Xã hội

Từ Liêm lên quận, dân được lợi gì?

27/03/2014, 05:53

Ngày 28/3, huyện Từ Liêm (TP Hà Nội) sẽ ra mắt hai quận mới là Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm.

Trụ sở Bộ máy chính quyền mới của quận Bắc Từ Liêm đang được hoàn thiện những hạng mục cuối cùng (chụp chiều 26/3)
Trụ sở Bộ máy chính quyền mới của quận Bắc Từ Liêm đang được hoàn thiện những hạng mục cuối cùng (chụp chiều 26/3)


Ghi nhận của PV Báo Giao thông ngày 26/3 cho thấy, không khí bận rộn của hầu hết cán bộ, công chức huyện sắp tách thành quận: Vừa chuyển đồ đạc về trụ sở mới vừa thảo luận ai được lên chức và ai chuyển ngang.

Gia tăng số lượng cán bộ 


Sáng 26/3, Phó Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm, ông Nguyễn Kim Vinh cho biết, công tác chuẩn bị ra mắt hai quận mới đang được gấp rút hoàn tất. Cơ sở vật chất của 23 phường, nhất là các phường được thành lập mới đã hoàn thành và đảm bảo đủ điều kiện, trang thiết bị làm việc. Trụ sở quận Nam Từ Liêm sẽ sử dụng trụ sở cũ của huyện Từ Liêm, còn trụ sở quận Bắc Từ Liêm được tu sửa từ những ngôi nhà tái định cư tại Kiều Mai (xã Phú Diễn). 


Về công tác nhân sự phục vụ bộ máy chính quyền của hai quận mới, ông Vinh cho hay, sẽ có việc điều chuyển cán bộ và đây là chuyện không thể tránh khỏi. Thông tin thêm, ông Vinh biết, sau khi chia tách quận, số lượng cán bộ của hai quận mới có sự gia tăng về số lượng và sẽ được hưởng lương từ ngân sách của TP.


Danh sách lãnh đạo chủ chốt hai quận mới đã được TP phê duyệt. Về nhân sự cấp phòng, ban, ông Nguyễn Hữu Tuyên - Chánh Văn phòng UBND huyện Từ Liêm nói: "Chúng tôi mới chỉ nghe thông tin TP đã có quyết định về việc này, nhưng chưa nắm được danh sách cụ thể".

Nhiều ưu đãi và quyền lợi 


Ông Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho biết, huyện Từ Liêm sau khi được tách thành hai quận sẽ đem lại nhiều ưu đãi và quyền lợi cho cả chính quyền và người dân. Đầu tiên, đó là được hưởng các cơ chế chính sách của một quận nội thành, nhất là việc được gia tăng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các chính sách an sinh xã hội. Tốc độ phát triển kinh tế của hai quận này sẽ nhanh và mạnh hơn, bởi hai quận này nằm trong vùng phát triển đô thị, vùng mở rộng của khu vực nội đô. "Trước kia là ngoại thành thì tất cả mọi thứ là huyện quyết định, còn khi đã là nội thành, quận chỉ có quyền quyết định các vấn đề được phân cấp theo thẩm quyền, còn phường sẽ có quyền trong những quyết định riêng của mình", ông Nghiêm nói. 


Có kinh nghiệm tham gia "nâng cấp" hai quận mới gần đây là Hoàng Mai và Long Biên, ông Nghiêm cảnh báo, bộ máy chính quyền và người dân của hai quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Đó là, khi trở thành quận, những chi phí để đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người dân sẽ tăng cao so với trước đây. "Đặc biệt là đối với người dân khi chi phí về các loại dịch vụ, giá điện, nước, vệ sinh môi trường... tăng cao so với trước đây gấp nhiều lần", ông Nghiêm nói. Cơ cấu chính quyền của quận khác xa so với huyện, vì thế, theo ông Nghiêm, lãnh đạo, cán bộ của quận mới thành lập cần có trình độ phù hợp với mô hình quản lý mới.
 

"Theo lộ trình bắt đầu từ ngày 1/4 tới, bộ phận một cửa tiếp dân của hai quận mới sẽ đi vào hoạt động, đồng thời tất cả chính quyền 23 phường trong quận cũng sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho người dân trong việc làm các thủ tục hành chính".

 

Ông Nguyễn Kim Vinh 
Phó Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm

 

"Tôi phải đi làm thủ tục cấp sổ đỏ cho mảnh đất của gia đình gấp vì sắp tới lên quận, biết đâu lệ phí mà tăng thì gia đình tôi mất thêm vài chục triệu như chơi".

 

Chị Nguyễn Thị Xuyên - trú tại xã Phúc Diễn 

 

Đình Quang - Văn Huế
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.