Trung tướng Trần Văn Vệ, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thông tin tại cuộc họp báo |
Đó là thông tin được Trung tướng Trần Văn Vệ, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) đưa ra tại buổi họp báo ngày 7/11 về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư. Ông Vệ cũng khẳng định không có chuyện bỏ sổ hộ khẩu, mà chỉ là bỏ phương thức quản lý hộ khẩu bằng sổ giấy để chuyển sang quản lý bằng công nghệ thông tin.
Ngày 14/11 triển khai toàn quốc
Theo Trung tướng Trần Văn Vệ, Bộ Công an đang xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Ngày 14/11, Bộ Công an sẽ triển khai trên toàn quốc và tập huấn cho công an cấp tỉnh, huyện, xã, phường, thị trấn và phát bảng kê xuống từng hộ đối chiếu với dữ liệu của mình, công an phường, xã xác thực và công an thị trấn ký vào. Sau đó nhập dữ liệu vào hệ thống, phấn đấu trong vòng 2-3 năm sẽ hoàn thành. Theo Trung tướng Vệ, để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cần trên 3.000 tỷ đồng. Bộ cũng đang huy động phải hàng vạn cán bộ tham gia.
"Hiện tại, công dân đi giao dịch phải mang theo rất nhiều loại giấy tờ như CMND, sổ hộ khẩu, bằng lái xe, thậm chí học sinh khi đi học phải có giấy khai sinh. Tuy nhiên, khi cơ sở dữ liệu quốc gia về cư dân được hoàn thành, công dân không cần mang theo sổ hộ khẩu, không phải công chứng các loại giấy tờ, mà chỉ mang theo căn cước công dân hoặc cung cấp mã số định danh cho cơ quan chức năng Nhà nước để thực hiện giao dịch hành chính". Trung tướng Trần Văn Vệ |
Ông Vệ cho hay, sau này khi xây dựng xong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ cấp cho mỗi người một mã số định danh. Người dân đến giao dịch ở bất cứ cơ quan hành chính nào chỉ cần vào máy tính tra mã số đó là có thông tin. “Thực chất đây vẫn là quản lý hộ khẩu, nhưng quản lý bằng công nghệ thông tin, chứ không phải bỏ sổ hộ khẩu. Chúng ta tiến tới bỏ sổ hộ khẩu bằng giấy, nhưng công an vẫn phải quản lý”, ông Vệ khẳng định.
Trung tướng Vệ cũng thông tin, tới ngày 1/1/2020 sẽ cấp căn cước công dân toàn quốc. Nhưng nếu người dân không sử dụng căn cước thì vẫn sử dụng chứng minh nhân dân (CMND), vì vậy không có chuyện bỏ CMND. Hiện nước ta đang có 3 loại giấy tờ chứng minh nhân thân bao gồm: CMND cũ (9 số), CMND mới (12 số) và căn cước công dân. Cả 3 loại giấy tờ trên đều có giá trị sử dụng như nhau.
Đến năm 2020 cấp căn cước công dân toàn quốc
Trả lời câu hỏi của các PV: “Đến thời điểm nào người dân đi đăng ký xe, xin học cho con, làm sổ đỏ, vay vốn ngân hàng... mới không cần mang sổ hộ khẩu? Hiện rất nhiều bộ, ngành quản lý bằng sổ hộ khẩu, Bộ Công an có kiến nghị gì để các ngành khác cũng bỏ việc đòi hỏi sổ hộ khẩu mới giải quyết thủ tục?”, Trung tướng Vệ cho biết, khi đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu quốc gia, các cơ quan Nhà nước dùng chung và không được gây phiền hà cho dân, điều này đã được ghi trong luật. Các bộ, ngành có giao dịch gì phải lấy thông tin trong cơ sỏ dữ liệu quốc gia đó. Đến năm 2020 sẽ cấp căn cước mới và sẽ có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì Bộ Công an sẽ đề xuất bỏ sổ hộ khẩu giấy.
Về lộ trình cụ thể, ông Vệ cho biết hiện trong 1.934 thủ tục hành chính, các bộ, ngành đã đề xuất đơn giản hóa 1.267 thủ tục. Trong số đó đề xuất bỏ 34 thủ tục, đơn giản hóa 28 thủ tục, sửa đổi 182 mẫu đơn, đơn giản hóa 122 mẫu.
Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh văn phòng Bộ Công an cho biết thêm, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ sửa Luật Cư trú và Luật sửa đổi bổ sung của Luật Cư trú, sửa đổi 7 nghị định, 5 thông tư liên tịch nhằm thực hiện Nghị quyết 112 của Chính phủ.
Người dân đỡ mất thời gian, cán bộ cũng nhàn hơn
Trao đổi thêm với Báo Giao thông bên lề cuộc họp báo, Thượng tá Trần Hồng Phú, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư, Tổng cục Cảnh sát khẳng định, từ nay đến năm 2020, tất cả các thủ tục hành chính có liên quan tới sổ hộ khẩu và CMND vẫn được tiến hành bình thường như cũ, bởi công tác quản lý nhà nước về cư trú, cấp căn cước là rất quan trọng. Nếu bảo bỏ thì không thể nào bỏ được khi ngay cả bản thân công dân và công tác quản lý của các cấp, các ngành đều cần. “Khi xây dựng xong cơ sở dữ liệu dân cư, các ngành làm xong cơ sở dữ liệu chuyên ngành của mình sẽ kết nối với nhau, khi đó bản thân cơ quan Nhà nước không cần, công dân cũng không cần quyển sổ hộ khẩu nữa thì sẽ bỏ thôi”, ông Phú nói.
Bảo mật thế nào? Về tính bảo mật khi hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được hoàn thành và đưa vào sử dụng, Thượng tá Trần Hồng Phú cho biết, hệ thống này bao gồm 15 trường thông tin cơ bản nhất của một con người, chuyên sử dụng trong tất cả các thủ tục hành chính. Khi khai thác thông tin trong hệ thống này phải được quy định cụ thể, ai được khai thác bao nhiêu trường thông tin, phục vụ mục đích gì. Đặc biệt, khi truy cập vào cơ sở dữ liệu quốc gia thì cơ quan khai thác phải đảm bảo bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bí mật đời tư của công dân, chỉ được phục vụ mục tiêu quản lý nhà nước và giải quyết thủ tục hành chính, không để lộ, lọt thông tin. |
Với những thủ tục liên quan đến sổ hộ khẩu được cho là đang làm phiền hà người dân, Thượng tá Phú cho biết Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành phải tự rà soát các thủ tục hành chính liên quan đến sổ hộ khẩu, hiện đã có hơn 10 bộ, ngành làm, nhưng vẫn phải chờ có cơ sở dữ liệu dân cư, chờ kết nối với cơ sở dữ liệu chuyên ngành mới bỏ được.
Đánh giá về mặt tác động khi có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Thượng tá Phú cho biết, trước đây công dân đi làm thủ tục hành chính rất mất thời gian, tốn kém, phải khai đi, khai lại nhiều lần. Tới đây, khi có tất cả thông tin trên hệ thống, người dân không cần kê khai, xuất trình, đi chứng thực các loại giấy tờ nữa. Cán bộ cũng nhàn hơn, giải quyết công việc nhanh hơn, giảm bớt lượng hồ sơ bằng giấy tờ phải lưu và bảo quản, việc truy tìm khai thác thông tin cũng rất nhanh, chỉ trong vài giây. Tất cả sẽ giúp đẩy nhanh việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
Về kinh phí, Thượng tá Phú thông tin thêm, nguồn kinh phí khoảng hơn 3.000 tỷ đồng sẽ được đầu tư vào rất nhiều hạng mục khác nhau như đầu tư hệ thống kỹ thuật từ T.Ư đến cấp tỉnh, huyện, tới hơn 11.000 xã, phường, thị trấn, đầu tư đường truyền cùng nhiều hệ thống phần mềm, quản trị. Bên cạnh đó, còn dành để đào tạo cho hệ thống nhân lực khổng lồ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận