Kiểm tra tải trọng phương tiện trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai - Ảnh: Tiến Mạnh |
Bộ GTVT vừa ban hành thông tư hướng dẫn về quản lý, khai thác và bảo trì đường cao tốc với nhiều quy định nghiêm ngặt. Trong đó có quy định đáng chú ý là xe quá tải, quá khổ sẽ bị từ chối đi vào đường cao tốc.
Đóng đường khi có sự cố nghiêm trọng
Theo ông Vũ Anh Tuấn, Cục phó Cục Quản lý đường cao tốc (Tổng cục Đường bộ VN) - đơn vị trực tiếp soạn thảo Thông tư 90 hướng dẫn quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc vừa được Bộ GTVT ban hành, Thông tư lần này có nhiều điểm mới rất đáng chú ý như: Bộ GTVT là đơn vị duy nhất công bố tuyến đường được xây dựng có đủ điều kiện là đường cao tốc hay không; Công tác cứu hộ, cứu nạn trên cao tốc được quy định cụ thể, tối đa sau 30 phút các lực lượng cứu hộ, cứu nạn phải có mặt nếu không sẽ bị xử phạt…
Một nội dung đáng chú ý khác là quy định tạm dừng khai thác đường cao tốc trong những trường hợp đặc biệt. Đó là trường hợp xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng hoặc sự cố công trình làm đường cao tốc không thể sử dụng một chiều hoặc cả hai chiều của tuyến đường hoặc không thể thực hiện phương án tổ chức giao thông bình thường, ảnh hưởng đến ATGT.
Theo ông Tuấn, trong trường hợp này, đơn vị khai thác, bảo trì, nhà đầu tư phải thực hiện ngay phương án tổ chức giao thông đặc biệt, đồng thời báo cáo cơ quan quản lý đường cao tốc. Trường hợp tạm dừng khai thác đường cao tốc trên 24 giờ phải báo cáo với Bộ GTVT, UBND tỉnh, thành phố. Việc tạm đóng đường cũng được thực hiện khi có yêu cầu để phục vụ mục tiêu quốc phòng, an ninh.
Cấm xe quá tải, quá khổ đi vào cao tốc
Thông tư 90 cũng có những quy định khá rõ trong việc kiểm soát tải trọng trên các tuyến đường cao tốc. Theo đó, việc kiểm soát tải trọng xe trên đường cao tốc sẽ được thực hiện bằng các loại cân chuyên dùng. Việc kiểm tra khổ giới hạn xe trên đường sẽ được thực hiện tại các lối vào đường cao tốc. Kết quả kiểm tra sẽ là cơ sở để cung cấp cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định.
Xe vi phạm quy định về tải trọng, khổ giới hạn cầu, đường bắt buộc phải di chuyển ra ngoài phạm vi đường cao tốc để khắc phục vi phạm và bị xử lý theo quy định. Đặc biệt, đơn vị khai thác, bảo trì có quyền từ chối phục vụ xe quá tải, quá khổ đi vào đường cao tốc, đồng thời phối hợp với cơ quan có thẩm quyền để xử lý kịp thời.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Tường An, Giám đốc Trung tâm điều hành đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai cho biết, thực hiện được quy định này là rất hữu ích để bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, ngăn chặn xe quá tải tham gia giao thông. “Tuy nhiên, thực tế, việc yêu cầu lái xe quay lại, không được đi vào đường cao tốc nếu chở quá tải lại không dễ. Những nhân viên vận hành hiện nay chỉ như là những công nhân bình thường nên không có đủ quyền hạn để yêu cầu quay đầu xe. Để làm được việc này bắt buộc phải có sự phối hợp với lực lượng chức năng”, ông An nói.
Tuần đường phải có trình độ
Với đặc thù là khai thác tốc độ cao nên nếu xảy ra tai nạn trên đường cao tốc, hậu quả sẽ khôn lường. Vì thế, thông tư nói trên đặc biệt nhấn mạnh về trách nhiệm của lực lượng tuần đường. Các tiêu chí về trách nhiệm của lực lượng tuần đường tại thông tư này đều được nâng lên. Theo đó, nhân viên tuần đường trên các tuyến cao tốc phải có trình độ chuyên môn từ trung cấp nghề chuyên ngành cầu đường bộ, được đào tạo nghiệp vụ tuần đường trên đường cao tốc và phải có kỹ năng sơ cấp cứu TNGT…
Theo ông Vũ Anh Tuấn, đây là hai tiêu chuẩn lần đầu tiên được áp dụng đối với nhân viên tuần đường. Điều này có ý nghĩa hết sức nhân văn vì họ có thể sẽ giúp được người bị nạn bằng những kỹ năng sơ đẳng ban đầu. Những quy định này hoàn toàn có thể đáp ứng được do ngành GTVT đã có một hệ thống các trường trung cấp nghề và đề án sơ cấp cứu TNGT.
"Thông tư này là một hình thức quản lý hoàn toàn mới nên các đơn vị quản lý đường cao tốc cần chấp hành nghiêm ngặt các quy định, quy trình về bảo dưỡng, bảo trì, tuần đường. Để ngăn chặn được xe quá tải đi vào đường cao tốc, các đơn vị quản lý, khai thác cần phối hợp chặt chẽ với các lực lượng công vụ như: CSGT, TTGT. Hiện nay, tôi được biết, các đơn vị đều chủ yếu tuyển dụng con em người dân mất đất để làm đường vào đội ngũ tuần đường. Để đáp ứng yêu cầu của thông tư mới, các đơn vị cần bố trí đưa họ đi đào tạo thêm”. Ông Nguyễn Văn Huyện |
Tại thông tư này cũng quy định, nhân viên tuần đường phải có trách nhiệm phát hiện kịp thời tình trạng bất thường, sự cố của công trình đường cao tốc, ảnh hưởng đến ATGT, các vi phạm quy định về ATGT, vi phạm phương án tổ chức giao thông, các tai nạn, sự cố giao thông và báo cáo kịp thời. Đối với việc quản lý khai thác cũng có nội dung yêu cầu nhân viên tuần đường khi phát hiện TNGT, phải báo cáo ngay các thông tin ban đầu về đơn vị khai thác, bảo trì để thông báo đến các đơn vị liên quan. Tuần đường phải tổ chức sơ cấp cứu ban đầu và đề nghị vận chuyển người bị thương, bảo vệ hiện trường, tổ chức phân luồng giao thông khi lực lượng công an chưa có mặt tại hiện trường, bàn giao hiện trường và phối hợp hướng dẫn, điều hành giao thông và có trách nhiệm chung trong việc bảo vệ kết cấu hạ tầng cũng như hành lang của tuyến đường…
Cho biết khả năng đáp ứng những tiêu chuẩn về bằng cấp và kỹ năng cấp cứu TNGT của nhân viên tuần đường, ông Bùi Đình Tuấn, Giám đốc Công ty CP khai thác và quản lý đường cao tốc (VEC O&M) cho biết: “Công ty chúng tôi hiện có khoảng hơn 100 nhân viên tuần đường làm việc trên hai tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai (70 nhân viên) và Cầu Giẽ - Ninh Bình (36 nhân viên). Tuy nhiên, hiện chỉ có khoảng 15% số nhân viên có bằng trung cấp trở lên. Để đáp ứng các tiêu chí này theo tôi cần có lộ trình để các đơn vị như chúng tôi có sự sắp xếp, bổ sung hoặc đào tạo”.
Cũng theo ông Tuấn, hiện nay khi tuyển dụng nhân viên tuần đường, VEC O&M muốn lấy những người từng là công an nghĩa vụ hay bộ đội xuất ngũ vì đây là những người rất có ý thức hoặc khi xử lý một vấn đề gì đó cũng có kinh nghiệm, bản lĩnh và khả năng giao tiếp. Vì thế nếu quy định yêu cầu phải có bằng trung cấp, đơn vị vẫn sẽ sử dụng lực lượng này, nhưng để đáp ứng yêu cầu sẽ gửi đi đào tạo lại.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận