Hệ sinh thái nhiều công ty thành viên nghìn tỷ
Tiếp chúng tôi cùng thời điểm công ty đang làm việc với đối tác lớn Siemens, một ông lớn về công nghệ, để “dọn đường” cho kế hoạch xuất khẩu EU, CEO Hoàng Hữu Thắng tràn đầy niềm tin khi kể về sức mạnh có thể giúp INTECH Group “rẽ sóng trên đại dương rộng lớn”.
Ông Hoàng Hữu Thắng
INTECH là một trong những công ty lớn trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ thuộc VASI, dẫn đầu về xu hướng công nghệ.
Thường thì ngành công nghiệp hỗ trợ xuất khẩu ít, do không phải hàng tiêu dùng, chủ yếu cung cấp cho các công ty sản xuất lắp ráp, nên những công ty nào xuất khẩu được thì đã phải đáp ứng yêu cầu rất khắt khe từ phía đối tác. INTECH là một trong những đơn vị tiên phong xuất khẩu của Hiệp hội VASI.
Hiện quy mô doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn nhỏ, do đó, để hỗ trợ cho ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước, VASI cũng đang hỗ trợ tìm kiếm, liên hệ với các nhà sản xuất lớn trong nước, kể cả những công ty FDI thông qua các thương vụ hoặc hợp đồng hỗ trợ của đầu tư nước ngoài.
Ông Phạm Hải Phong, Chánh văn phòng Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI)
Hiện INTECH Group xuất khẩu đi các thị trường chính là Hồng Kông, Nhật Bản, Mexico. CEO Hoàng Hữu Thắng nhớ lại: “Khoảng 5 năm trước, chúng tôi nhận được đơn hàng xuất khẩu đầu tiên đi Hồng Kông với giá trị đơn hàng khoảng 2 tỷ đồng cho các sản phẩm là băng tải, băng chuyền. Nhờ đó, không lâu sau, chúng tôi có thêm các đơn hàng xuất khẩu đi Mexico. Đến năm 2020, INTECH đã là đối tác lớn của thị trường Nhật Bản khi đây là thị trường thường xuyên đặt mua số lượng lớn sản phẩm con lăn và băng tải”.
Với hệ sinh thái gồm 6 công ty thành viên, doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, hoạt động trong các lĩnh vực cơ khí chính xác, tự động hóa, công nghệ toàn cầu, CEO Hoàng Hữu Thắng khẳng định đủ tự tin để nâng thương hiệu Việt vươn xa.
Ông cũng không giấu giếm tham vọng kiến tạo nên tập đoàn giá trị, nơi làm việc hạnh phúc cho khoảng 400 nhân viên.
Niềm tin đó hẳn là không quá xa, đối tác Nhật Bản cũng dành những lời “có cánh” khi đánh giá về chất lượng của INTECH Group.
Theo đại diện Tập đoàn Tsubaki (Nhật Bản) – một đối tác chuyên nhập khẩu các sản phẩm cơ khí từ INTECH, để đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản thì sản phẩm của INTECH Group phải qua rất nhiều quy trình kiểm chứng.
Đầu tiên, khi INTECH Group chào hàng với Tsubaki, họ phải làm 2 mẫu sản phẩm giống nhau. Một mẫu được gửi đi Nhật Bản để test trên máy chuyên dụng của đối tác trong khoảng 6 tháng.
Sau khi có kết quả đạt chất lượng, phía INTECH Group tiếp tục làm mẫu lần 2 với số lượng lớn hơn để đối tác đưa vào mô hình thực tế, 3 tháng sau nữa thì họ có đánh giá.
Lần 3, đối tác sẽ đăt hàng với số lượng khiêm tốn. Nếu tỷ lệ lỗi thấp thì họ tăng số lượng dần lên. Sau đó mới đi đến ký kết đối tác chính thức.
Khởi nghiệp từ căn nhà trọ với “4 không”
CEO Hoàng Hữu Thắng bày tỏ, để đạt được thành quả ngày hôm nay, chặng đường của INTECH Group phải trải qua rất nhiều khó khăn. Bản thân ông cũng gặp vô số thất bại. “INTECH Group với vị thế lớn mạnh như ngày hôm nay, nhưng không mấy ai tưởng tượng được, nó được sinh ra trong một nhà trọ vào năm 2012”, ông Thắng kể.
Quy trình để xuất khẩu được sang một thị trường nước ngoài mất hàng năm trời nhưng INTECH Group đã thành công. Và một khi thị trường Nhật Bản chấp nhận được thì cơ hội xâm nhập thị trường quốc tế rất rộng mở đối với INTECH Group".
Đại diện Tập đoàn Tsubaki
Năm ấy do không có tiền thuê văn phòng nên ông thành lập công ty tại nhà trọ mà mình ở. Số vốn chỉ vỏn vẹn khoảng 8 triệu đồng, đủ để mua các vật dụng cần thiết như máy fax, máy in, điện thoại bàn.
Vì khởi nghiệp trong một lĩnh vực mới hoàn toàn với công việc ông đã làm trước đây, do vậy ông bắt đầu gần như từ con số không: “Không kinh nghiệm, không mối quan hệ, không tiền và không khách hàng”.
Lúc đó, không có tiền, ông tự bắt tay làm tất cả mọi việc, từ kinh doanh đến thiết kế, lắp rắp, đến những việc nhỏ nhặt nhất. Ông cũng chưa bao giờ mắt thấy, tay sờ những sản phẩm mình định làm, mà chỉ mơ ước sẽ theo đuổi công nghệ khi nhìn thấy các công ty toàn cầu làm ra được những sản phẩm rất “xịn”, trí tuệ cao.
Ông lên internet tìm hiểu, nghiên cứu, thậm chí phải mua sách về học lại những thao tác vẽ vốn đã bỏ quên từ lâu. Sau đó, ông cũng tự mày mò tìm kiếm khách hàng bằng hình thức rao vặt trên mạng.
“Thời điểm đó, INTECH là một trong số ít công ty tiếp cận khách hàng bằng hình thức marketing online và cũng nhờ đó có được đơn hàng đầu tiên. Giá trị đơn hàng chỉ 12 triệu đồng, nhưng tôi rất sung sướng”, CEO Hoàng Hữu Thắng rưng rưng khi kể về những bài học “xương máu” đầu tiên khi làm cùng em trai.
Khi đó, ông nhận đơn hàng qua một đối tác thương mại, còn người dùng là một người khác. Vì có sự sai lệch thông tin, nên sản phẩm sau khi giao không dùng được. Hàng bị giữ, còn em trai bị “dí súng bắn chim vào đầu” do đối tác nghĩ bị lừa. Dù sự việc được giải quyết, nhưng sau đó là những đêm dài mất ngủ.
Thế rồi, ông cũng kiên định với việc vận dụng làm marketing online để tiếp cận cách hàng, kể cả khách hàng rất nhỏ để nuôi vốn. Nhờ sự kiên trì, chỉ sau 3 tháng, công ty cũng có một số đơn hàng là băng chuyền. Do chưa đủ tiềm lực, công ty tiếp tục thực hiện bằng cách đặt gia công, sau đó lắp ráp.
6 tháng sau, công ty thuê được một nơi có diện tích lớn hơn, khoảng 100m2 và có thêm bộ phận kế toán. Dần dần, từ chỗ mặt bằng chỉ có vài trăm m2, đến năm 2015, công ty đã đã có được nhà xưởng hàng nghìn m2. Đến nay, INTECH Group có 2 nhà máy khang sang rộng hàng nghìn m2 và nhiều chi nhánh trên toàn quốc.
Bài học từ 4 lần thi trượt đại học
Hiện sản phẩm của INTECH Group xuất khẩu đi các thị trường chính là Hồng Kông, Nhật Bản, Mexico
Sinh ra trong một gia đình miền núi, ở Bắc Giang, từ nhỏ, Hoàng Hữu Thắng đã phải cùng mẹ mưu sinh đủ thứ nghề, thậm chí học lớp 8 đã phải hàng ngày đạp xe 20km đi bán rau.
“Học cấp 3 xong, tôi thi trượt đại học sư phạm và theo học tại trường cao đẳng công nghiệp theo nguyện vọng 2. Năm thứ 2, chọn thi trường Đại học Bách khoa, nhưng tiếp tục trượt. Lần thi thứ 3 vẫn trượt. Thi lần thứ tư vào Đại học Kinh tế Quốc dân, lại trượt. Lần này tôi bị sốc, quay trở lại học cao đẳng công nghiệp”, ông Thắng kể.
Dù sau này đi làm, ông phải trải qua nhiều vị trí nhân viên và sau đó mới là thành lập công ty chỉ với ý chí thoát nghèo, tuy nhiên, ông chia sẻ: “Những lần trượt đại học đó cho tôi những đánh giá sâu sắc nhất trong cuộc đời mà giới trẻ hiện này cần nhìn nhận lại”.
Theo ông, học là điều bắt buộc và chỉ có học mới có thành công. Tuy nhiên, con đường đại học không phải là duy nhất và quan trọng là học được gì ở một trường nào đó, chứ không nhất thiết phải học bằng được trường mình yêu thích.
Theo ông, khả năng học hỏi cần được thể hiện mọi lúc, mọi nơi và bất kỳ lúc nào rảnh rỗi, nhưng nó ở phạm vị rộng. Tuy nhiên, có giỏi, có tài, trong một bối cảnh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay chưa đủ, mà cần có sự kiên trì, chịu khó…
Chính khát vọng, tầm nhìn và tâm huyết đó đã giúp ông thu hút xây dựng được hệ sinh thái INTECH Group. Và đó cũng là lý do vị truyền trưởng này đổi slogan của INTECH Group thành “Kiến tạo tương lai” để nhắc nhở mỗi nhân viên luôn ý thức giữ được ngọn lửa của ý chí và tinh thần làm việc…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận