Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết đã xây dựng công cụ tính tiền điện trên website của EVN tại đường link https://www.evn.com.vn/c3/calc/Cong-cu-tinh-hoa-don-tien-dien-9-172.aspx để khách hàng có thể tự tính toán, kiểm tra và so sánh với hoá đơn của mình.
Khi có thắc mắc, người dân có thể gọi tới các đường dây nóng, trung tâm chăm sóc khách hàng tại đơn vị điện lực địa phương để được giải đáp.
Lãnh đạo EVN cho biết, Tổng Công ty Điện lực đã tăng cường các điện thoại viên để tiếp nhận, giải quyết kiến nghị khách hàng qua Trung tâm chăm sóc khách hàng, qua điện thoại hotline trong thời gian cao điểm nắng nóng.
Nếu khách hàng có thắc mắc về chỉ số công tơ, tiền điện, lãnh đạo đơn vị điện lực sẽ khẩn trương kiểm tra, xác minh, xử lý kịp thời khi phát hiện có sai sót.
EVN cũng khẳng định sẽ thông báo và phúc tra 100% cho khách hàng có sản lượng tăng đột biến từ 1,5 lần so với tháng trước liền kề. Tất cả các sai sót (nếu có) liên quan đến công tơ và ghi chỉ số công tơ đều được tiếp nhận, giải quyết và tiến hành các thủ tục truy thu/thoái hoàn tiền điện cho khách hàng theo đúng quy định.
Khi có ý kiến của khách hàng về việc hóa đơn tiền điện tăng cao, Giám đốc Công ty Điện lực trên địa bàn sẽ trực tiếp chỉ đạo để giải quyết dứt điểm các kiến nghị của khách hàng trong thời gian sớm nhất và không quá 24 giờ.
EVN cho biết, trong khoảng thời gian từ ngày tăng giá điện (20/3/2019), Tập đoàn đã nhận được nhiều thắc mắc của khách hàng sử dụng điện chủ yếu qua Tổng đài chăm sóc khách hàng, qua mạng xã hội, báo chí…. Các thắc mắc, kiến nghị đều được ngành Điện tổ chức kiểm tra, xác minh và giải quyết kịp thời.
Trong tổng số trên 108 nghìn yêu cầu liên quan đến hoá đơn tiền điện chủ yếu là yêu cầu tra cứu thông tin về giá điện mới, tra cứu chỉ số và hoá đơn tiền điện, chỉ có trên 13 nghìn yêu cầu là các kiến nghị về chỉ số, hoá đơn. Tính đến ngày 26/4, các Tổng công ty Điện lực đã giải quyết trên 12,9 nghìn yêu cầu, đạt tỷ lệ 98,7%.
Tuy nhiên, EVN cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh việc cung cấp điện còn nhiều khó khăn do nhiều nguồn điện mới của các chủ đầu tư không thuộc EVN vào vận hành không kịp tiến độ, các nhà máy điện sử dụng nguồn sơ cấp có chi phí đầu tư thấp như thuỷ điện đã khai thác hết, việc tiêu thụ điện của Việt Nam chưa hiệu quả so với các nước trên thế giới (hệ số đàn hồi của Việt Nam cao) thì việc triển khai thực hiện các hoạt động tiết kiệm điện sẽ giúp giảm áp lực về việc đầu tư các nguồn cung cấp điện mới. Từ đó sẽ giúp giảm chi phí đầu tư toàn xã hội cũng như giúp giảm áp lực lên giá thành cung cấp điện đến các khách hàng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận