Xã hội

Từ 23/4: TP.HCM chưa cho phép hàng quán nào hoạt động?

22/04/2020, 21:24

Sau 0h ngày 23/4, TP.HCM chưa cho phép hoạt động dịch vụ kinh doanh bao gồm: ăn uống, vận tải, làm đẹp, giải trí, mát-xa, thẩm mỹ viện...

img
TP.HCM đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho ngừng cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, chỉ thực hiện Chỉ thị 15 từ 0h ngày 23/4.

Chiều 22/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chấp thuận cho TP.HCM bắt đầu từ 0h ngày 23/4 sẽ chuyển từ nhóm nguy cơ cao xuống nhóm nguy cơ.

Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm, TP đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho ngừng cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, chỉ thực hiện Chỉ thị 15 từ 0h ngày 23/4, TP có các hướng dẫn để cho phép một số hoạt động kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu hoạt động trở lại.

Sau 0h ngày 23/4, TP.HCM chưa cho phép hoạt động dịch vụ kinh doanh bao gồm: ăn uống, vận tải, làm đẹp, giải trí, mát xa, thẩm mỹ viện, phòng GYM... cho đến khi có Chỉ thị mới của Thủ tướng Chính phủ và văn bản hướng dẫn thực hiện của UBND TP.HCM.

"Các dịch vụ cụ thể được hoạt động trở lại sẽ chính thức công bố vào ngày mai (23/4)", Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết.

Các Sở, ngành sẽ có hướng dẫn bộ chỉ số rủi ro lây nhiễm Covid-19 để người dân và doanh nghiệp áp dụng nếu đủ điều kiện mới được phép hoạt động.

Tối 22/4, Sở GTVT TP.HCM cũng có văn bản hỏa tốc về việc tạm ngưng các loại hình vận chuyển hành khách công cộng thay vì cho phép taxi, xe công nghệ được hoạt động từ ngày 23/4 như thông báo lúc đầu.

Theo đó, TP.HCM tiếp tục tạm ngưng vận chuyển hành khách theo tuyến cố định, xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng (bao gồm xe hợp đồng dưới 9 chỗ ứng dụng công nghệ), xe du lịch hoạt động trên địa bàn TP.HCM kể từ 00h ngày 23/4 đến khi có thông báo mới.

Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến của Chính phủ diễn ra chiều cùng ngày, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho hay dù đạt được những kết quả tích cực trong công tác phòng chống dịch, nhưng TP cũng đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về phát triển kinh tế.

Dự báo tác động mạnh nhất của dịch bệnh đối với kinh tế TP sẽ bắt đầu từ quý 2/2020. Vì vậy, theo ông Phong, để đảm bảo cho nền kinh tế phát triển ổn định và không bị đổ gãy trong điều kiện bình thường mới, TP đã chủ động xây dựng các cơ chế, chính sách để vực dậy nền kinh tế khi tình hình kiểm soát dịch bệnh có dấu hiệu tốt hơn để nới lỏng từng bước nhưng phải thận trọng, không chủ quan, coi thường dịch bệnh.

Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19, Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ đạo áp dụng biện pháp hạn chế tụ tập đông người:

- Dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong 1 phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm công cộng.

- Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng.

- Tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, trừ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định cơ sở kinh doanh, dịch vụ cần đóng cửa.

- Hạn chế việc di chuyển của người dân, nhất là từ các tỉnh, thành phố có dịch đến các địa phương khác. Bộ GTVT chỉ đạo hạn chế các chuyến bay và các hoạt động vận chuyển hành khách từ Hà Nội, TP.HCM đến các nơi khác trên toàn quốc. Tạm dừng hoặc tổ chức lại hoạt động giao thông công cộng để hạn chế đi lại, tập trung đông người trừ các phương tiện vận chuyển hàng hóa...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.