Cuộc đời HLV Nguyễn Văn Hùng có thể chia làm hai giai đoạn với sự đối nghịch đến khó tin, đó là trước và sau khi bén duyên với Pencak Silat. Từ một cậu bé ngỗ nghịch, một anh thợ điện, Nguyễn Văn Hùng đã bước lên đỉnh cao danh vọng cùng môn võ xuất xứ Indonesia.
Cả tuổi thơ, bố mẹ đều phải đi xin lỗi hàng xóm
Chúng tôi hẹn gặp HLV trưởng Đội tuyển quốc gia Pencak Silat Nguyễn Văn Hùng (SN1976) trong một ngày cuối năm, ở căng tin của Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia (Nhổn). Anh nói chỉ có khoảng 30 phút trò chuyện vì đội tuyển đang chạy nước rút cho Giải Vô địch thế giới. Tôi ngỏ ý mời anh ly cà phê nhưng anh từ chối và chỉ uống nước lọc. “Rất lâu rồi mình không uống cà phê, rượu bia. Theo nghiệp thể thao nếu không giữ gìn sức khỏe không thể duy trì”, anh bộc bạch.
Uống hớp nước, lau vội những giọt mồ hôi trên mặt, HLV Nguyễn Văn Hùng bắt đầu kể về cuộc đời mình. Sinh ra trong một làng quê nghèo thuộc xã Đông Minh, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa. Thuở nhỏ, Hùng nổi tiếng nghịch ngợm, coi trời bằng vung và lấy việc đánh nhau làm thú vui, cách thể hiện đẳng cấp. “Tôi hay tụ tập cùng đám bạn, chơi bời lêu lổng, hứng chí lên là đánh nhau giống phim chưởng. Lúc đấy nghĩ đơn giản lắm, cho rằng mình đánh thì người ta phải nể sợ mình”, anh Hùng chia sẻ.
Tôi chưa bao giờ cảm thấy sợ trước bất kỳ bài tập hay đối thủ nào. Cứ ra sân là tập hết mình, thi đấu hết mình. Có lẽ tôi phải cảm ơn những ngày tháng rong chơi tuổi trẻ, chúng giúp tôi lỳ lợm hơn, máu hơn. Với môn võ đối kháng như Pencak Silat không lỳ, không máu khó làm nên chuyện.
HLV Nguyễn Văn Hùng
Cũng theo vị HLV này, không biết bao nhiêu lần bố mẹ anh phải đi xin lỗi hàng xóm vì con trai đánh con nhà người ta sứt đầu mẻ trán. Cả thanh xuân, dường như anh dành phần lớn thời gian cho việc chơi nên kết quả học tập của chàng trai quê Đông Sơn cũng chẳng lấy gì làm khả quan. Chính vì thế, khi vừa học hết phổ thông, bố mẹ đã xin cho anh đi làm thợ điện với mong mỏi có nghề rồi sẽ đỡ phá.
Quả thật, kể từ thời điểm đi làm, kiếm tiền bằng mồ hôi của mình, Hùng đã biết quý trọng công sức lao động, thứ bố mẹ đã phải bỏ ra để nuôi dưỡng anh trưởng thành. Hùng ít tụ tập, chuyên tâm vào công việc còn bố mẹ anh tính vài năm sẽ kiếm cho anh một cô vợ ở quê, thế là xong. Nhưng cuộc đời chẳng ai nói trước được chữ ngờ, số phận Nguyễn Văn Hùng sớm thay đổi sang một trang hoàn toàn mới.
Năm 1995, HLV Trịnh Đình Tuấn về Đông Sơn tuyển quân vô tình phát hiện ra chàng trai cao to, vạm vỡ, đầy đủ tố chất theo nghiệp võ. Ông Tuấn tìm về nhà Nguyễn Văn Hùng thuyết phục bố mẹ anh cho con trai xuống thành phố tập luyện cùng lời hứa sẽ rèn cậu trai mới lớn nên người. Bố mẹ đồng ý, Hùng “khăn gói quả mướp” theo thầy nhưng anh không thể ngờ, lần rời nhà đó đã đưa anh tiến thẳng ra thế giới, trở thành một tượng đài của Pencak Silat Việt Nam.
Ban đầu, Nguyễn Văn Hùng tập Taekwondo nhưng thầy Tuấn nhận thấy học trò hợp với Pencak Silat nên đã chuyển anh sang tập môn võ xuất xứ Indonesia. Chỉ sau vài tháng, Hùng giành HCV toàn tỉnh và 2 năm sau là HCV vô địch toàn quốc. Nhờ vậy, Văn Hùng được triệu tập lên Đội tuyển Quốc gia, tiến bộ không ngừng, trở thành nỗi ám ảnh với mọi đối thủ trong và ngoài nước. Trong khoảng thời gian từ năm 1999 - 2007, Nguyễn Văn Hùng thâu tóm 4 HCV SEA Games, 3 HCV châu Á, 3 lần Vô địch thế giới và được ví như “độc cô cầu bại” ở hạng cân 85kg.
Vô đối là vậy nhưng HLV Nguyễn Văn Hùng cho biết mình rất nể võ sĩ người Malaysia tên Omar. “Tôi bắt đầu đụng Omar từ chung kết SEA Games 1999. Anh ấy thắng tôi liên tiếp 2 hiệp đầu nhưng sau đó tôi lội ngược dòng giành thắng lợi 3-2. Sau đó, hàng năm tôi và Omar đều gặp nhau vài lần và lần nào tôi cũng rất vất vả mới đánh bại được đối thủ này. Năm 2011, Omar chuyển lên hạng cân 90kg và dễ dàng vô địch các giải đấu tham dự. Đó là một võ sĩ bền bỉ, chuyên nghiệp”.
Một điểm khá đặc biệt, trước khi tập võ, Hùng thích đánh nhau, thích gây sự nhưng kể từ khi gắn bó với võ, anh lại chưa động tay động chân với ai bao giờ: “Môi trường kỷ luật khiến tâm tính mình được rèn luyện. Trước đây nghĩ đánh nhau thắng là oai nhưng học võ rồi thấy mình thắng họ cũng chẳng nghĩa lý gì dù mình dư sức quật ngã bất kỳ người nào”.
Làm thày mà không hiểu được trò thì vứt
Bước lên đỉnh cao khi thi đấu, Nguyễn Văn Hùng còn tỏ ra cực kỳ mát tay trong công tác huấn luyện. Học trò của anh từng giành HCV đủ các giải lớn nhỏ trong nước và quốc tế, bao gồm cả giải Vô địch thế giới. Mới nhất, hai võ sỹ Nguyễn Văn Trí và Trần Đình Nam xuất sắc giành HCV ASIAD 2018, góp công lớn giúp Đoàn Thể thao Việt Nam hoàn thành chỉ tiêu 4 HCV đề ra trước ngày lên đường.
“Khi còn là VĐV, tâm thế của mình khác, chuyển sang huấn luyện lại khác. VĐV chỉ lo tập luyện, tiết chế cảm xúc cá nhân còn HLV phải lo cho học trò, thấu hiểu học trò bên cạnh truyền dạy về chuyên môn. Làm thày mà không hiểu được học trò của mình thì vứt. Không riêng Pencak Silat, môn thể thao nào cũng vậy, người thày, người HLV phải nắm được điểm mạnh điểm yếu của các học trò, từ đó tìm ra phương pháp huấn luyện phù hợp, phát huy sở trường, hạn chế sở đoản”, HLV Nguyễn Văn Hùng bộc bạch.
Trong số hai học trò giành HCV ASIAD, nhà cầm quân quê Thanh Hóa đặc biệt tâm đắc với Nguyễn Văn Trí: “Trí không nhanh, thể lực cũng không phải thuộc loại tốt. Nhưng cậu ấy rất lỳ, tâm lý luôn thoải mái mỗi khi vào sân. Riêng điều này tôi thấy Trí là học trò giống tôi khi còn trẻ nhất”. Còn về Trần Đình Nam, HLV Nguyễn Văn Hùng tiết lộ, võ sĩ này đặc biệt có tố chất thể thao: “Nam học hỏi rất nhanh và biết vận dụng sáng tạo trong thi đấu. Với các VĐV khác tôi phải dạy 10 phần thì Nam chỉ cần dạy 4-5 phần cậu ấy đã làm rất tốt”.
Ra đường chẳng sợ ai nhưng về nhà lại sợ vợ
Bén duyên với Pencak Silat, giành được mọi vinh quang nhờ Pencak Silat nhưng ít ai ngờ HLV Nguyễn Văn Hùng còn lấy được vợ nhờ Pencak Silat. Anh kể, năm 2003, vợ anh - chị Linh xin vào làm kế toán tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia. Khi đó, anh là VĐV lên tập trung Đội tuyển Quốc gia. Vì công việc nên cũng có liên hệ, nói chuyện cùng nhau. Lâu dần, tình cảm nảy sinh từ khi nào không hay. Yêu nhau một thời gian, thấy hợp nên anh chị quyết định đi tới hôn nhân.
Kể từ đó tới nay, gia đình HLV Nguyễn Văn Hùng chưa bao giờ được an cư. Những lúc anh tập trung Đội tuyển Quốc gia, vợ chồng anh ra Hà Nội sinh sống, sau đó lại trở về Thanh Hóa. Cuộc sống cứ như vậy diễn ra, kể cả khi anh chị chào đón đứa con đầu lòng năm 2005. Cũng chính bởi cuộc sống nay Hà Nội, mai Thanh Hóa, đến giờ anh chị vẫn chưa sinh thêm con, dù cậu ấm đã học lớp 7. Ban đầu, vợ chồng anh Hùng phải thuê nhà để ở, sau nhờ tiết kiệm từ những khoản tiền thưởng khi thi đấu, gia đình anh đã sắm được căn hộ nhỏ ở Hà Đông.
“Cuộc đời VĐV, HLV là thế, quanh năm xa nhà. Vì thương chồng nên vợ tôi muốn theo sát tôi từng bước. Trừ những lúc tôi dẫn quân thi đấu ở nước ngoài, còn lại tôi ở đâu thì cô ấy ở đó, làm hậu phương để tôi yên tâm cống hiến cho thể thao Việt Nam. Cô ấy phải bỏ công việc tại trung tâm, chấp nhận làm thời vụ bên ngoài bởi chẳng công ty nào muốn ký hợp đồng dài hạn với một người mà cứ vài tháng lại xin nghỉ”, anh Hùng tâm sự.
Không chỉ phải “di cư” theo chồng, chị Linh còn một mình cáng đáng mọi công việc lớn nhỏ trong gia đình. Anh Hùng tếu táo đùa: “Ra đường chẳng sợ ai nhưng về nhà lại sợ vợ, vợ là trụ cột mà”. Cũng theo vị HLV có thân hình đồ sộ, chuyển chỗ ở ngoài ảnh hưởng tới công việc của chị Linh, con trai anh cũng vì vậy mà phải chuyển trường liên tục. Tuy nhiên, cháu vẫn học rất tốt, luôn đạt thành tích cao khiến anh rất tự hào.
“Tôi cũng có ý hướng cháu theo nghiệp thể thao. Nhưng cháu ham học và muốn đi lên bằng con đường học vấn nên tôi hoàn toàn ủng hộ. Chỉ mong sau này con có công việc ổn định, không vất vả như cái nghiệp của bố”, HLV Nguyễn Văn Hùng nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận