Vụ nguyên Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP Đà Nẵng có hành động được cho là sàm sỡ bé gái 7 tuổi trong thang máy chung cư Galaxy ở TP HCM đang bị dư luận lên án mạnh mẽ thì bất ngờ ông này nói mình chỉ “nựng” cháu bé khiến mọi người lại càng bức xúc.
Không ít người lo lắng vụ việc có thể bị… chìm xuồng.
Sự lo lắng đó là có lý nếu chúng ta nhìn lại vài vụ việc.
Cách đây chưa lâu, một thầy giáo chủ nhiệm lớp 5 trường Tiểu học Tiên Sơn (Việt Yên, Bắc Giang) bị tố có hành vi dâm ô 13 học sinh nữ. Ban giám hiệu trường này đã tổ chức một buổi họp nhằm giải quyết sự việc.
Trong buổi họp này, theo tường thuật của báo chí, phía lãnh đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Việt Yên cho rằng, sự việc không nghiêm trọng bởi thầy giáo sau khi uống rượu chỉ có hành vi “cấu véo nữ sinh, chưa có hành động dâm ô”.
Ông Nguyễn Văn Bắc, Hiệu trưởng cũng nói: “Phản ánh là có nhưng hành động chỉ là véo mũi, xoa đầu, xoa gáy, vỗ mông... Chắc do thầy yêu quý học sinh quá”.
Sau đó, Chủ tịch UBND huyện Việt Yên quyết định điều động ông giáo sang một trường khác làm nhân viên hành chính.
Một vụ khác, thầy giáo Nguyễn Đình L., giáo viên Trường tiểu học An Thượng A (Hoài Đức, Hà Nội) bị phụ huynh tố có hành vi dâm ô 9 học sinh nữ.
Trao đổi với báo chí, TS. Dương Thanh Biểu, nguyên Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cho rằng: “Do thiếu chứng cứ pháp y nên việc xử lý một số vụ xâm hại tình dục trẻ em gần như rơi vào ngõ cụt. Pháp luật hiện hành hầu như chỉ chú trọng chế tài đối với hình thức xâm hại nghiêm trọng như hiếp dâm, cưỡng dâm với các hình thức nhẹ hơn thì hầu như chưa có quy định điều chỉnh”.
Bà Nguyễn Thị Lụa, Chánh án TAND tỉnh Lai Châu cho biết: “Suốt 15 năm qua, ngành tố tụng của tỉnh mới xét xử và tuyên phạt được 1 người dâm ô trẻ em. Cơ quan tố tụng phải căn cứ vào những chứng cứ thu giữ tại hiện trường để chứng minh hành vi phạm tội chứ không thể vì áp lực dư luận mà vội vã xử lý”.
Thật đáng lo ngại.
Nhiều người công tác trong ngành luật pháp đã phân tích, so sánh với cả các nước khác có lẽ không cần nhắc lại. Nhưng ý kiến của ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Chăm sóc bảo vệ trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) thì đặc biệt đáng quan tâm. Ông Nam cho rằng, việc dâm ô trẻ em không thể đòi hỏi thu thập các chứng cứ giám định về mặt y tế vì không phải vụ án hiếp dâm. Những vụ thế này chỉ có thể căn cứ vào nhân chứng và cơ quan điều tra phải có các biện pháp hữu hiệu.
Ở đây đặt ra hai vấn đề:
Một là, xác định tính nghiêm trọng của việc dâm ô. Như ông Nam đánh giá: “Những vụ án về xâm hại tình dục, dâm ô trẻ em như thế này phải được xem là đặc biệt nghiêm trọng, vụ án nóng cần ưu tiên xử lý ngay. Nếu cứ đi theo quy trình tố tụng bình thường thì rất khó, không xử lý nhanh càng gây tổn thương cho trẻ nhiều hơn”.
Hai là, nếu thấy bất cập trong luật thì cần bổ sung, sửa đổi ngay, phải có các hướng dẫn cụ thể có tính quy phạm.
Luật sinh ra để bảo vệ con người, đã là luật thì phải chặt chẽ. Không thể có khoảng cách rộng đến mức một hành vi “dâm ô” có thể hiểu như việc “nựng” một đứa bé.
Chuyện dọc đường
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận