Bà Nguyễn Hoàng Ánh, Phó cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm (Bộ TN&MT). |
Nhiều vấn đề cũ chưa giải quyết được thì lại nảy sinh vướng mắc mới trong Nghị định 154/2016 về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, có hiệu lực từ 1/1/2017. Xung quanh vấn đề này, PV Báo Giao thông trao đổi với bà Nguyễn Hoàng Ánh (ảnh nhỏ), Phó cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT).
Trước tình trạng ô nhiễm nước bề mặt hiện nay, bà nhận định như thế nào về sự cần thiết phải thu phí bảo vệ môi trường với nước thải?
Việc thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải nhằm đảm bảo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” với 3 mục tiêu chính: Nâng cao nhận thức về trách nhiệm bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân xả nước thải ra môi trường; Tạo động lực để khuyến khích các tổ chức, cá nhân nâng cao hiệu quả xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường; Tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước để tái đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường. Mặt khác, thông qua việc thu phí sẽ giúp cơ quan quản lý về môi trường kiểm soát các nguồn thải chặt chẽ hơn, có nhiều thông tin hơn để ứng phó tốt hơn khi có những sự cố về môi trường nước xảy ra…
Còn khoảng 10 ngày nữa Nghị định 154/2016 về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sẽ chính thức có hiệu lực. Theo bà, việc thực thi có dễ dàng?
Việc triển khai sẽ gặp khá nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó một số khó khăn, vướng mắc cũ vẫn chưa được giải quyết. Cụ thể, nước thải từ các cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; Nuôi trồng thủy sản; Khai thác khoáng sản được Nghị định 154 quy định là đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp nhưng cái khó ở chỗ không có căn cứ pháp lý để xác định quy mô “tập trung” của cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm và quy mô nào của “nuôi trồng thủy sản” thì phải nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp. Đây là những loại hình phổ biến ở vùng nông thôn Việt Nam, chủ yếu là quy mô hộ gia đình, nông hộ; Tại một số địa phương các loại hình này còn được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhằm phát triển kinh tế nông thôn.
Đối với cơ sở “chế biến khoáng sản”: Nước thải ra từ hoạt động khai thác khoáng sản trên khai trường chủ yếu là nước moong và nước mưa chảy tràn trên bề mặt hoặc những loại hình như khai thác cát lòng sông, than bùn không sử dụng nước trong quá trình khai thác; Tuy nhiên, việc tính toán lưu lượng nước thải, giá trị các thông số ô nhiễm có trong nước moong, nước mưa chảy tràn không đảm bảo tính khoa học và tính khả thi khi triển khai thực tế nên hầu như việc thu phí bảo vệ môi trường không thực hiện được.
Bên cạnh đó, quy định “nước xả ra từ các nhà máy thủy điện, nước tuần hoàn trong các cơ sở sản xuất, chế biến mà không thải ra môi trường dưới bất kỳ hình thức nào (chất rắn, chất lỏng, chất khí)” và “nước mưa tự nhiên chảy tràn (trừ diện tích thuộc khu vực nhà máy hóa chất)” là đối tượng miễn phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.
Đối với nước tuần hoàn bị thất thoát trong quá trình hoạt động của cơ sở và nước mưa chảy tràn qua khu vực nhà máy sản xuất hóa chất, DN phải kê khai, đóng phí bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc tính toán số phí phải nộp là không khả thi do thiếu căn cứ thực tiễn để đo đạc, xác định lượng nước, giá trị thông số ô nhiễm có trong nước tuần hoàn bị thất thoát (ở dạng lỏng, khí và rắn) và nước mưa tự nhiên chảy tràn qua khu vực nhà máy hóa chất.
Sông Tô Lịch trong lòng Hà Nội bao năm qua bị ô nhiễm nặng do nguồn nước xả thải không được kiểm soát. |
Qua tìm hiểu đối với DN cung cấp nước sạch hay chính quyền địa phương, họ đều đang rất lúng túng không biết Nghị định 154 sẽ triển khai như thế nào? Vậy có cần ra thông tư hướng dẫn, cụ thể nội dung thông tư sẽ chú trọng tới những vấn đề gì?
Hiện nay, các tổ chức, cá nhân xả nước thải vào hệ thống thoát nước tập trung thì phải đóng phí dịch vụ thoát nước theo quy định tại Nghị định số 80/2014. Các tổ chức, cá nhân khác (trừ đối tượng được miễn phí), đóng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải theo quy định tại Nghị định số 154. Đối với các hộ gia đình sử dụng nước cấp từ hệ thống cấp nước tập trung thì việc đóng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải (hoặc đóng phí dịch vụ thoát nước) đều thông qua đơn vị cung cấp nước sạch. Các đối tượng chịu phí khác sẽ do Sở TN&MT (hoặc chủ sở hữu hệ thống thoát nước) tính toán, xác định và trực tiếp thu.
Việc kê khai, tính phí, phương thức thu phí dịch vụ thoát nước đều đã có quy định cụ thể tại Nghị định 80/2014 và Thông tư số 04/2015/TT-BXD. Việc kê khai, tính phí, phương thức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải thì được quy định cụ thể tại Nghị định 154.
Tuy nhiên, với các nội dung còn vướng mắc, bất cập như đã nêu ở trên thì Bộ Tài chính (với tư cách là cơ quan tham mưu cho Chính phủ trong việc xây dựng, trình ban hành nghị định này) cần chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan để có phương án giải quyết.
Cảm ơn bà!
Trường hợp thu phí đối với các cơ sở rửa ô tô, xe máy… về nguyên tắc hoàn toàn có thể xác định được lưu lượng nước thải (gần đúng) và hàm lượng các thông số ô nhiễm trong nước thải để xác định mức phí phải nộp thông qua việc đo đạc, kiểm tra trực tiếp. Tuy nhiên, thực tế việc xác định, đo kiểm tra lưu lượng, chất lượng nước thải của các cơ sở này gặp khá nhiều khó khăn vì nguồn nhân lực, vật lực và trang thiết bị của các cơ quan quản lý môi trường tại địa phương còn nhiều hạn chế, rất khó để đáp ứng kiểm soát được toàn bộ”. Bà Nguyễn Hoàng Ánh, Phó cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm (Bộ TN&MT) |
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận