Y tế

Từ 1/3, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức hạn chế mổ phiên ra sao?

28/02/2023, 19:44

Từ mai (1/3), BV Hữu nghị Việt Đức sẽ hạn chế mổ phiên, chỉ dành cho mổ cấp cứu, vì một số hóa chất tồn kho phục vụ xét nghiệm cấp cứu sắp hết.

Bệnh nhân thở phào vì đã được mổ

Ngày 28/2, ghi nhận tại BV Hữu nghị Việt Đức, các ca mổ phiên, mổ cấp cứu vẫn diễn ra bình thường.

Bà Nguyễn Thị Minh (Thạch Thất) có người nhà bị tai nạn lao động cấp cứu từ ngày thứ 6 tuần trước cho biết: “Em tôi do bất cẩn khi đứng máy nên xảy ra tai nạn khiến gãy 2 phần cẳng tay và cánh tay. Tuy nhiên, vết thương lớn ở cẳng tay bị toác da nên đã được phẫu thuật cấp cứu ngay. Còn hôm nay tiếp tục mổ phần gãy trên cánh tay”.

img

Một bệnh nhân chờ vào phòng điều trị tại BV Hữu nghị Việt Đức

Bà Minh cho biết thêm: “Hôm trước, tôi đọc báo nghe nói, các bệnh viện kêu thiếu thiết bị, có khả năng phải dừng hoạt động phẫu thuật mà gia đình tôi lo lắng quá. Giờ được mổ rồi, cũng yên tâm phần nào”.

Còn ông Trần Văn Tùng (Thanh Hóa) chia sẻ: “Anh trai tôi bị TNGT, đi xe máy tự ngã ở quê vào sáng hôm kia. Vết thương nặng quá, dập hết phần xương chân, đứt gân. Đưa vào cấp cứu tại BV ĐK tỉnh Thanh Hóa, nhưng ở đó bác sĩ nói không đủ vật tư y tế để thực hiện mổ xương ca nặng nên chuyển lên đây. Đến BV Hữu nghị Việt Đức là 5h sáng, xong các thủ tục 9h được đưa vào phòng phẫu thuật. May mà giờ mọi việc thuận lợi".

Tuy nhiên, ông Tùng vẫn băn khoăn "bác sĩ có nói người nhà tôi còn cần tiếp tục can thiệp nhiều lần nữa. Không biết đến khi đó liệu các bệnh viện đã ổn định vật tư y tế mổ cho người bệnh chưa, hay phải đợi thì khổ quá”.

Cạn vật tư y tế, hóa chất nên phải hạn chế mổ phiên

Chia sẻ tình hình của bệnh viện ở thời điểm này, GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức cho biết, hiện một số hóa chất tồn kho phục vụ xét nghiệm cấp cứu đã sắp hết và việc đấu thầu mua sắm gặp vướng mắc chưa thể thực hiện được.

“Tuy nhiên, nếu bệnh nhân vẫn đến thì bệnh viện vẫn tiếp nhận và sắp xếp để đủ hóa chất sẽ mổ. Sau khi bệnh viện công bố dừng mổ phiên thì lượng bệnh nhân đến không tăng. Hiện nay bệnh viện vẫn hoạt động bình thường.

Trường hợp bệnh viện công bố dừng mổ phiên nhưng bệnh nhân vẫn đến bác sĩ sẽ giải thích cho bệnh nhân về tình hình của bệnh viện, nếu bệnh nhân chấp nhận ở lại chờ thì bệnh viện sẽ thu xếp lịch mổ khi có hóa chất, vật tư y tế”, ông Giang cho biết.

Giám đốc bệnh viện cho hay, từ mai (1/3) sẽ hạn chế mổ phiên, chỉ dành cho mổ cấp cứu.

Theo ông Giang, Luật cho phép nếu trong trường hợp khẩn cấp có thể mua hóa chất, vật tư y tế để cứu người theo hình thức chỉ định thầu, còn mổ phiên thì không áp dụng hình thức đó được. Tại đây cũng không chấp nhận để người nhà bệnh nhân mua vật tư y tế, hóa chất từ ngoài vào mổ vì liên quan đến sự an toàn, tính mạng con người.

Do vậy, bệnh viện sẽ ưu tiên cho mổ cấp cứu. Bác sĩ lâm sàng sẽ đánh giá đúng tình trạng cấp cứu của người bệnh, để hồi sức, mổ cấp cứu theo quy định. Đồng thời, cân nhắc ra chỉ định xét nghiệm khi thật sự cần thiết hoặc trao đổi trực tiếp với lãnh đạo các khoa xét nghiệm trước khi ra chỉ định. Với trường hợp cấp cứu, yêu cầu hồ sơ bệnh án phải ghi đầy đủ tình trạng cấp cứu của người bệnh để ra chỉ định mổ cấp cứu.

Lý giải về việc thiếu hóa chất ảnh hưởng tới công tác điều trị, theo ông Giang, từ năm 2015, BV Hữu nghị Việt Đức hầu như không có tiền cung cấp từ ngân sách nhà nước cho các hoạt động chi không thường xuyên, mua máy móc nên số lượng máy móc xét nghiệm rất khó khăn (riêng máy móc xét nghiệm tại BV Việt Đức đã có giá từ 250 đến 300 tỷ đồng).

Về giải pháp, từ năm 2015, bệnh viện đấu thầu công khai để mua hóa chất xét nghiệm, sau đó các công ty sẽ đặt máy sử dụng hóa chất đó. Kèm theo đó, các công ty sẽ lo những vấn đề như là bảo hành, bảo trì các hệ thống phần mềm đi kèm cho máy hoạt động, kiểm định, kiểm chuẩn để đảm bảo máy hoạt động chính xác. Điều này là thông lệ trên toàn thế giới.

Tuy nhiên năm 2022, lại có công văn quy định việc sử dụng máy mượn, máy đặt như vậy không có trong quy định của văn bản quy phạm pháp luật nào và đề nghị dừng, đã gây ra tình trạng hết sức khó khăn. Sau đó Chính phủ có Nghị quyết 144 để tháo gỡ khó khăn này, nhưng Nghị quyết 144 chỉ có giá trị cho những hợp đồng đặt mua máy hóa chất và đặt máy trước ngày 5/11/2022. Chính vì vậy bây giờ bệnh viện không còn hóa chất để làm, dù cũng đặt ra nhiều phương án khác để xử lý tuy nhiên “bất khả thi” vì các quy định hiện hành.

Ông Giang thông tin thêm, dự kiến nếu thuận lợi trong việc mua sắm thiết bị, vật tư, hóa chất trong thời gian tới thì sớm nhất khoảng 1 tháng nữa, việc mổ phiên có thể trở lại thường quy.

Được biết, năm 2022, khoảng 80.000 ca phẫu thuật đã được thực hiện ở đây.

Khủng hoảng thiếu bao giờ được khắc phục?

Không riêng Việt Đức, tình trạng thiếu thiết bị, vật tư, hoá chất xảy ra tại nhiều bệnh viện lớn trên cả nước.

Như tại BV Chợ Rẫy, TP.HCM, được biết có tất cả 6 máy chụp CT scanner (cắt lớp vi tính) nhưng đến nay chỉ còn 1 máy hoạt động hết công suất. Bệnh viện buộc phải chỉ định chuyển bệnh nhân qua bệnh viện khác chụp CT. Giám đốc BV Chợ Rẫy cũng đã có báo cáo gửi Bộ Y tế về những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Nghị quyết 144 của Chính phủ về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Cụ thể, đối với sửa chữa, bảo trì, linh kiện thay thế trang thiết bị y tế, hiện chưa có quy định cụ thể, chưa được quản lý giá, chưa có quy định kê khai, công khai giá. Tình trạng này dẫn đến bệnh viện không xác định được giá gói thầu để mua sắm sửa chữa, trong khi việc vận hành trang thiết bị y tế luôn đòi hỏi phải mua sắm linh kiện thay thế sửa chữa, bảo trì.

Ngoài ra, một số quy định trong Nghị định 98 về quản lý trang thiết bị y tế như việc thu thập đầy đủ các báo giá cũng như tham khảo giá kê khai, công khai trên công thông tin gây khó cho bệnh viện. Bởi thực tế, hầu hết các trang thiết bị y tế kỹ thuật cao như máy chụp cắt lớp vi tính, máy chụp cộng hưởng từ (MRI), máy siêu âm doppler màu… đều không có đủ 3 báo giá theo quy định để thực hiện đấu thầu mua sắm mới, cũng như sửa chữa, bảo trì. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân.

Tương tự tại BV Bạch Mai, ông Đào Xuân Cơ, Giám đốc bệnh viện từng cho biết: “Chưa bao giờ, BV Bạch Mai rơi vào tình cảnh như bây giờ. Các thiết bị phục vụ cho công tác chẩn đoán, đặc biệt là thiết bị phục vụ chẩn đoán hình ảnh, các máy chụp chiếu, siêu âm thiếu trầm trọng. Bởi vì, trước những năm 2020, toàn bộ những thiết bị này phần lớn là máy liên doanh, liên kết. Đến khi các hợp đồng liên doanh, liên kết hết hạn và cùng với đó Thông tư về liên doanh, liên kết hiện tại bị bãi bỏ nên hiện nay không có một Thông tư, Nghị định nào hướng dẫn về việc này. Do vậy, chúng tôi không có cơ sở pháp lý để tái ký kết các hợp đồng”.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, một trong những khó khăn mà ngành Y tế đang phải đối mặt là tình trạng thiếu thuốc, vật tư trang thiết bị y tế ở một số cơ sở y tế trên toàn quốc chưa được khắc phục một cách triệt để. Bên cạnh đó, số lượng hồ sơ đăng ký cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc cũng như trang thiết bị còn tồn đọng lớn và chưa được giải quyết một cách triệt để. Hiện Bộ Y tế cũng đã có đề xuất với Quốc hội để có giải pháp giải quyết trước mắt cũng như định hướng lâu dài để giải quyết nội dung này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.