Phố sách Hà Nội đã tạo ra một không gian văn hóa mang nhiều ý nghĩa - Ảnh: Trần Kháng |
Ngày nay, đi trên phố sách Hà Nội đẹp tựa “thiên đường” (tuyến phố 19/12, nối phố Hai Bà Trưng và Lý Thường Kiệt, dài khoảng 200m, nằm sát Tòa án Nhân dân TP Hà Nội), có lẽ không nhiều người biết rằng trước kia nơi đây là nền chợ 19/12 mà người dân quen gọi là chợ Âm phủ. Trước đó nữa, nơi đây là một ngôi mộ tập thể khổng lồ.
Suýt thành cao ốc, thay vì con đường
Theo lời kể của cụ Nguyễn Thị Nền (92 tuổi, trú tại khu tập thể 48A Lý Thường Kiệt), từ thời Pháp thuộc, nền chợ 19/12 nguyên là phố Simoni, lòng đường và vỉa hè rộng rãi, hai bên có hàng cây dã hương rợp bóng.
Ngày 19/12/1946, hàng nghìn chiến sĩ tự vệ và đồng bào Thủ đô đã anh dũng hy sinh và được đưa về đây chôn cất sơ sài. Từ năm 1954, khi quân ta vào tiếp quản Thủ đô, nơi đây được đặt tên là Mồ Liệt sĩ và nhân dân đã hy sinh trong Ngày toàn quốc kháng chiến, với ý nghĩa nhắc nhở những người còn sống về quá khứ hào hùng của dân tộc. Đến năm 1981, chính quyền thành phố đã cho khai quật và chuyển hài cốt lên nghĩa trang Bất Bạt (Sơn Tây), đường phố này được đặt tên là phố 19/12, có treo biển ở hai đầu phố Lý Thường Kiệt và Hai Bà Trưng.
"Phố sách không chỉ là điểm kinh doanh sách, mà quan trọng hơn là một tụ điểm văn hóa, diễn ra các hoạt động giao lưu, trao đổi của những người yêu sách. Việc xây dựng phố sách cũng xuất phát từ nhu cầu chính đáng của người dân Thủ đô, về một không gian văn hóa đọc, nơi độc giả không chỉ tìm thấy những cuốn sách cần thiết mà còn có dịp giao lưu, trao đổi với tác giả, giới làm sách." Ông Dương Phi Hùng |
Ông Nguyễn Vĩnh Hùng (con trai của cố luật sư nổi tiếng Nguyễn Thành Vĩnh), thường trú 48 Lý Thường Kiệt, Tổ trưởng Tổ dân phố số 1, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm kể lại: “Đến năm 1982, nhân dân vẫn đi lại bình thường trên đường phố này. Nhưng dần dần, những người bán rau quả ở các nơi kéo nhau về đây buôn bán. Đến năm 1985, nơi đây nghiễm nhiên trở thành một ngôi chợ đúng nghĩa, tấp nập người mua kẻ bán với tên gọi chợ 19/12, do chợ họp trên nghĩa địa cũ nên còn được gọi là chợ Âm phủ”.
Cho đến năm 2008, UBND TP Hà Nội quyết định thu hồi toàn bộ diện tích 3.054m2 đất tại chợ 19/12 và giao Công ty TNHH Thủ đô II để xây dựng trung tâm thương mại - dịch vụ bao gồm 2 toà cao ốc, 1 tòa 17 tầng (mặt phố Hai Bà Trưng), 1 tòa 7 tầng (mặt phố Lý Thường Kiệt).
Chỉ một thời gian ngắn sau đó, việc phá dỡ, giải phóng mặt bằng nền chợ 19/12 đã được Công ty TNHH Thủ đô II cơ bản hoàn tất. Theo phương án quy hoạch đã được Sở Kiến trúc - Quy hoạch Hà Nội chấp thuận, khi hoàn thành, tổ hợp công trình này sẽ gồm 2 khối nhà A và B với tổng diện tích sàn là 19.013m2. Khối nhà A cao 7 tầng, mang chức năng văn phòng. Khối nhà B cao 17 tầng, trong đó 5 tầng dưới là chợ - nhà hàng, từ tầng 6 trở lên là văn phòng. Ngoài ra, còn có 3 tầng hầm, mỗi tầng có diện tích khoảng 2.800m2. Tổng vốn đầu tư của tổ hợp công trình này là 272,3 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong quý III năm 2009 và thời hạn hoạt động là 50 năm.
Tuy nhiên, quyết định này đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của những hộ dân sống xung quanh khu vực chợ 19/12 cũng như nhiều nhà văn hóa, sử học lúc bấy giờ.
Trước sự phản ứng quyết liệt của người dân trong khu vực và dư luận, đầu năm 2009, UBND TP Hà Nội đã chính thức dừng dự án và hoàn trả lại con đường mang tên 19/12 như nguyện vọng của nhiều người. Đồng thời, để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, dự án được chuyển sang số 41 Hai Bà Trưng (ngay gần vị trí cũ của dự án), là trụ sở Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam, sau đó tổng công ty này chuyển đến khu Liên Cơ (phố Vân Hồ, quận Hai Bà Trưng). Trên mảnh đất 1.500m2 tại 41 Hai Bà Trưng, đến nay chủ đầu tư đã xây dựng khu thương mại 9 tầng, tầng dưới làm chợ 19/12.
Độc đáo tuyến phố sách giữa lòng Hà Nội
“Cuối tháng 8/2016, UBND thành phố đã phê duyệt đề án xây dựng phố sách cố định của Hà Nội tại phố 19/12. Đến nay có thể nói, nơi đây đã trở thành con đường đẹp nhất Hà Nội. Không chỉ phục vụ cho người dân Thủ đô, mà khách các tỉnh, khách nước ngoài về đây tham quan, chọn mua và đọc sách, chụp ảnh kỷ niệm ngày một đông. Người dân chúng tôi vẫn nói với nhau, đây như thể giấc mơ, bởi từ ngôi chợ nhếch nhác ngày nào, rồi suýt chút nữa đã bị xây trung tâm thương mại, con đường 19/12 đã trở thành một nơi đẹp như thiên đường!”, ông Hùng phấn khởi.
Những ngày đầu năm mới 2018, PV Báo Giao thông có mặt tại phố sách và ghi nhận, du khách trong và ngoài nước tới tham quan, mua sách rất đông. Em Hoàng Trung (SN 1999) học sinh trường THPT Chu Văn An, Hà Nội cho biết: “Từ khi có phố sách này em thường xuyên đến đây đọc sách để thư giãn. Không khí trong lành, yên tĩnh, các loại sách cũng đa dạng, là nơi thư giãn cho chúng em và tìm các loại sách bọn em cần…”.
Chị Nguyễn Thị Phúc, quản lý trường mầm non Hoa Bằng, quận Cầu Giấy cho biết: “Tháng nào nhà trường cũng tổ chức cho các con đi tham quan chơi quanh Hà Nội. Khi đưa các con đến phố sách tôi thấy cũng rất hay, tuy là đồ chơi cho các con không có nhiều nhưng được cái không gian nơi đây rất thoáng và rất đẹp các con chơi rất thích.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Dương Phi Hùng, người phụ trách ban điều hành phố sách thông tin, phố sách có 19 gian hàng, trong đó có 16 gian hàng sách, 1 quầy ki-ốt bán hoa tươi, 1 quầy cafe sách và 1 phòng điều hành của Ban quản lý. “Các sự kiện tổ chức giao lưu do Sở TT&TT quyết định, chúng tôi chỉ đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường với nguồn kinh phí xã hội hóa của nhà sách đóng góp”, ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, phố sách hoạt động từ 8h-22h tất cả các ngày trong tuần. Các vị trí vào phố sách đều do công ty vệ sĩ đảm nhận trông nom cũng như nhắc nhở phương tiện và người bán hàng rong không được vào phố sách. Còn khi xảy ra vấn đề gì đã có công an phường, công an quận và các lực lượng chức năng. “Phố sách khai trương đúng dịp 30/4, 1/5/2017, từ đó đến nay ở đây hoạt động tốt được nhiều người dân khen ngợi. Có thể nói, phố sách đã tạo ra một không gian văn hóa rất ý nghĩa cho người dân Thủ đô, nhất là giới trẻ. Hơn nữa phố sách còn góp phần nâng cao văn hóa đọc vốn bị ảnh hưởng bởi internet, mạng xã hội. Ở đây, khi nắng nóng có quạt hơi nước, mưa có mái che để yếu tố thời tiết không ảnh hưởng đến việc người dân tới tham quan…”, ông Hùng cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận