Tại TP.HCM hiện có hàng trăm điểm đã bị phong toả do có ca dương tính với Covid-19
Thí điểm cách ly F1 tại nhà ở tất cả các quận, huyện
Tại cuộc họp chiều 7/7, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong thông báo, TP HCM quyết định sẽ áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên toàn thành phố từ 0h ngày 9/7, thời gian áp dụng 15 ngày.
Trong ngày hôm nay, Sở Y tế TP HCM đã đề xuất thí điểm cách ly F1 tại nhà ở tất cả quận, huyện và TP Thủ Đức thay vì chỉ áp dụng tại các địa phương thuộc nhóm có nguy cơ cao gồm các quận 3, 6, 7, 10, 11, Phú Nhuận, huyện Nhà Bè và Cần Giờ.
Những đối tượng F1 này phải thuộc một trong những trường hợp: là người tiếp xúc gần với bệnh nhân nhưng không thường xuyên; người làm việc cùng phòng với bệnh nhân nhưng vị trí làm việc cách xa trên 2m và không có sự tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh; người tiếp xúc gần là người già trên 60 tuổi, trẻ em, thai phụ, người tàn tật... cần sự chăm sóc hỗ trợ.
Đồng thời, đây là những trường hợp F1 có mang khẩu trang y tế trong quá trình tiếp xúc, có kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh âm tính thì được áp dụng biện pháp cách ly tại nhà.
Các F1 cách ly tại nhà sẽ được lấy mẫu xét nghiệm ít nhất 5 lần vào ngày thứ nhất, 7, 14, 20, 28 ngày kể từ ngày bắt đầu cách ly.
Ba chợ đầu mối đang hoạt động online, không lo thiếu hàng
Sở Công thương khẳng định hàng hoá tại TP HCM đang dồi dào
Chiều 7/7, Phó giám đốc Sở Công Thương TP HCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết, vài ngày gần đây, khi 3 chợ đầu mối tạm ngưng hoạt động, lượng hàng về chợ giảm xuống 4.500-5.000 tấn mỗi đêm. Trong khi trước đây, lượng hàng hoá mỗi đêm khoảng 6.000-8.000 tấn. Nhưng đây chỉ là sự thiếu hụt tạm thời.
Hiện nay, ba chợ đầu mối phân phối hàng tại TP HCM đang hoạt động bằng hình thức trực tuyến. Ngoài ra, thành phố cũng dành 3 vùng đệm tại huyện Củ Chi, TP Thủ Đức, quận Bình Chánh để tập kết hàng hóa, thực phẩm từ các tỉnh chuyển về.
Cùng với đó, TP HCM vẫn có hơn 110 chợ truyền thống hoạt động, 106 siêu thị, 2.469 siêu thị mini và 28.700 cửa hàng tiện lợi. Bên cạnh đó, tại các quận huyện cũng bổ trợ kênh bán hàng online, đi chợ giúp cho người lớn tuổi với sự hỗ trợ của Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên...
Theo Sở Công Thương, hàng hoá tại một số đơn vị của thành phố dự trữ gấp 3 lần so với điều kiện bình thường, ở mức hơn 120.000 tấn. Trong khi nhu cầu thực tế hàng ngày của người dân chỉ khoảng 5.000-6.000 tấn.
Vì thế, ông Phương khẳng định, người dân không phải lo lắng, trong bất cứ tình huống dịch nào, với nguồn hàng dự trữ dồi dào, TP HCM sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người dân trong mọi trường hợp.
Sở Công Thương cũng đề nghị Sở GTVT tạo điều kiện tốt để hàng hoá về tới kho tổng. Đồng thời kiến nghị Bộ GTVT giải quyết, đảm bảo thời gian thích hợp cho tài xế về thời hạn giấy xét nghiệm Covid-19.
Tính đến 7/7, TP HCM đã có 127 chợ truyền thống tạm ngưng do có liên quan ca nhiễm Covid-19, trong đó có 3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm lớn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận