Cùng với nhiều đồng nghiệp, TS. BS. Đỗ Ngọc Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai đã “chinh chiến” qua hầu hết điểm nóng trong các đợt dịch Covid-19, từ Đà Nẵng, Hải Dương, Bắc Giang và giờ là TP.HCM.
Lần này, BS. Sơn được giao nhiệm vụ Phó giám đốc chuyên môn, trực tiếp điều hành Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 thuộc Bệnh viện dã chiến số 16.
Trò chuyện với Báo Giao thông, BS. Sơn cho biết, mục tiêu duy nhất của ông cùng đồng nghiệp lúc này là cứu sống bệnh nhân Covid-19 nặng.
Trung tâm Hồi sức tích cực của Bệnh viện dã chiến số 16 đã vận hành chỉ sau hơn 10 ngày bằng cách nào, thưa bác sĩ?
Cùng với 2 bệnh viện lớn khác, Bạch Mai được Bộ Y tế giao trọng trách gấp rút thiết lập Trung tâm hồi sức cấp cứu Covid-19 tại TP.HCM trước bối cảnh hệ thống y tế nơi đây quá tải.
Chúng tôi tiếp quản cơ sở rất rộng, hạ tầng xây dựng trên nền tảng bệnh viện dã chiến thu dung ở mức độ 2 theo phân tầng của Sở Y tế TP.HCM.
Trước áp lực về số bệnh nhân ngày càng tăng lên, yêu cầu được đặt ra là phải làm sao hoàn thiện nhanh nhất.
Đây là thách thức với bất kỳ ai, bởi xây dựng trung tâm hồi sức 500 giường với yêu cầu về kỹ thuật hàng đầu đòi hỏi rất nhiều hạng mục phải hoàn thành đồng bộ.
Trong đó, phải làm sao chuyển đổi công năng bệnh viện dã chiến để thiết lập các hạ tầng như: Hệ thống oxy khí nén trung tâm, hệ thống camera trung tâm, hệ thống đảm bảo thông khí trong tòa nhà, cung cấp thiết bị vật tư và đồ bảo hộ… Rất nhiều việc.
Trên nền tảng nhà kho, công xưởng, phải xây dựng được phân khu hồi sức tích cực, khu nghỉ cho nhân viên y tế, kết nối hệ thống theo dõi trung tâm...
Tiếp theo là xây dựng danh mục trang thiết bị vật tư sinh phẩm, điều động từ Bệnh viện Bạch Mai, từ tổng kho thiết bị của Bộ Y tế… Anh em làm ngày đêm để lắp đặt, kiểm tra, kết nối.
Sau hơn chục ngày, Trung tâm đã tiếp nhận những ca bệnh Covid-19 nặng đầu tiên. Chúng tôi làm việc liên tục, liên tục và vật tư, trang thiết bị cũng liên tục cần bổ sung.
So với các lần chống dịch tại địa phương khác như Đà Nẵng, Hải Dương, Bắc Giang, cuộc “chiến đấu” này của ông và các đồng nghiệp có gì khác biệt?
Đợt dịch thứ 4 này thực sự khắc nghiệt khi dịch lây lan rộng khắp, số ca mắc lớn, số ca nặng và nguy kịch rất cao.
Bệnh viện Bạch Mai chưa bao giờ đầu tư khối lượng cơ sở vật chất, số lượng nhân viên y tế và chuyên gia đi hỗ trợ các tỉnh, thành nhiều như lần này.
Điều này chưa từng xảy ra và nó cho thấy quy mô và mức độ phức tạp của dịch bệnh hiện nay tại TP.HCM.
Tuy nhiên, dù ở bất kỳ trận chiến nào, những người lính áo trắng chúng tôi cũng đều sẵn sàng tinh thần cao nhất, xông pha vào chỗ khó nhất, điều trị cho những bệnh nhân nặng nhất…
Đến với TP.HCM lần này, ngoài hỗ trợ chuyên môn, chúng tôi xác định vai trò của nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai còn là hỗ trợ tinh thần cho những đồng nghiệp, người bệnh và cả người dân TP.HCM.
Một ngày làm việc của các nhân viên y tế tại Trung tâm hồi sức diễn ra như thế nào, thưa ông?
Với chúng tôi thì không có khái niệm về một ngày làm việc. Bởi chiến lược điều trị, tiếp nhận bệnh nhân cũng thay đổi từng giờ, từng phút.
Tất cả hệ thống đều trực chiến 24/7 và tranh thủ luân phiên nghỉ ngơi để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho công tác chăm sóc và điều trị bệnh nhân.
Ngoài điều trị cho các bệnh nhân nặng, nguy kịch, chúng tôi còn trả lời đường dây nóng. Cuộc gọi liên tục từ sáng đến tối, thậm chí suốt đêm.
Mỗi ca trực chúng tôi xử lý hàng trăm ca bệnh nặng từ các tuyến gọi đến để hỗ trợ chuyên môn, hỗ trợ người dân cách điều chỉnh oxy đang điều trị tại nhà; kết nối cơ sở y tế gần nhất để hỗ trợ cho người bệnh tại cộng đồng…
Tóm lại, cả một “núi” công việc, từ trực tiếp điều trị cho tới hỗ trợ chuyên môn các cơ sở y tế, cập nhật thông tin về bệnh nhân cho người nhà của họ, giúp họ ổn định tâm lý...
Nếu hỏi chúng tôi hôm nay là thứ mấy, ngày mấy thì quả thực không ai biết… vì chúng tôi hoàn toàn không có khái niệm về ngày tháng nữa.
Lúc này, tất cả chỉ có biết “chiến đấu - chiến đấu và hy vọng”.
Công việc quá sức như vậy, các bác sĩ giải tỏa áp lực bằng cách nào?
“Núi” công việc đó được chúng tôi chia nhỏ từ trên xuống, giải quyết dần. Bệnh viện Bạch Mai vốn là bệnh viện tuyến cuối, thường phải đối mặt với sự quá tải trong hệ thống. Do vậy quá tải không phải là vấn đề khó giải quyết.
Tuy nhiên, sự quá tải trong môi trường nguy cơ lây nhiễm thì không đơn giản. Nếu đưa số lượng nhân viên y tế lớn vào trong môi trường làm việc như vậy thì nguy cơ càng tăng …
Chính điều này đòi hỏi việc thiết kế bệnh viện dã chiến phải tận dụng ưu thế của công nghệ, đảm bảo tiết kiệm nhân lực tối đa, hạn chế tiếp xúc người bệnh nhưng vẫn đạt hiệu quả cao nhất.
Như hiện nay, chúng tôi thực hiện số hóa, tất cả đều dùng máy tính bảng để truyền tín hiệu ra ngoài, tránh ghi chép giấy tờ, vừa đỡ mất thời gian, công sức ghi chép, vừa hạn chế được tiếp xúc.
Hệ thống monitor theo dõi bệnh nhân tại các bệnh phòng cũng được thiết lập để tận dụng “mắt thần” quan sát, bớt được khâu nhân viên y tế phải mặc đồ bảo hộ che kín mít.
Qua kính chắn, mắt thường nhìn chỉ vài mét, rất khó quan sát hết nên hệ thống camera thành trợ thủ đắc lực cho công tác điều trị… Trong thời điểm này, việc tiết kiệm nguồn lực, nhân lực là vô cùng quan trọng vì chúng ta rất thiếu người.
Số lượng ca bệnh chưa ngừng tăng, bệnh nhân tử vong liên tục biến động, tâm lý của các nhân viên y tế thế nào, thưa bác sỹ?
Làm thế nào để điều trị cho bệnh nhân tốt nhất, cứu được nhiều bệnh nhân nặng - đó là đòi hỏi, là nỗi lo và cũng là mong mỏi của chúng tôi.
Tuy nhiên, khi phải điều trị nhiều bệnh nhân nặng, nhiều ca không qua khỏi, có thể khiến tâm lý nhân viên y tế bị đè nặng.
Tinh thần không tốt thì chắc chắn việc thực hành trong bệnh phòng sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.
Chính vì vậy, chúng tôi còn bố trí đoàn chuyên gia tâm lý và tâm thần học, ngoài điều trị tư vấn tâm lý cho người bệnh còn tham gia hỗ trợ tâm lý cho nhân viên y tế và người nhà bệnh nhân.
Mừng là đến thời điểm này tất cả anh chị em vẫn giữ tâm lý vững vàng.
Có câu chuyện nào ông muốn chia sẻ kể từ khi vào Nam chống dịch?
Đó là rào cản không nhỏ về ngôn ngữ, có thể do chưa quen nên không phải khi nào các bác sĩ hay nhân viên y tế cũng hiểu bệnh nhân, người dân muốn nói gì.
Có lúc người bệnh hay người nhà nói một tràng, chúng tôi vẫn không hiểu và phải hỏi lại từ đầu, cố gắng lắng nghe để đáp ứng yêu cầu của họ.
Thực sự, trong bối cảnh nước sôi lửa bỏng mà có thể bình tĩnh ngồi lắng nghe cặn kẽ như vậy, cũng phải nói đó là sự kiên nhẫn vô cùng lớn.
Điều mà ông cùng các đồng nghiệp mong muốn nhất lúc này là gì?
Nếu dịch cứ căng mãi, số ca mắc trong cộng đồng không giảm sẽ kéo theo số lượng bệnh nhân có diễn biến nặng, nguy kịch tăng lên.
Và không hệ thống y tế nào có thể trụ được nếu không giải quyết gốc rễ của vấn đề. Phải chặn được việc lây nhiễm kéo dài.
Hiện TP.HCM đang ở giai đoạn quan trọng nhất, dịch bệnh đã đạt đỉnh, tuy nhiên đỉnh đó kéo dài trong bao lâu phụ thuộc vào công tác phát hiện, khoanh vùng và dập dịch của thành phố.
Cảm ơn ông vì những chia sẻ này!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận