Chính trị

Từ đại thắng Mùa Xuân đến phát triển đất nước hôm nay

30/04/2022, 14:02

Đại thắng Mùa Xuân năm 1975 được ví như “thiên anh hùng ca ngàn năm sáng chói, lưu danh tới muôn đời”.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, có nhiều bài học đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị, trong đó có bài học về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

img

Ông Dương Trung Quốc

Đoàn kết là cội nguồn sức mạnh

Chiến dịch Mùa Xuân 1975 đại thắng là thành quả toàn diện của các nhân tố tạo nên sức mạnh vô địch của cách mạng Việt Nam. Theo ông, nhân tố nào có ý nghĩa quyết định nhất?

Cuộc kháng chiến cứu nước kết thúc bằng sự kiện 30/4 là kết quả của cả quá trình lâu dài. Khởi đầu là cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, điều đó là động lực mạnh mẽ.

Bởi, cả dân tộc ta khao khát độc lập tự do sau gần một thế kỷ bị đô hộ bởi thực dân Pháp. Và cương lĩnh của Mặt trận Việt Minh là phương thức để tập hợp lực lượng quần chúng nhân dân của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Khả năng tập hợp lực lượng quần chúng nhân dân của Mặt trận Việt Minh đã thể hiện ngay từ kháng chiến chống thực dân Pháp, mà diễn biến của Cách mạng tháng 8 năm 1945 thể hiện rõ nhất điều đó.

Tới cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khi đó đất nước bị chia cắt sau Hiệp định Giơ-ne-vơ. Lúc đó, mục tiêu của chúng ta rất rõ ràng: Độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Đây là nguyện vọng cháy bỏng của toàn dân ta, củng cố thêm sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc.

Theo ông, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đã được phát huy thế nào trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước?

Sức mạnh đại đoàn kết dân tộc đã biến thành hành động thực tiễn qua những phong trào thi đua sôi nổi khắp cả nước, diễn ra trong mọi hoàn cảnh ác liệt bởi chiến tranh.

Điển hình như các phong trào đơn vị vũ trang “Ba nhất”, thanh niên “Ba sẵn sàng”, phụ nữ “Ba đảm đang”, giáo viên và học sinh thi đua “Hai tốt”, thiếu niên nhi đồng “Làm nghìn việc tốt”, “Vì miền Nam ruột thịt, mỗi người làm việc bằng hai”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”... ở miền Bắc.

Các phong trào “Bám đất, giữ làng”, “Một tấc không đi, một ly không dời”, “Thi đua giết giặc lập công”, “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”... ở miền Nam.

Đó còn là tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Cùng với đó là sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng cộng sản Việt Nam, chúng ta đã làm hoàn thành mục tiêu thống nhất đất nước, non sông thu về một mối.

Điểm tựa làm nên chiến thắng

Là người nghiên cứu lịch sử, ông nhìn nhận thế nào về bài học đại đoàn kết dân tộc trong giai đoạn hiện nay?

Xây dựng, gìn giữ, phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc là việc làm mà chúng ta luôn luôn phải thực hiện.

Rất nhiều nước trên thế giới xảy ra việc tẩy chay vaccine Covid-19, thậm chí người dân biểu bình phản đối. Nhưng ở Việt Nam hoàn toàn không có chuyện đó. Nhà nước khẩn trương tìm nguồn vaccine, nhân dân trong nước một lòng ủng hộ việc tiêm chủng để sớm đẩy lùi bệnh dịch. Đó chính là biểu hiện của sức mạnh đại đoàn kết.
Kết quả, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ tiêm phủ vaccine cao và sớm nhất. Đây cũng là lý do mà số ca bệnh nặng và tử vong của nước ta thấp hơn nhiều so với các nước khác.

Ông Dương Trung Quốc


Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, sức mạnh của đoàn kết dân tộc là điểm tựa để chúng ta giành hết thắng lợi này đến chiến công khác. Quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, vai trò của đoàn kết dân tộc cũng không mất đi tầm quan trọng.

Trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà chúng ta đã và đang thực hiện thì vai trò của nhân dân là rất lớn. Chính nhân dân là “tai mắt” giúp cơ quan chức năng phát hiện ra nhiều vụ việc phức tạp.

Trong phát triển kinh tế - xã hội thì sức mạnh của toàn dân lại càng phải được phát huy hơn nữa. Để thực hiện khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, sự đoàn kết một lòng của nhân dân lại càng có ý nghĩa quan trọng.

Hơn 2 năm qua, đất nước ta phải gồng mình trong “cuộc chiến” chống dịch. Theo ông, tinh thần đại đoàn kết dân tộc giai đoạn này đã được thể hiện như thế nào?

Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Đảng, Nhà nước đã sớm kêu gọi nhân dân đoàn kết một lòng, tạo nên sức mạnh tập thể, cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh.

Nhờ sự huy động kịp thời, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, chung sức của nhân dân, việc thực hiện phòng, chống dịch bệnh đã diễn ra ở quy mô chưa có tiền lệ.

Đến nay, Việt Nam đã khống chế thành công các đợt dịch bùng phát trong cộng đồng, được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Cùng đó, với truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân đã tự nguyện vận động, ủng hộ; nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước, đồng bào ta ở nước ngoài đã tích cực tham gia ủng hộ phòng, chống dịch, tạo sự lan tỏa rất lớn.

Vượt thách thức, nắm thời cơ

img

Xe tăng của quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975

Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, cơ hội nhiều nhưng thách thức cũng không hề nhỏ. Theo ông, bài học từ đại thắng mùa Xuân năm 1975 cần được phát huy thế nào?

Chúng ta ngày càng tham gia sâu rộng vào đời sống chính trị - kinh tế thế giới, từ việc tham gia các tổ chức đến thực hiện các nghĩa vụ quốc tế. Rõ ràng vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng lên.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cũng có vô vàn những thách thức ngay trong chính khu vực và trên cả thế giới. Chính vì vậy, trong nước lại càng phải thể hiện sức mạnh đoàn kết.

Với chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong chiến lược ngoại giao và được sự ủng hộ của nhân dân, tôi tin chúng ta sẽ vượt qua được thách thức và nắm bắt được thời cơ để bứt phá.

Thế lực thù địch vẫn âm thầm hoặc công khai chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Đứng trước thực tế này, chúng ta cần phải làm gì, cảnh giác ra sao?

Trong lịch sử của dân tộc, chúng ta đã chứng kiến thủ đoạn thâm độc trong chính sách “chia để trị” của kẻ thù xâm lược.

Ngày nay, các thế lực thù địch tìm mọi cách chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc bằng những thủ đoạn, chiêu bài khác nhau, nhằm phá hoại ta từ bên trong.

Một trong những thủ đoạn đó là chúng thường kích động nhân dân, thổi phồng, khuếch đại các vấn đề “nhạy cảm” trong xã hội; lợi dụng một số yếu kém trong quản lý rồi thổi phồng, bịa đặt và xuyên tạc... với mục đích khiến người dân nghi ngờ về những thành quả của đất nước.

Để đấu tranh với mưu đồ đen tối đó, chúng ta cần có một hệ thống giải pháp đồng bộ, phù hợp; đề cao truyền thống đoàn kết, yêu nước; ngày càng đẩy mạnh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí.

Từ đó củng cố niềm tin vững chắc của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Đây cũng là “liều vaccine” hữu hiệu để phòng chống các luận điệu, âm mưu phá hoại đại đoàn kết dân tộc.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.