Lạm dụng nước nhân trần có thể dẫn đến giảm chức năng gan, thậm chí gây teo gan, teo mật. Ảnh: Ngô Vinh |
Với quan điểm “phòng hơn chữa”, không ít gia đình sử dụng thảo dược có chức năng làm mát, thải độc gan… vô tội vạ mà không biết rằng đang tự hại chính mình.
Chết vì tin thảo dược “chữa” viêm gan, thải độc
Các bác sĩ BV Bệnh nhiệt đới T.Ư từng tiếp nhận không ít bệnh nhân nhập viện vì suy gan nặng do bỏ điều trị Tây y chuyển sang dùng thảo dược. Điển hình như trường hợp bệnh nhân B.V.Th. (Hải Phòng) bị viêm gan B đã điều trị ổn định, nhưng sau đó bệnh nhân bỏ điều trị chuyển sang uống thảo dược dẫn đến suy gan, suy thận.
Theo khuyến cáo của BS. Nguyễn Trung Cấp, BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, người dân không nên nghe theo những bài thuốc truyền miệng. Khi có bệnh, cần đi khám và điều trị theo đúng phác đồ, đúng thuốc, tránh tự ý bỏ điều trị, bệnh không khỏi mà còn nặng hơn, thậm chí là mất mạng. Những bệnh nhân bị viêm gan B và C mạn tính cần phải uống thuốc kháng virus đều đặn nhằm ức chế sự nhân lên của virus, hạn chế các biến chứng của bệnh.
Theo lương y Bùi Hồng Minh, Chủ tịch Hội Đông y quận Ba Đình, Hà Nội: Hiện, nhiều loại thảo dược được mọi người rỉ tai nhau có tác dụng chữa các bệnh viêm gan hoặc thải độc gan tốt. Đơn cử như cây chó đẻ răng cưa, nhiều người tin rằng cứ sau mỗi chầu bia, rượu, uống nước đun loại cây này là “gan lại chạy tốt”. Thậm chí, nhiều bà nội chợ còn cho rằng, uống nước cây chó đẻ sẽ giúp đào thải chất độc ra khỏi cơ thể.
Uống nước đủ, tăng cường vận động, bỏ thói quen uống bia, rượu và sử dụng chất béo… chính là cách thải độc gan tốt nhất”. Lương y Vũ Quốc Trung |
Tuy nhiên, theo lý giải của ông Minh, loại nước đun từ cây chó đẻ có thể hỗ trợ làm mát gan nhưng không đồng nghĩa nó hóa giải hết độc tố của rượu, bia. Đáng lưu ý, đối với người bình thường, không bị tổn thương về gan nếu lạm dụng, sẽ dẫn đến tác dụng “ngược”, ảnh hưởng đến chức năng cũng như khả năng miễn dịch của gan, thậm chí những trường hợp uống thuốc sắc từ cây chó đẻ sẽ bị phá hồng huyết cầu...
Gần đây, nhiều người còn truyền tai nhau công dụng thanh nhiệt, giải độc gan, chữa viêm gan của cà gai leo theo bài thuốc của người dân tộc. “Cần cẩn trọng trong việc tự ý mua và dùng cà dây leo bởi rất dễ nhầm lẫn với loại cây cà dại, cà rừng chứa nhiều chất độc, gây chết người. Nên chăng, người có nhu cầu sử dụng nên tìm mua loại thuốc được chế từ loại cây này đã được cấp phép sản xuất lưu hành. Người bệnh nên tìm đến cơ sở y tế để được chẩn đoán bệnh trước khi có quyết định điều trị”, lương y Vũ Quốc Trung, Phòng Chẩn trị y học cổ truyền tại đường Láng cho biết.
Uống nhân trần cẩn trọng teo gan, mật
Những ngày trời nóng bức, nhiều gia đình coi nhân trần là thức uống thông dụng với quan niệm “mát gan, thải độc gan”. Tuy nhiên, qua trao đổi với PV Báo Giao thông, lương y Bùi Hồng Minh cho biết, theo sách dược liệu Đông y, nhân trần có vị đắng, tính bình và có tác động vào hai kinh Can - Đảm (Gan và mật), chủ trị chữa vàng da, thích hợp dùng cho phụ nữ sau sinh nhằm chống hậu sản, sạch huyết, người có tiêu hóa kém. “Như vậy, nhân trần chỉ phù hợp với những bệnh nhân ở thể hàn tích (người béo, tiêu hóa kém), gan kém, không tiêu hóa tốt… Chống chỉ định với những người bình thường, gan không nóng. Việc lạm dụng nhân trần có thể dẫn đến giảm chức năng gan, thậm chí gây teo gan, teo mật”.
Ông Minh cho hay, việc uống nhân trần hàng ngày đối với người không có bệnh về gan có nghĩa là bắt gan và mật phải làm việc nhiều hơn nên dễ bị tổn thương, mất cân bằng và quá tải.
Cùng quan điểm, lương y Vũ Quốc Trung nhận định: “Trong Đông y có câu “không bất cập, không dư thừa” để khẳng định việc thừa hay thiếu bất kỳ chất gì đối vối cơ thể cũng đều không tốt, thậm chí có hại. Nếu không có bất thường về gan, mật thì tuyệt đối không nên tự tiện dùng nước nhân trần thay nước uống hàng ngày. Việc dùng nhân trần liên tục, kéo dài sẽ khiến tăng tiết mật, lâu dần sẽ làm hư hỏng mật”. Chưa kể, khi nấu nhân trần, các gia đình thường thêm cam thảo. Trong Đông y, cam thảo là chất dẫn thuốc, khiến cho thuốc phát huy tác dụng hơn và có tính chất giữ nước, trong khi nhân trần lại giúp đào thải. Hai vị thuốc trái ngược nhau được sử dụng chung sẽ không có lợi cho cơ thể.
“Với các dược liệu thảo dược đôi khi có lợi cho người này mà lại có hại cho người khác bởi mỗi cơ thể có nhu cầu khác nhau. Do vậy, người dân không thể tùy tiện sử dụng theo những lời rỉ tai”, ông Trung khuyến cáo.
Để dẫn chứng thêm, ông Trung cho biết, ngay với nhân sâm vốn được coi lại dược liệu cực quý có công dụng bồi bổ sức khỏe thần kỳ, tuy nhiên nếu dùng không đúng cách cũng gây chết người. Loại dược liệu này được chống chỉ định với người đang mắc tiêu chảy.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận