Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận một số nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa 13 diễn ra sáng 8/9 tại Hà Nội, góp ý xung quanh dự án Luật căn cước công dân, hiện còn nhiều ý kiến khác nhau, ngay từ tên gọi của dự thảo luật.
Ảnh: giaoduc |
Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Ngô Văn Minh đặt câu hỏi, tại sao hiện nay bao nhiêu văn bản đang ghi là chứng minh nhân dân mà luật lại không gọi là Luật Chứng minh nhân dân.
"Giấy khai sinh có tội tình gì mà gọi nó là căn cước?", VnEconomy phản ánh băn khoăn của ông Minh. Theo ông Minh, căn cước là từ Hán chưa được Việt hóa, người dân không phải ai cũng hiểu.Theo các góp ý, chứng minh nhân dân đã quá thân quen gần gũi, nên lấy tên là luật chứng minh nhân dân.
Theo giải thích của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tên gọi thẻ căn cước công dân phù hợp với bản chất, nội hàm, giá trị sử dụng của thẻ là từ khi công dân sinh ra cho đến khi chết khác với việc cấp chứng minh nhân dân hiện nay chỉ cấp cho công dân từ 15 tuổi trở lên.
Ủy ban Thường vụ cho rằng, việc này góp phần bảo đảm yêu cầu quản lý dân cư tập trung, thống nhất từ khi sinh ra, giảm giấy tờ và khắc phục tình trạng sửa chữa giấy khai sinh, cố ý làm sai lệch hồ sơ.
Việc cấp thẻ căn cước công dân cho người chưa đủ 14 tuổi chỉ là hình thức hiện đại hóa giấy tờ khai sinh mà không làm mất quyền được khai sinh của trẻ em theo Công ước của Liên hiệp quốc về quyền trẻ em, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh - cơ quan thẩm tra dự án luật - đại biểu Hồ Trọng Ngũ cho rằng, thẻ căn cước đi liền với việc cấp số định danh và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ giúp cho việc quản lý xã hội thuận tiện hơn nhiều, giảm bớt thủ tục và giảm bớt phiền hà cho dân. Bởi đến 2020, khi cơ sở dữ liệu quốc gia vận hành và phổ cập khắp toàn quốc thì sổ hộ khẩu không cần thiết nữa.
Liên quan đến việc bỏ “nguyên quán” trong giấy khai sinh hay không, theo Đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương), ở nhiều gia đình hiện nay là trong 3 đời gần nhất (con cháu, bố mẹ và ông bà) thường sinh ra ở những nơi khác nhau.
“Nhiều gia đình ông bà sinh ở Cà Mau nhưng đến con và cháu thì có thể sinh và sống ở TP HCM hoặc nơi thứ ba nhưng vẫn khai sinh nguyên quán gốc. Vì vậy, có thực sự cần thiết phải kê khai nguyên quán không?”, Người Lao động dẫn lời ông Khanh.
Đại biểu Hồ Trọng Ngũ giải thích thêm, ghi "nguyên quán" trong lý lịch là "thông lệ và truyền thống pháp lý", người con sinh ra luôn lấy nguyên quán của cha. Điều này giúp tìm được gốc tích của con người. Và việc ghi nguyên quán nhìn ở góc độ bảo đảm an ninh quốc gia sẽ thấy quan trọng hơn ở góc nhìn xã hội.
Theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội,Luật sẽ có hiệu lực của luật từ 1/1/2016, thống nhất với thời gian có hiệu lực của Luật Hộ tịch. Ủy ban Thường vụ cũng yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân chấp nhận việc công dân sử dụng một trong ba loại giấy tờ chứng minh nhân dân 9 số, chứng minh nhân dân 12 số, thẻ căn cước công dân để giao dịch là có giá trị pháp lý như nhau, khắc phục các hiện tượng gây phiền hà, sách nhiễu công dân khi sử dụng thẻ căn cước công dân.
PV (Tổng hợp)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận