Ẩm thực

Từ gói xôi lá chuối, 3 thế hệ tài hoa nâng tầm bánh tét lá cẩm trứ danh Cần Thơ

22/01/2024, 17:29

Phải ăn thử một lát bánh tét lá cẩm người ta mới hiểu được cái hồn cốt, sự sáng tạo trong ẩm thực của người dân miền Tây.

Đẳng cấp quà quê

Những ngày cận tết Giáp Thìn 2024, gia đình ba người của bà Đường Thị Xinh, ở phường An Thới, quận Bình Thuỷ, thành phố Cần Thơ đang tất bật với những mẻ bánh tét lá cẩm mỗi ngày.

Đây không chỉ là công việc mỗi dịp Tết đến mà lò bánh nhà bà Xinh đã đỏ lửa hơn nửa thế kỷ qua. Câu chuyện về đòn bánh tét lá cẩm trứ danh xứ Tây Đô không mới nhưng mỗi dịp Tết đến lại được kể một lần nữa.

Từ gói xôi lá chuối, 3 thế hệ tài hoa nâng tầm bánh tét lá cẩm trứ danh Cần Thơ- Ảnh 1.

Chị Vân (áo đỏ) rất tâm huyết với nghề gói bánh tét lá cẩm trứ danh của gia đình.

Bà Xinh kể, người con gái duy nhất của bà - Lê Đường Tuyết Vân, truyền nhân đời thứ ba gói bánh tét lá cẩm của gia đình hiện đang nối nghiệp và rất tâm huyết với nghề.

Trăm năm trước, bà ngoại của bà Xinh đã nức tiếng một vùng với tay nghề làm bánh dân gian. Trong đó đặc sắc là những đòn bánh tét thơm dẻo được dùng trong các dịp giỗ quảy, đám tiệc, Tết..

Đến thời của cụ Huỳnh Thị Trọng - mẹ bà Xinh thì tài hoa đó đã được nâng tầm và mang một đẳng cấp khác. Cụ Huỳnh Thị Trọng hiện đã không còn nhưng câu chuyện của cụ và đòn bánh tét lá cẩm luôn được người dân miền Tây ghi nhớ.

Hơn nửa thế kỷ trước, thừa hưởng được kỹ năng làm bánh, nấu xôi khéo léo từ mẹ và người chồng của mình, xôi lá cẩm cụ Trọng từng nức tiếng một thời ở chợ Bình Thuỷ.

Những gói xôi, chiếc bánh dân gian của cụ chiều được hết khẩu vị của những người khó tính. Món đặc trưng là xôi lá cẩm. Thứ xôi đơn giản được lấy màu tím rịm của lá cẩm, ăn kèm dừa nạo, muối lạc, đậu xanh khiến thực khách chỉ nhìn thấy đã thèm.

Từ gói xôi lá chuối, 3 thế hệ tài hoa nâng tầm bánh tét lá cẩm trứ danh Cần Thơ- Ảnh 2.

Màu tím rịm tư nhiên từ lá cẩm, vừa tạo màu sắc bắt mắt vừa đảm bảo sức khoẻ khi sử dụng.

"Mẹ tôi từng kể, trong những lần nấu xôi chợt nghĩ: Tại sao không thử dùng màu tím lá cẩm cho những đòn bánh tét?

Nghĩ là làm, mẹ tôi nấu lá cẩm, ngâm nếp tạo màu, bắt tay làm thử", bà Xinh kể về quá trình sáng tạo ra bánh tét lá cẩm trứ danh của mẹ mình.

Năm lần mười lượt thử nghiệm, cuối cùng cụ Trọng cũng thành công. Những đòn bánh tét không còn đơn thuần là nếp nhân đậu xanh, thịt mỡ nữa mà trở nên đầy màu sắc, đa dạng hương vị.

Bánh tét lá cẩm của cụ Trọng được xào nếp với nước cốt dừa, một ít gia vị cho chín 30%. Phần nhân vẫn có đậu xanh, thịt mỡ nhưng được thêm lòng đỏ trứng vịt muối tạo hương vị đặc trưng.

Từ gói xôi lá chuối, 3 thế hệ tài hoa nâng tầm bánh tét lá cẩm trứ danh Cần Thơ- Ảnh 3.

Ngoài lá cẩm, cụ Huỳnh Thị Trọng còn dùng trái gấc dùng tạo màu cam, lá dứa tạo màu xanh để gói bánh tét ba màu đẹp mắt.

"Cái khó nhất là nêm nếm cho vỏ bánh và nhân. Cái này là bí quyết gia truyền, không phải muốn là làm được. Bánh tét lá cẩm ăn rất khác biệt với bánh tét Trà Cuôn (Trà Vinh) hay bánh tét nước tro", bà Xinh lý giải.

Mười năm không tăng giá

Theo chị Tuyết Vân - truyền nhân đời thứ ba của bánh tét lá cẩm và đời thứ tư của nghề làm bánh dân gian của gia đình, thời điểm vàng để thưởng thức bánh là sau khi vớt khỏi nồi từ 5-7 giờ.

"Vỏ bánh lúc này sẽ nguội và dẻo vừa phải, thưởng thức ngon nhất. Mỗi lát bánh cắt ra phải đều, có đầy đủ các phần nhân như thịt, lòng đỏ trứng muối. Chúng tôi cũng làm bánh với các loại nhân khác như đậu ngọt, chuối", chị Vân chia sẻ.

Từ gói xôi lá chuối, 3 thế hệ tài hoa nâng tầm bánh tét lá cẩm trứ danh Cần Thơ- Ảnh 4.

Nhân thập cẩm với đậu xanh, trứng muối, thịt mỡ.

Không chỉ giữ được hương vị bánh nguyên thuỷ hơn nửa thế kỷ qua, mẹ con chị Vân cũng không thay đổi cách nấu bánh bằng củi dù hiện đã có nhiều cách khác như sử dụng nồi điện.

"Bếp điện sẽ tiết kiệm thời gian và không mất công canh lửa, nhưng ông bà mình đã nói rồi, nấu ăn không gì ngon bằng củi lửa. Những đòn bánh tét của gia đình tôi chỉ dùng cây nhà lá vườn", bà Xinh cho hay.

Thời điểm này, lò bánh gia đình chị Vân bình quân xuất bán từ 300-400 đòn bánh tét mỗi ngày và tăng dần cho đến Tết.

"Đưa Ông Táo xong là chúng tôi vào đợt cao điểm, xuất bán khoảng 1.000 đòn mỗi ngày. Lúc này, chúng tôi phải thuê thêm người phụ, cần khoảng chục người mới làm xuể", chị Vân cho biết.

Từ gói xôi lá chuối, 3 thế hệ tài hoa nâng tầm bánh tét lá cẩm trứ danh Cần Thơ- Ảnh 5.

Bà Đường Thị Xinh và con gái là những người đang giữ lửa cho lò bánh gia truyền.

Chị Vân cho biết, tuỳ vào từng loại nhân mà bánh có giá khác nhau, dao động từ 40.000 - 120.000 đồng/đòn. Cũng có trường hợp khách đặt, chị sẽ làm theo yêu cầu và có giá khác nhau.

Theo chị Vân, giá những đòn bánh tét này được gia đình giữ hơn mười năm qua không tăng, kể cả dịp Tết dù vật giá leo thang từng ngày.

Đó là lý do món bánh tét lá cẩm này được thực khách khắp nơi yêu thích, thậm chí một số khách du lịch nước ngoài cứ mãi vương vấn khi đã nếm thử.

Với sự kế thừa, cần mẫn hơn nửa thế kỷ qua cả ba thế hệ gia đình bà Xinh, chị Vân đã có hàng vạn đòn bánh tét ra lò phục vụ thực khách khắp mọi miền đất nước và vươn xa ra cả thế giới.

Món quà quê dân dã đã được nâng tầm, mang dấu ấn và hương vị đặc trưng của miền Tây sông nước.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.