Từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128, chuyển từ "Zero Covid" sang thích ứng an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19, có thể nói việc này đã mở ra bước ngoặt, đưa các hoạt động kinh tế - xã hội dần trở lại trạng thái bình thường.
Đến nay, có thể thấy cách tiếp cận và tư duy phòng chống dịch đã thay đổi so với trước rất nhiều.
Đã không còn hình ảnh “ngăn sông cấm chợ”, người dân bị “hành” bởi những thủ tục như giấy đi đường, phải có xét nghiệm âm tính mới được vào địa phương nào đó…
Nhân viên y tế Cần Thơ kiểm tra sức khỏe cho các trường hợp cách ly tại nhà. Ảnh: Gia Khánh
Hiện nay, so với thời điểm đỉnh dịch, mỗi ngày toàn vùng ĐBSCL vẫn có 15.000-16.000 F0. Con số không hề nhỏ chút nào, nhưng cuộc sống vẫn diễn ra bình thường, và các hoạt động kinh tế gặp ít trở ngại hơn trước rất nhiều.
Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta coi thường, hoặc chủ quan với dịch bệnh. Mà đó là sự chuyển đổi về tư duy cũng như cách tiếp cận, đối mặt và vượt qua dịch bệnh.
Ngay cả cách nhìn nhận đối với các F0 cũng cho thấy rõ điều đó. Trước đây, không phải là F0 mà chỉ cần là F1, F2 thì cũng đương nhiên phải cách ly tập trung. Nhưng giờ mọi chuyện đã khác, phần lớn F0 được cách ly, điều trị tại nhà.
Từ đầu tháng 10/2021, sau khi Chính phủ ban hành quy định về thích ứng an toàn và Bộ Y tế có hướng dẫn chuyên môn, các địa phương đã đánh giá cấp độ nguy cơ dịch bệnh dựa trên ba tiêu chí: Số ca nhiễm cộng đồng mỗi tuần; độ bao phủ vaccine; năng lực y tế.
Từ đó đến nay, hướng dẫn của Bộ Y tế đã được các địa phương triển khai thực hiện và đem lại những kết quả nhất định. Tuy nhiên, từ tháng 10/2021 tới nay, thời gian cũng đã khá dài và thực tế cũng đã nảy sinh một số bất cập. Vì thế, việc sửa đổi hướng dẫn, đánh giá cấp độ dịch để phù hợp với tình hình mới như yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là hết sức cần thiết.
Diễn biến dịch bệnh đã khác, tình hình thực tế đã khác, đòi hỏi phải có những tiêu chí đánh giá khác.
Tất cả nhằm mục tiêu đưa cuộc sống của người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh, giao thương… trở lại bình thường với điều kiện đảm bảo an toàn.
Chẳng hạn, khi đã xác định sống chung với dịch (có nghĩa là chấp nhận ca nhiễm trong cộng đồng) thì tiêu chí đánh giá số ca nhiễm mới trên 100.000 dân một tuần liệu có còn quan trọng nữa hay không?
Bởi xu hướng hiện nay là tập trung dựa vào tỷ lệ bệnh nhân nặng, nhập viện, tử vong và tình hình đáp ứng thu dung, điều trị của các địa phương để đánh giá tình hình dịch bệnh.
Nếu vậy thì có lẽ nên tập trung vào tiêu chí ca nặng, ca tử vong để đánh giá cấp độ dịch sẽ khoa học hơn.
Việc đánh giá cấp độ dịch rất quan trọng, bởi căn cứ vào các tiêu chí, các địa phương sẽ tự đánh giá, tự đề ra các biện pháp phòng chống dịch. Nếu như có địa phương nào quá thận trọng, điều đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cả chuỗi cung ứng.
Với hoạt động kinh tế mở như hiện nay thì chỉ cần một địa phương đóng cửa, nhiều địa phương khác sẽ ảnh hưởng.
Như vậy thì rất khó để cuộc sống thật sự trở lại bình thường. Thế thì khi nào du lịch mới khởi sắc? Bao giờ nhà đầu tư mới yên tâm tới làm ăn?....
Việt Nam là một trong 6 quốc gia có tỉ lệ bao phủ vaccine cao nhất thế giới và chiến dịch tiêm chủng vẫn đang diễn ra.
Đến nay, hành vi giao tiếp, ý thức của phần lớn người dân đã khác trước rất nhiều, không còn thờ ơ, chủ quan một cách đáng lo ngại nữa.
Đây là những cơ sở để chúng ta có thể tự tin, bớt dè dặt, e ngại.
TS. Trần Hữu Hiệp
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận