, bất ngờ như dịch bệnh và thế giới đã phải ghi nhận. Song, tôi vẫn nói, với Việt Nam thì việc khó không phải là chống dịch, mà là “chống” những tác động tiêu cực thời điểm “hậu” Covid-19. Khó nhất không phải công tác chữa bệnh, mà là đối diện với việc đứt gãy kinh tế, trong bối cảnh chúng ta phụ thuộc nặng nề vào chuỗi toàn cầu cả hai đầu cung và cầu.
Doanh nghiệp Việt Nam yếu lắm, bình thường đã yếu, chống chọi với rủi ro càng yếu thêm. 98% doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ. Những doanh nghiệp này đã bé lại yếu thì việc đứng dậy sau chấn động do dịch càng khó.
Trong khi đó, ngân sách của chúng ta vốn mỏng, lại phải tung hỏa lực mạnh chống dịch nên “hậu” dịch càng mỏng. Nguồn ngân sách mỏng này giờ lại phải tung ra cứu đồng thời cả doanh nghiệp và cả lực lượng lao động nên hậu chống dịch, nguồn lực đầu tư để nối lại chuỗi cung cầu không hề dễ.
Hơn thế nữa, lo cứu doanh nghiệp nhưng chúng ta cũng chưa biết thế giới lúc nào hết dịch. Nên chỉ có thể nói Việt Nam chống dịch tốt chứ chưa thể nói thời cơ tốt về kinh tế sau dịch, vì bản thân kinh tế Việt Nam lệ thuộc rất nhiều vào kinh tế thế giới. Ngay cả bây giờ, chúng ta đang từng bước vực dậy kinh tế, song chưa thể chắc chắn mình đứng dậy có vững hay không? Và liệu có sức để bám trụ, đợi được đến lúc cả thế giới đứng dậy khi dịch bệnh được kiểm soát?
Chính phủ cũng đã tung ra nhiều gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân. Theo ông, mức độ, liều lượng như vậy đã đủ chưa?
Cùng với Chính phủ, nhiều doanh nghiệp, tổ chức, đoàn thể cũng tổ chức nhiều hoạt động với tinh thần “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Tất cả những sự hỗ trợ này đều cần thiết và đáng được ghi nhận. Tuy nhiên, với thực lực ở ngưỡng khá yếu của Việt Nam hiện nay, nếu kinh tế tiếp tục khó khăn thì đùm bọc được bao lâu, cứu trợ được đến bao giờ? Nói điều đó để thấy rằng thoát dịch càng nhanh để mọi người tạo ra thu nhập mới cấp thiết.
Nhưng trên thực tế, tập quán, thói quen, tư duy phổ biến của Việt Nam là tâm lý an toàn, thậm chí an toàn tuyệt đối. Và tâm lý này có thể làm chậm quá trình khởi động trở lại của nền kinh tế. Kinh tế chậm khởi động, doanh nghiệp càng thêm kiệt quệ. Chính vì thế, kinh tế khởi động sớm trở lại ngày nào, sẽ cứu được bao nhiêu doanh nghiệp, cứu được bao nhiêu gia đình ngày đó.
Lợi thế phục hồi sớm
Trong lúc chưa thể kết nối ngay với chuỗi cung - cầu thế giới, thì chúng ta cần làm gì để kết nối nhanh chóng chuỗi kinh tế trong nước bị đứt gãy suốt gần 1 quý qua?
Việt Nam có lợi thế phục hồi sớm khi các nước đang phải chống dịch, thì từng khâu trong nước phải chuẩn bị tích cực và cần làm ngay một số việc để tháo gỡ khó khăn cho thị trường nội địa.
Đầu tiên, những ngành liên thông trong nước phải khôi phục sớm. Như ngành dịch vụ, vừa qua đã bị tác động kép khi vừa cấm uống rượu bia, vừa đóng cửa vì Covid-19. Giờ dịch hết rồi thì phải tích cực, nhanh chóng mở cửa, hoạt động trở lại. Cùng với đó, phải đi liền với phòng ngừa, bởi chỉ cần một ca lây nhiễm mới liên quan đến doanh nghiệp là sẽ lại có cả một dây chuyền sản xuất hay cung ứng dịch vụ phải cách ly. Dịch vụ hoạt động trở lại sẽ kích hoạt các chuỗi sản xuất, cung ứng ăn theo và nền kinh tế sẽ lan toả dần. Việt Nam năng động lắm nên khi cho hoạt động trở lại, chúng ta sẽ như lò xo bật.
Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh một lần nữa, tất cả những dịch vụ này, đặc biệt là du lịch, cần thay đổi mạnh mẽ để đưa khách trở lại ở một đẳng cấp khác, dưới “ánh sáng” của một quốc gia chiến thắng đại dịch.
Muốn làm được vậy, chúng ta phải chuẩn bị kết nối quốc tế ở một cách thức khác; Phải thay đổi cấu trúc, cơ cấu lại thị trường, ví dụ như hàng không phải nối đến điểm nào để kéo khách về. Đẳng cấp du lịch là phải làm sao cho thế giới đến Việt Nam chi tiêu trong sung sướng chứ không phải đến để bị bắt chẹt.
Nhiều hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp phản ánh, ngay giữa bối cảnh đại dịch, Thủ tướng rất sốt ruột nhưng ở đâu đó còn ung dung. Hoặc cùng một nội dung chỉ đạo, nhưng áp dụng mỗi nơi mỗi kiểu, khiến doanh nghiệp đã khó càng thêm khổ. Vậy làm gì để những khoảng cách giữa chỉ đạo và việc thực thi được kéo gần trở lại?
Một trong những đặc trưng văn hóa dân tộc Việt Nam là biết đến đâu hay đến đấy, chưa thấy sống chết thì cứ phải vui cái đã. Dẫn đến việc triển khai chậm, nước đến chân mới nhảy.
Do đó mới xảy ra chuyện, dù Chính phủ đưa ra quyết sách mạnh, quyết liệt nhưng kết quả không được như kỳ vọng. Tuy nhiên, cái chính vẫn là do thể chế khiến nhiều nơi, nhiều chỗ vừa làm vừa sợ lỡ sau này bị hồi tố. Mặt khác, quyền chủ động của cấp dưới ít, dẫn đến tâm lý chung là sợ trách nhiệm, lại đẩy lên trên. Mà cấp trên sao biết dưới làm như thế nào cho tốt nhất. Nhiều địa phương muốn được trao quyền, thậm chí sẵn sàng chịu trách nhiệm nhưng không được trao quyền. Vì vậy mới có câu chuyện trên nóng dưới lạnh…
Nói sâu hơn, Nhà nước lo chính sách, cơ chế khuyến khích để doanh nghiệp thấy được sự khích lệ và được truyền cảm hứng... Doanh nghiệp, địa phương dành nguồn lực thay đổi theo hướng đó. Người ta phải tự chuẩn bị năng lực, mỗi người một việc, làm tốt nhất. Tôi tin rằng, Việt Nam hoàn toàn thích nghi được. Chỉ có điều đừng hoắng quá, ảo tưởng quá là “đại nhảy vọt” mà phải biết tạo cơ hội.
Phải chuẩn bị sẵn lực lượng ở một đẳng cấp mới
Trước xu hướng một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã và đang rậm rịch rút khỏi thị trường Trung Quốc, Việt Nam phải làm gì đến đón sóng đầu tư mới này?
Cần thay đổi tư duy cả trong thu hút đầu tư nước ngoài. Việt Nam xưa nay “ông” nào vào cũng hoan hô cả nên chủ yếu là những doanh nghiệp nhỏ, tầm thấp. Khi doanh nghiệp lớn nhìn vào, thấy môi trường toàn nhỏ thì họ sẽ né, song đó là điều không tránh khỏi vì nhân lực chúng ta chỉ có thế, hạ tầng chỉ có thế.
Khi thế giới đánh giá Việt Nam ở tầng thấp, các “ông” to sẽ né ra. Bây giờ phải khác, chuỗi cung ứng rút khỏi Trung Quốc, tái cấu trúc toàn cầu, chúng ta phải làm thế nào để đón cơ hội này? Tuy rất khó, song chúng ta có thời gian để chuẩn bị đón đầu cơ hội.
Yếu tố cơ bản để định hình lại kinh tế Việt Nam là chuẩn bị năng lực, điều kiện để đầu tư nước ngoài xứng đáng đẳng cấp nâng Việt Nam lên chứ không phát triển theo hướng tận dụng tài nguyên có sẵn. Tuy nhiên, phải chuẩn bị, thậm chí phải sẵn sàng trả giá cho cơ hội ấy. Giống như việc phải chuẩn bị cái rổ hứng sung chứ không phải há miệng chờ sung. Để làm được điều đó phải có năng lực để tiếp nhận cơ hội mới.
Muốn vậy, phải chuẩn bị thực lực như chuẩn bị lực lượng doanh nghiêp đủ tầm để đón doanh nghiệp nước ngoài có đẳng cấp. Ví dụ như công nghiệp hỗ trợ ra sao? Nhân lực thế nào? Để đón được doanh nghiệp lớn cần thể chế phải minh bạch, đàng hoàng, chứ lèm nhèm chỉ đón những “ông” cơ hội, nhanh tay nhanh mắt, ăn xổi rồi bỏ chạy.
Còn thể chế đàng hoàng phải thì phải theo chuẩn quốc tế, minh bạch, thì họ cũng không cần nhiều ưu đãi. Đồng thời cần chuẩn bị hạ tầng xem cảng biển đủ không, hàng không thế nào, chi phí ổn chưa? Tức là chúng ta cần thay đổi tầm nhìn, nâng đẳng cấp của nền kinh tế...
Cảm ơn ông!
Chuẩn bị để bước vào cuộc sống “bình thường mới”
“Giờ là lúc Chính phủ cùng doanh nghiệp, người dân cả nước phải bước vào một cuộc sống “bình thường mới”. Cái “mới” ở đây là công nghệ, là số hóa, là khởi nghiệp… Chúng ta bắt tay sản xuất, kinh doanh, dạy và học trở lại, nhưng phải với một tinh thần mới, một cách làm mới, đủ sức đương đầu với bối cảnh mới chứ không thể theo trật tự cũ được nữa. Muốn vậy, chúng ta phải dành một phần nguồn lực để hỗ trợ cho lực lượng mới này, đặc biệt là đầu tư cho những cơ hội khởi nghiệp tạo cái mới trong thời điểm này.
Ví dụ như dệt may, gia công lắp ráp… tới đây có thể không chỉ là những công nhân cặm cụi ngồi đạp máy may từng chiếc áo, mà có thể là robot. Vậy thì lực lượng mới ở đây là công nghệ, là lực lượng lao động làm chủ công nghệ. Đi kèm đó là giải quyết bài toán lao động chân tay như thế nào? Và Chính phủ phải có chính sách, nguồn lực để khuyến khích, hỗ trợ những “cái mới” kiểu đó”.
TS. Trần Đình Thiên
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận