TS. Trần Du Lịch |
Cho thuê vỉa hè để kinh doanh đang được xem là giải pháp hay giải quyết triệt để nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường ở các đô thị lớn. Tuy nhiên, TS. Trần Du Lịch, nguyên Phó trưởng Đoàn ĐB Quốc hội TP.HCM cho rằng, không nên xem vỉa hè như một nơi kinh doanh buôn bán. Lâu nay, kinh doanh dựa vào vỉa hè đã kích thích một bộ phận lớn dân nhập cư đổ về các đô thị kiếm sống.
Kinh doanh vỉa hè càng tăng dân nhập cư
Quan điểm của ông về việc cho thuê vỉa hè kinh doanh thế nào, liệu có giải quyết được vấn nạn lấn chiếm vỉa hè?
Tôi cho rằng, không nên xem vỉa hè như một nơi kinh doanh buôn bán. Lâu nay, kinh doanh dựa vào vỉa hè đã kích thích một bộ phận lớn dân nhập cư đổ về TP HCM kiếm sống. Ở những quốc gia đang phát triển như Việt Nam, vỉa hè, lòng đường trở thành nguồn sống của một bộ phận dân cư.
Tuy nhiên, nếu xem lòng, lề đường như một loại kinh tế để phục vụ cho bộ phận dân cư nào đó, thì đô thị không còn là đô thị và bất công với những người dân sống ở đó. Không khéo đến một lúc nào đó lại thành nông thôn hóa đô thị. Bởi vậy, chính quyền, đoàn thể hay bất cứ đơn vị nào cũng không nên đặt mục tiêu cho thuê vỉa hè để lấy tiền. Đừng hiểu kinh tế vỉa hè theo nghĩa biến vỉa hè thành nơi kinh doanh.
Vậy, phải giải quyết bài toán này thế nào và hiểu sao cho đúng kinh tế vỉa hè, thưa ông?
Chính quyền cần hiểu rõ việc tái bố trí cho những người kinh doanh nhỏ, siêu nhỏ buôn gánh, bán bưng đang đóng góp cho xã hội, đáp ứng nhu cầu chính đáng của một bộ phận dân cư, không chỉ vì họ nghèo khó, kiếm sống trên vỉa hè nên cần được giúp đỡ. Chẳng hạn, một số người dân có nhu cầu và chỉ mua được cái bánh mì giá 8 nghìn đồng chứ không thể vào nhà hàng với giá 50 nghìn đồng. Và người bán hàng trên vỉa hè đáp ứng được một số nhu cầu của những người mua ở mức giá đó.
Bởi vậy, giải quyết buôn bán rong trên vỉa hè phải từ chính sách. Nhưng phải chắc chắn rằng vỉa hè không phải là để kinh doanh. Hay nói cách khác, chúng ta không tuyệt đối hóa, vỉa hè không có bóng người nào cũng không được. Mà vẫn tổ chức ở những nơi có vỉa hè rộng cho người dân bán. Chúng ta chống và không nhân nhượng với những nhà mặt phố lấn chiếm vỉa hè, biến vỉa hè làm nơi buôn bán, ăn nhậu. Loại bảo kê thu phí phải triệt không khoan nhượng. Thành phố nếu tạo được nhiều khoảng trống để thực hiện buôn bán rong như mô hình TP HCM đang đưa ra thì quá tốt. Nhưng tất cả phải công khai, minh bạch và không có lợi ích nhóm ở đây.
Lực lượng chức năng quận 1 (TP.HCM) xử lý tháo dỡ vọng gác của ngân hàng Agribank lấn chiếm vỉa hè - Ảnh: Linh Hoàng |
Không khoan nhượng nhà phố lấn vỉa hè
Nghĩa là chỉ giải quyết vì nhu cầu xã hội, chứ tuyệt đối không dùng vỉa hè làm nơi kinh doanh?
Đúng vậy, hiện nay có một vấn nạn là những người ở mặt tiền xem vỉa hè, lòng đường thuộc quyền sở hữu của họ và vô tư biến vỉa hè thành quán ăn, quán nhậu và làm giàu trên vỉa hè đó. Chúng ta không chấp nhận chuyện lấn chiếm, sở hữu, kinh doanh làm giàu trên vỉa hè công cộng. Chính vì vậy, chính sách cần không khoan nhượng với những đối tượng mua bán, chiếm vỉa hè, lòng đường để nới rộng không gian kinh doanh và những người biến vỉa hè thành nơi buôn bán riêng.
Tôi đã đi qua những vỉa hè rộng 6-8 m nhưng bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh hết, không còn chỗ cho người đi bộ. Không thể chấp nhận được.
Vỉa hè dành để đi bộ, vỉa hè cũng không phải dành cho người của phường đó mà cho tất cả mọi người. Cái gì dân không được làm, cơ quan Nhà nước cũng không được làm. Khi dân không được chiếm vỉa hè, thì phường cũng không được sử dụng vỉa hè. Trừ khi địa phương lấy vỉa hè ở những nơi rộng làm các việc có liên quan đến chính sách thì lại khác.
Ở nước ngoài, vấn đề kinh tế vỉa hè được giải quyết thế nào, thưa ông?
Ở nhiều nước phát triển, người ta không đặt vấn đề vỉa hè để cho thuê. Nhưng người ta cũng cho phép người dân bán một vài thứ trên phố như cửa hàng “hot dog”. Đó là một loại thức ăn trên vỉa hè phổ biến tại Mỹ chỉ để bán và mang đi. Những cửa hàng này được chính quyền cho hoạt động ở khu vực riêng trên đường. Đó là những người có thu nhập thấp, thất nghiệp được chính quyền tạo điều kiện; Ở nhiều nơi, chính quyền địa phương hỗ trợ 100%, không thu bất kỳ khoản phí nào từ việc buôn bán này. Những người bán trên vỉa hè là những người không có khả năng đóng thuế, nhưng họ cũng có nghĩa vụ bảo vệ môi trường…
Cảm ơn ông!
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận