Doanh thu khoảng 1.200 tỷ đồng năm 2018, bà chủ Ba Huân được gọi là “Nữ hoàng hột vịt” hay “Vua trứng”. Ảnh: Hồng Lan |
“Trong khủng hoảng dịch cúm gia cầm hơn chục năm về trước, tôi đã đánh cược tất cả vốn liếng, cơ nghiệp để đầu tư công nghệ xử lý trứng hoàn toàn mới. Bởi vậy, tôi tin có thể tiếp tục đổi mới quản trị, điều hành, đưa Ba Huân vượt qua cái bóng của một công ty gia đình”, người đứng đầu Công ty CP Ba Huân chia sẻ sau ồn ào thương vụ hợp tác bất thành với Tập đoàn VinaCapital.
Từ gánh trứng chợ quê đến thị trường Mỹ
Cuộc trò chuyện của PV Báo Giao thông với bà Phạm Thị Huân (tên thường gọi là Ba Huân), Giám đốc Công ty CP Ba Huân bắt đầu lúc 12h trưa một ngày cuối năm. Trong khi tôi có phần ái ngại khi lấy đi thời gian nghỉ trưa của bà chủ, cậu nhân viên trấn an: “Công ty nghỉ nhưng cô vẫn làm việc. Hôm đi kiểm tra nhà máy, trang trại, bữa gặp gỡ bà con nông dân. Hôm vòng qua mấy siêu thị, hệ thống phân phối, khảo sát trong nước xong lại ra nước ngoài…”.
Bước vào phòng, bà Ba Huân cười xác nhận thường xuyên làm việc thông trưa. Bù lại, bà giữ thói quen đi ngủ sớm, từ 20h hàng ngày. 2h sáng bà thức giấc, lên kế hoạch những việc cần làm trong ngày. 4h bà ra khỏi nhà, đi bộ, tới 6h về ăn sáng, cà phê rồi làm việc tới tối.
Đôi khi tôi vẫn ngỡ mình như đang trong một giấc mơ khi từ một gánh trứng của mẹ đến chặng đường công nghiệp hóa sản phẩm nông nghiệp. Bởi vậy, tôi tin rằng có thể tiếp tục đổi mới hoạt động quản trị, điều hành, đưa Ba Huân chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn. Điều này không chỉ vì thương hiệu Ba Huân, mà vì hàng nghìn người nông dân đã đồng lòng, sát cánh với doanh nghiệp cả nửa thế kỷ qua. Bà Ba Huân |
Cơ ngơi của Ba Huân ngày hôm nay cũng đã được chắt chiu theo cách như thế, bền bỉ trong 51 năm qua, từ khi người đứng đầu doanh nghiệp còn là cô gái 16 tuổi được mẹ chính thức giao cho gánh trứng bên chợ quê Thanh Vĩnh Đông, Long An. Cũng như hàng triệu phụ nữ thôn quê, cô hàng trứng ấy từng thối móng chân vì lội đồng; bơi xuồng khắp kênh rạch miền Tây để mua chỗ này, bán chỗ kia... Đến nay, đã bước sang tuổi 65, nắm giữ 90% cổ phần một doanh nghiệp được định giá nhiều trăm triệu USD, song bà Ba Huân cũng giữ cái tần tảo, vun vén, đam mê con gà, quả trứng, như cô gái 16 tuổi bước chân vào con đường khởi nghiệp thuở ấy.
Bà phân trần phải xếp lịch với PV buổi trưa vì những ngày giáp Tết công việc lu bu quá. Bà vừa mới qua Mỹ tìm kiếm thị trường xuất khẩu trứng vịt muối, trứng bắc thảo, trứng chế biến. Bước đầu, Ba Huân đã đàm phán được với đối tác về giá cả, sản lượng.
“Vậy là bà đã tận dụng thành công cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung phải không?”, tôi hỏi. Bà Ba Huân cười: “Nghe vậy lớn chuyện ghê ha! Đối tác của Ba Huân đang có chuỗi phân phối, tập trung ở hai thành phố có đông bà con người Việt là Los Angeles và San Francisco. Bây giờ mình cũng chưa dám kỳ vọng cao, phải chờ có quota nhập khẩu mới nói hay được. Lo Tết truyền thống xong, ngoài thị trường Mỹ, tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, trong đó nhắm tới các nước châu Âu”, bà Ba Huân bộc bạch.
Ngay sau khi từ Mỹ trở về, sáng 27/12/2018, bà làm việc với lãnh đạo TP HCM và các doanh nghiệp về công tác bình ổn giá dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Theo kế hoạch, Ba Huân cùng một số doanh nghiệp như Satra, Co.opmart… sẽ chuẩn bị nguồn hàng tăng 20% so với năm ngoái, đảm bảo giá cả ổn định trước, trong và sau Tết.
Dây chuyền sản xuất trứng sạch. Ảnh: Hồng Lan |
Được và mất hậu “chia tay” VinaCapital
Với doanh thu khoảng 1.200 tỷ đồng năm 2018, trong khi giá mỗi quả trứng chỉ 3-4 ngàn đồng, có thể hiểu vì sao bà chủ Ba Huân được gọi là “Nữ hoàng hột vịt” hay “vua trứng”! Hiện mỗi ngày Ba Huân cung cấp ra thị trường khoảng 1,7 triệu quả trứng, tương ứng hơn 600 triệu quả/năm, chiếm 30% thị phần sản phẩm này.
Ông Phạm Thanh Hùng, em trai, người sát cánh cùng chị mình trong vai trò Phó giám đốc công ty cho biết, tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP HCM năm 1986, sau 3 năm làm ở một cơ quan Nhà nước, ông được bà Ba Huân kéo về phụ tá kinh doanh đến giờ.
Bốn anh chị em ruột còn lại của bà Ba Huân cũng tham gia quản lý công ty ở các mảng công việc như: phụ trách xây dựng, phụ trách chăn nuôi, sản xuất, phụ trách kinh doanh, trưởng ban kiểm soát.
Bên cạnh sự thuận lợi, mô hình công ty gia đình cũng mang lại một số rào cản, thách thức mà thương vụ hợp tác bất thành với VinaCapital là một ví dụ.
Còn nhớ, thời điểm giáp Tết Mậu Tuất, thị trường mua bán sáp nhập rộn ràng với sự kiện VinaCapital quyết định rót 32,5 triệu USD (khoảng 750 tỷ đồng) vào Ba Huân, để sở hữu 34% cổ phần. Tuy nhiên, đầu tháng 7/2018, thương vụ này làm dậy sóng truyền thông khi Ba Huân có đơn kêu cứu Thủ tướng, nhờ hỗ trợ để chấm dứt hợp tác.
Chia sẻ với Báo Giao thông, đại diện VinaCapital nhớ lại, hợp đồng hợp tác được hai bên ký trước Tết và toàn bộ số tiền 32,5 triệu USD đã được quỹ đầu tư này chuyển ngay trong ngày ký. Sau khi VinaCapital quyết định dừng đầu tư vào Ba Huân ngày 7/8, đến tháng 10/2018, Ba Huân đã chuyển trả xong khoản vốn này cho VinaCapital.
Không tiết lộ nội dung cụ thể bản hợp đồng giữa hai bên, song đại diện VinaCapital bác bỏ thông tin muốn chiếm quyền quản lý và điều hành toàn bộ công ty, chiếm đoạt thương hiệu Ba Huân như doanh nghiệp đề cập trong đơn kêu cứu trước đó. “Chúng tôi chỉ đặt ra một vài yêu cầu đơn giản, như hệ thống kế toán phải được chuẩn hóa, được kiểm toán trên tinh thần từng bước nâng cao tính minh bạch trong thông tin, số liệu, chuyên nghiệp trong quản lý, điều hành. Tuy nhiên, hai bên chưa tìm được tiếng nói chung nên phải dừng hợp tác”, vị đại diện này nói và chia sẻ thêm vấn đề thường gặp với các công ty gia đình trong quá trình VinaCapital tìm hiểu, đàm phán, hợp tác, đó là: Bên cạnh sự nhiệt huyết, toàn tâm toàn ý với sự nghiệp kinh doanh, họ cũng khá bảo thủ, tính sở hữu cao. Thay vì tư duy có thêm một đối tác, những người sở hữu công ty thường lo sợ bị giảm bớt quyền lực, bị giám sát… Thay đổi được tư duy đã khó, thay đổi cách thức làm việc còn khó hơn!
Nhìn lại thương vụ bất thành này, người đứng đầu Ba Huân chia sẻ, cũng chính vì nhìn nhận được những hạn chế của mô hình công ty gia đình, nên đã mong muốn có được những đối tác chuyên nghiệp như VinaCapital. “VinaCapital là một đối tác tốt. Nhưng những người trong gia đình, đôi khi không cảm hoá được sự thay đổi nên tôi thấy không được đồng thuận, tính toán không kỹ lắm nên xin VinaCapital rút ra để chuẩn hoá lại, tính toán để có bước chuẩn bị tốt hơn. Hai bên vẫn vui vẻ, đồng thuận”.
Cũng theo doanh nhân này, qua thương vụ bất thành này, công ty đã và đang khắc phục những hạn chế nói trên bằng việc hệ thống hóa lại quy trình, tách vai trò của các thành viên gia đình, thuê ban điều hành mới, mời các chuyên gia cao cấp cố vấn, đóng góp, minh bạch quản trị, có hệ thống kiểm soát chéo…
Bà Phạm Thị Huân sinh năm 1954 tại huyện Châu Thành, Long An trong gia đình 8 anh chị em. Từ năm 1970, bà bắt đầu tự mình đi buôn trứng từ các tỉnh miền Tây lên Sài Gòn. Năm 1982, bà lập vựa trứng ở TP HCM lấy tên Ba Huân. Năm 1985, vựa trứng Ba Huân được chuyển đổi thành cơ sở thu mua và phân phối trứng. Năm 2000 chuyển thành doanh nghiệp. Hiện nay, bình quân mỗi ngày công ty cung cấp cho thị trường 1,7 triệu quả trứng và 15.000 con gà thịt. Ngoài hai dây chuyền xử lý trứng với tổng công suất 185.000 quả trứng/giờ, Ba Huân đã đầu tư trang trại chăn nuôi gà công nghệ cao, nhà máy chế biến thực phẩm (thịt gà tươi, gà quay, gà viên, lạp xưởng, xúc xích gà, bánh flan…) tại Bình Dương, Long An và Hà Nội. Tất cả đã khép kín một chu trình từ trang trại đến bàn ăn đạt chuẩn của Công ty Ba Huân. Trải qua 51 năm gắn với con gà, quả trứng, góp phần giúp hàng nghìn người nông dân thay đổi cuộc sống, bà Ba Huân đã nhận được nhiều giải thưởng: Được Forbes Việt Nam bình chọn là 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam; Nhận giải thưởng “Nông dân điển hình quốc tế” do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc - FAO trao tặng. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận