Làm những điều “chưa từng có”
Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam kể, ông lên đường làm nhiệm vụ ngoại giao với lời hứa sẽ nỗ lực quảng bá thành công vải thiều tại thị trường Nhật Bản.
Với sự quyết tâm, kết nối vững chắc của tất cả “mắt xích”, từ cuối năm 2019, Nhật Bản đã chính thức cấp phép cho Việt Nam xuất khẩu vải sang thị trường vô cùng khó tính. Và thời điểm quả vải tỏa sáng nhất chính là 2021, thời điểm dịch bệnh phức tạp nhất.
Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam
Nhật Bản nổi tiếng nghiêm ngặt trong từng quy trình, tiêu chuẩn kiểm dịch với hàng nông sản bởi họ lo nguy cơ lây lan dịch bệnh làm hại nông nghiệp địa phương, mất an toàn thực phẩm.
Tất cả những thông điệp đó đều được Đại sứ Nam cùng các chuyên gia truyền đạt kỹ càng với phía Việt Nam, yêu cầu tuân thủ đến cùng.
“Tôi trực tiếp cùng phối hợp với Bộ NN&PTNT để hướng dẫn quy chuẩn trồng trọt làm sao đáp ứng chuẩn nhất yêu cầu của người Nhật. Quả vải không chỉ phải đẹp, giữ được màu hồng tươi mà còn phải đảm bảo lượng đường vừa đủ, tránh lên men, đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm”, ông Nam kể.
Giải quyết xong công đoạn bảo quản là đến giải bài toán làm sao đưa được chuyên gia Nhật Bản sang Việt Nam giữa lúc dịch bệnh căng thẳng.
Trong bối cảnh Việt Nam áp dụng các quy định phòng dịch rất nghiêm, hầu như không có chuyến bay từ nước ngoài vào, còn ở Nhật Bản dịch rất phức tạp.
Đại sứ Nam đã phải xin phép rất nhiều cấp từ Thủ tướng Chính phủ, cho tới đại diện 4 Bộ liên quan để tìm cách tháo gỡ. Tiếp đó là khâu tìm phương tiện chở chuyên gia khi lúc đó chỉ có máy bay chở hàng quốc tế, không có máy bay chở khách.
“Tôi đã đề nghị phía hàng không Việt Nam hỗ trợ mở máy bay vận tải hàng để chở thêm khách. Hành động này sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề như xin thủ tục ở hai nước, chi phí tăng cao.
Sau rất nhiều công sức thuyết phục, đó là chuyến duy nhất mà một chiếc Boeing 787 chở độc nhất một chuyên gia”, Đại sứ Nam kể.
Đồng lòng, hiệp sức mới thành công
Vải thiều tươi Việt Nam nằm trên kệ siêu thị Nhật Bản (một hộp vải thiều 10 quả có giá gần 120.000 đồng). Ảnh: CTV
Chia sẻ tại một cuộc tọa đàm diễn ra cuối năm vừa qua, Đại sứ Nam nhiều lần nhắc tới sự chủ động, dám làm, dám quyết của lãnh đạo tỉnh Bắc Giang. Đơn cử là sự việc xử lý công văn với tốc độ “nhanh chưa từng có”.
Đại sứ Nam nhớ lại: “Khi tôi đang họp nhận được thông tin từ CHK quốc tế Nội Bài rằng không thể đón chuyên gia vì thiếu công văn về biện pháp phòng chống dịch từ phía Bắc Giang. Thông thường thủ tục này rất mất thời gian trong khi lúc này chuyên gia đã ở trên trời, máy bay đang trên đường tới nơi”.
“Tôi đã quyết định gọi điện cho đồng chí Bí thư tỉnh Bắc Giang để gỡ khó. Chỉ trong 30 phút, công văn của sứ quán và tỉnh Bắc Giang đều xong. Một tiếng sau phía cảng hàng không nhận được văn bản, hoàn thành thủ tục và tiếp nhận chuyên gia. Lúc đó tôi mới thở phào nhẹ nhõm!”, ông Nam kể.
Sau thời gian cách ly theo quy định, chuyên gia Nhật phải mặc đồ bảo hộ, trực tiếp đi kiểm tra tất cả các quy trình khử khuẩn, sâu bọ và phải ký vào từng văn bản kiểm định. Kết thúc quy trình phức tạp và đầy thử thách, Việt Nam đã xuất được lô vải đầu tiên.
Khi vải sang tới nơi, Đại sứ Nam cùng các chuyên gia, nhân viên Đại sứ quán trực tiếp đi kiểm tra từng quả, có quả mẫu mã kém phải ghi lại, báo về để địa phương truy xuất nguồn gốc, rút kinh nghiệm.
Dẫu khó khăn nhưng chỉ cần đáp ứng được tiêu chuẩn cao của Nhật Bản thì Việt Nam có thể tự tin xuất hàng đi nhiều thị trường khác. Thực tế, đã có rất nhiều thị trường như Australia, sau khi biết quả vải Việt Nam vào được Nhật Bản, đã nhập vải sang mà không cần quá nhiều quy trình kiểm tra nghiêm ngặt.
Qua câu chuyện vải thiều, Đại sứ Nam cho rằng, để xúc tiến đầu tư thương mại, xuất khẩu thành công, Bắc Giang đã phối hợp rất tốt với các Đại sứ quán, cơ quan ngoại giao. Địa phương đã không ngại khó để thực hiện những quy trình chăm sóc/bảo quản vải ngặt nghèo, không sợ sai khi đưa ra những quyết định đơn giản hóa thủ tục hành chính chưa từng có mà vẫn đảm bảo an toàn cao nhất.
Đó cũng chính là biểu hiện của chữ “đồng” trong lời căn dặn của Bác Hồ mà Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã nêu bật trong Hội nghị ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20: “Mọi việc thành công bởi chữ đồng”.
Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, “đối ngoại địa phương chỉ có thể phát huy tốt vai trò của mình khi có sự ủng hộ và đồng thuận của các cấp chính quyền, các ban, sở, ngành tại địa phương cũng như sự chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp và hỗ trợ của các cơ quan trung ương”.
Không chỉ Bắc Giang, trong năm qua, nhờ đối ngoại địa phương tốt, dù tình hình phức tạp vẫn có nhiều tỉnh như Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Phòng… đạt được nhiều thành tựu kinh tế vượt bậc. Điển hình như Quảng Ninh, trong 11 tháng năm 2021, tỉnh đã thu hút được 10 dự án FDI mới, điều chỉnh tăng vốn cho 4 lượt dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 1,15 tỷ USD (tăng 2,73 lần so với cùng kỳ năm 2020).
Với Vĩnh Phúc, năm 2021 là năm khó khăn do dịch Covid-19, nhưng tỉnh đã đạt thành tựu rất lớn khi thu hút được 1,1 tỷ USD.
Ngay trong chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính sang Nhật Bản, đoàn công tác tỉnh Vĩnh Phúc được tháp tùng đã tranh thủ tạo dựng những mối quan hệ kinh tế rất tốt, ký kết hợp tác với tỉnh Tochigi.
Hay với Bắc Ninh, tỉnh đã không ngừng tăng cường quan hệ hợp tác với các đối tác Singapore trên các lĩnh vực và tiềm năng như đầu tư vào hạ tầng khu công nghiệp, hợp tác thương mại, đào tạo. Tính đến hết tháng 11/2021, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Bắc Ninh - Singapore đạt hơn 1 tỷ USD.
Để phát triển cần biết mình, biết ta
Trong thời gian tới, khi dư địa phát triển, thu hút đầu tư, kết nối với nước ngoài còn rộng lớn, những tỉnh còn khó khăn, chưa đạt được kết quả cao vẫn có rất nhiều cơ hội để phát triển và vươn lên.
Để làm được vậy, ngoài những yếu tố kết nối, linh hoạt và quyết liệt kể trên, trước hết các địa phương cần phải hiểu “mình muốn gì và có gì”.
Ông Hong Sun, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM) – một đơn vị kết nối đầu tư giữa Việt Nam – Hàn Quốc, góp phần đưa kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 70 tỷ USD trong năm 2021 chỉ ra: Mỗi địa phương ở Việt Nam có một ưu điểm riêng, kể cả những tỉnh vùng sâu, vùng xa như Cao Bằng cũng có lợi thế về du lịch.
Vì vậy, ông kỳ vọng chính phủ trung ương sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để đẩy mạnh phát triển của từng địa phương theo đúng điểm mạnh.
Hay như chia sẻ của Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản cuối buổi toạ đàm: “Đừng thấy các tỉnh khác làm khu công nghiệp cũng chạy theo. Hãy nhìn lại để biết tỉnh mình có gì!”.
Riêng với các địa phương có lợi thế nông sản, Đại sứ Nam dành tặng 2 cụm từ “không tự ti – đừng tự mãn”. Không tự ti rằng nông sản mình không ngon nhưng không tự mãn khi đạt được kết quả ban đầu vì chỉ cần lơ là, sảy chân, bỏ lọt đôi ba con sâu là bao công sức gây dựng thị trường đổ sông, đổ biển!
Hiện nay, Việt Nam đã tham gia và ký kết 17 hiệp định thương mại tự do kết nối hơn 60 quốc gia, thiết lập quan hệ kinh tế với hơn 230 nền kinh tế, đang trên đà trở thành một trong những tâm điểm của mạng lưới các liên kết kinh tế, khẳng định sức hút của một nền kinh tế với độ mở cao và một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Ngoài ra, với tổng số vốn 16 tỷ USD, lần đầu tiên Việt Nam trở thành một trong 20 nước dẫn đầu thế giới về thu hút FDI.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận