Giao thông

Tự hào 73 năm truyền thống của những người “đi trước mở đường”

26/08/2018, 07:08

Trải qua 73 năm xây dựng và phát triển, ngành GTVT Nghệ An đã cùng với cả nước có những bước tiến quan trọng...

39

Những tuyến đường giao thông được mở tới những bản làng xa xôi nhất đã góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH Nghệ An (Trong ảnh: QL16 kết nối các huyện phía Tây Nghệ An)

Truyền thống “đi trước mở đường”

Kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định thành lập Bộ Giao thông công chính (28/8/1945) đến nay, ngành GTVT Nghệ An cùng với ngành GTVT cả nước đã trải qua 73 năm xây dựng và phát triển, gắn liền với những thăng trầm của lịch sử. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, ngành GTVT Nghệ An đã xây dựng, bảo vệ nhiều cung đường, cầu, phà… phục vụ kịp thời việc vận chuyển quân, lương cho các chiến trường Bình - Trị - Thiên, Lào, Bắc Bộ, chiến dịch Điện Biên Phủ... Với tinh thần “xe chưa qua nhà không tiếc”, “sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, các cán bộ, kỹ sư công nhân của ngành đã làm nên những chiến công oanh liệt, làm nên địa danh đi vào lịch sử như: Truông Bồn, Phà Bến Thuỷ, Cầu Cấm, Cầu Bùng, Hoàng Mai, Kênh nhà Lê,…

Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, hòa bình lập lại trên cả nước, Nghệ An là một trong những tỉnh chịu nhiều tổn thất về cơ sở hạ tầng giao thông. Trong bối cảnh đó, tháng 12/1975, tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh được hợp nhất và việc hợp nhất hai Sở GTVT Nghệ An, Hà Tĩnh thành Sở GTVT Nghệ Tĩnh tạo thêm sức mạnh để ngành GTVT Nghệ Tĩnh khắc phục khó khăn, huy động mọi tiềm năng, sức mạnh cho công cuộc xây dựng và phát triển trong thời kỳ mới. Nhờ đó, trong giai đoạn 10 năm khôi phục hạ tầng giao thông sau chiến tranh, ngành đã tham mưu đầu tư xây dựng được 1.884km đường quốc lộ, hơn 3.000km đường tỉnh và đường giao thông nông thôn.

"Nhìn lại chặng đường 73 năm qua, mỗi cán bộ, kỹ sư, công nhân viên ngành GTVT Nghệ An đều có quyền tự hào đã góp phần quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Trong mỗi bước tiến của đất nước nói chung và quê hương Nghệ An nói riêng đều có sự đóng góp của những công trình giao thông, công sức, trí tuệ của đội ngũ những người lao động ngành."

Ông Nguyễn Hồng Kỳ
Giám đốc Sở GTVT Nghệ An

Năm 1991, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, tỉnh Nghệ Tĩnh chia tách thành 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Mặc dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn, song ngành GTVT Nghệ An đã luôn thể hiện vai trò là ngành kinh tế quan trọng, luôn tiên phong “mở đường” để thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển.

Những năm gần đây, ngành GTVT Nghệ An tiếp tục có những bước tiến mới, vững chắc, làm nền tảng, cơ sở cho phát triển KT-XH của tỉnh. Chỉ tính từ năm 2015 đến nay, đã tổ chức xây dựng, hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng nhiều công trình trọng điểm, quan trọng với tổng kinh phí thực hiện đạt khoảng 10.100 tỷ đồng, như: Nâng cấp, mở rộng một số đoạn trên QL15, QL46, QL48, QL48B, QL7B, đường nối đường N5 - Khu Kinh tế Đông Nam - Hòa Sơn (Đô Lương), cầu Yên Xuân, cầu Hiếu 2, cầu vượt đường sắt QL48E, D4... Hiện đang tiếp tục triển khai một số dự án quan trọng khác như: Đường giao thông nối Vinh - Cửa Lò, đường Mường Xén - Ta Đo - Khe Kiền…; chuẩn bị đầu tư các công trình đường ven biển Nghi Sơn - Cửa Lò, cầu Cửa Hội, đường bộ cao tốc Bắc - Nam.

Các công tác phát triển vận tải đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường biển ngày càng được nâng cao. Tốc độ phát triển phương tiện vận tải đường bộ Nghệ An thuộc hàng top đầu cả nước; Sân bay Vinh được nâng cấp, điều chỉnh Quy hoạch trở thành sân bay quốc tế; hệ thống nhà ga, cảng biển tiếp tục được xây mới, cải tiến, đáp ứng nhu cầu lưu thương ngày một lớn của khu vực. Riêng trong công tác cải cách hành chính và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý điều hành, Nghệ An được Bộ GTVT đánh giá là “điểm sáng” của ngành trong nhiều năm liền.

Người anh hùng trên chuyến phà cảm tử

Cũng đúng vào dịp kỷ niệm 73 ngày truyền thống ngành GTVT (28/8/2018), những cán bộ, CNVLĐ ngành lại càng vinh dự, tự hào khi chứng kiến một cán bộ kỳ cựu của ngành được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Người cán bộ đó là ông Nguyễn Đăng Chế - nguyên Trưởng phà Bến Thủy, kiêm Đại đội trưởng Đại đội tự vệ phà Bến Thủy - Ty GTVT Nghệ An.

Ngược dòng lịch sử về giữa tháng 11/1972, do không thể cắt đứt phà Bến Thủy trên sông Lam, đế quốc Mỹ đã quyết định thả hàng ngàn quả bom từ trường để cắt đứt con đường vận tải này. Lúc này, ông Chế đang là Trưởng phà Bến Thủy, kiêm Đại đội trưởng Đại đội Tự vệ phà Bến Thủy đã cùng đồng đội thử dùng nhiều cách như: Kích nổ bom từ xa, dùng ca nô buộc dây thép chạy lướt trên mặt nước để phá bom từ trường... nhưng đều thất bại. Phà Bến Thủy bị tắc 5 ngày. Đoàn xe, người chật kín các điểm tập kết. Trong khi đó, chiến trường miền Nam đang khốc liệt, nhu cầu chi viện từ miền Bắc vào càng trở nên cấp thiết.

Trước tình nguy cấp, Trưởng phà Nguyễn Đăng Chế không ngần ngại xung phong cùng đồng đội lái phà cảm tử đi qua vùng bom, với từ trường lớn của phà nếu còn bom chắc chắn sẽ phát nổ.

Sau lễ truy điệu sống vào chiều 23/11, ông Chế cùng 4 đồng đội lên phà vượt sông. Lúc canô kéo phà đi rà bom tới vòng thứ 3 thì bom phát nổ. Cả 5 người bị thổi tung lên không trung. Phà chìm, 5 người được đồng đội vớt đưa vào bờ. May mắn ông Chế và đồng đội chỉ bị thương nặng, chứ không ai làm sao. Nhờ chuyến phà “mở đường máu” ấy mà Bến Thủy không bị tắc nữa.

Ông Chế kể: “Sau lần đó, tôi phải nằm viện một thời gian dài, tới năm 1974 mới về lại đơn vị cũ”. Hòa bình lập lại, cầu Bến Thủy được xây dựng, đội phà Bến Thủy giải thể, ông lại về làm Phó giám đốc đơn vị xây dựng và quản lý đường bộ cho đến năm 2002 thì nghỉ hưu.

Tại thời điểm năm 1972, khi UBND tỉnh Nghệ An đề nghị làm hồ sơ trình Chính phủ phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND thì ông Chế từ chối. Ông cho rằng: “Những cống hiến của mình chưa bằng sự hi sinh của đồng đội”. Đến đầu năm 2018, sau khi xem xét lại hồ sơ, Chủ tịch nước CHXNCN Việt Nam đã ký quyết định truy phong danh hiệu Anh hùng LLVTND cho ông Nguyễn Đăng Chế.

“Đây là vinh dự lớn của ngành GTVT trong dịp kỷ niệm 73 năm ngày thành lập. Nhờ sự dũng cảm của ông chế và các cán bộ, chiến sĩ Đội phà Bến Thủy, con đường vận lương tải đạn ra tiền tuyến được thông suốt, góp phần vào chiến thắng của dân tộc. Anh hùng Nguyễn Đăng Chế xứng đáng là tấm gương sáng để cho các thế hệ cán bộ CNVLĐ ngành GTVT học tập, noi theo”, Giám đốc Sở GTVT Nghệ An Nguyễn Hồng Kỳ khẳng định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.