Pháp luật

Tử tù xin hiến xác: “Vướng” từ pháp lý đến thực hành

05/08/2016, 07:02

Dù không cấm các tử tù hiến xác, nhưng đến nay vẫn chưa có bất cứ điều luật nào quy định về điều này.

1-1639

Nguyện vọng xin hiến xác của bị cáo Nguyễn Văn Kỳ khó thành hiện thực do chưa có quy định

Dù không cấm các tử tù hiến xác, nhưng đến nay vẫn chưa có bất cứ điều luật nào quy định về quy trình cũng như thủ tục để các tử tù có nguyện vọng có thể hiến xác cho y học.

Tử tù muốn hiến xác cứu người

Tiền lệ tử tù đầu tiên làm đơn xin hiến xác cứu người là Nguyễn Phước Đỉnh (ở xã Tân Phước, huyện Gò Công, Tiền Giang). Đầu năm 2007, do mâu thuẫn, Đỉnh đã dùng súng bắn chết một người nên bị tòa tuyên án tử hình vì hai tội “Giết người” và “Sử dụng trái phép vũ khí, quân dụng”. Ngày 25/10/2007, tử tù này đã làm đơn xin được hiến xác để cứu người vì cho rằng mình còn trẻ tuổi, khỏe mạnh, một số bộ phận trong cơ thể nếu được hiến cho y học sẽ có nhiều khả năng cứu sống những người mắc bệnh hiểm nghèo.

Tử tù thứ hai làm đơn xin hiến xác là Nguyễn Văn Hải (30 tuổi, trú tại Quảng Ninh). Tháng 8/2008, Hải thuê một tàu ra đảo chở hàng và ra tay giết chủ tàu, sau đó mang tàu về Nghệ An bán được 7 triệu đồng. Hải bị tuyên án tử hình về tội “Giết người” và “Cướp tài sản”. Tử tù này sau đó cũng viết đơn xin được hiến xác cho y học.

Mới đây nhất là trường hợp Nguyễn Văn Kỳ (Thạch Thất, Hà Nội) sau khi giết chết hai người, làm bị thương hai người trong cùng một gia đình ở xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất và bị TAND TP Hà Nội tuyên án tử hình với hai tội danh “Giết người” và “Cướp tài sản” ngày 26/7 vừa qua. Thông qua luật sư bào chữa của mình, Nguyễn Văn Kỳ cũng bày tỏ mong muốn được hiến xác cho y học nếu không còn cơ hội sống.

Nghiên cứu sửa luật vì mục đích nhân đạo

Là luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Kỳ, ông Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, thời gian qua, ông đã trực tiếp gặp gỡ bị cáo Kỳ tại trại tạm giam và rất bất ngờ khi bị cáo mong muốn thực hiện ý nguyện được hiến xác cho y học với mục đích giúp những người lương thiện đang bị bệnh có cơ hội được sống.

Theo ĐBQH Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật, việc hiến xác đã có quy định trong Bộ luật Dân sự, đó là quyền của công dân.

“Tuy nhiên, với tử tù thì chắc chắn quyền công dân sẽ bị hạn chế, luật pháp cũng chưa có quy định cụ thể về nội dung này, các văn bản dưới luật cũng không đề cập đến. Vì vậy, đây có thể được xem là vấn đề mới cần xem xét.

Nếu xét về mặt khoa học, hoàn toàn có thể chấp nhận cho tử tù hiến xác, song nhất định phải xem xét chặt chẽ và có quy định cụ thể trong luật”, ông Xuyền nhấn mạnh.

Luật sư Thơm cho rằng, đây là nguyện vọng chính đáng, nhân văn của tử tù. Trong thời gian vừa qua, ông đã bào chữa cho rất nhiều bị cáo, sau khi bị kết án tử hình, họ đều mong được hiến xác vì mục đích nhân đạo. Tuy nhiên, rất khó cho các bị cáo thực hiện được di nguyện đó bởi các cơ chế pháp lý hiện hành.

Luật sư Thơm cho biết, Luật Thi hành án hình sự được Quốc hội thông qua năm 2010 quy định việc thi hành án tử hình được thực hiện bằng tiêm thuốc độc. Như vậy, đối với trường hợp tử tù có nguyện vọng được hiến xác sau khi thi hành án tử hình là khó có thể đáp ứng được vì luật chưa quy định trường hợp này. Mặt khác, sau khi thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc vào cơ thể thì các cơ quan trong cơ thể liệu có đáp ứng được yêu cầu y học hay không. Điều này cần có cơ quan chuyên môn đánh giá ảnh hưởng của chất độc trên cơ thể tử tù đến việc lấy, ghép mô, bộ phận cho người khác…

“Đây là vấn đề rất phức tạp, không chỉ liên quan đến y học mà còn các khía cạnh nhân văn. Nếu không có cơ chế pháp lý chặt chẽ thì dễ bị biến tướng với các mục đích, ý đồ khác nhau”, luật sư nêu ý kiến.

Luật sư Thơm mong rằng, thời gian tới Nhà nước sẽ nghiên cứu, tiếp thu việc này để bổ sung vào quy định của pháp luật”, luật sư kiến nghị.

Sẽ vướng mắc nhiều thứ?

Trao đổi với Báo Giao thông về vấn đề này, Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an) cho rằng, đây là vấn đề từng gây nhiều tranh cãi và dù đã được đề cập và thảo luận nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có hành lang pháp lý nào để thực hiện. Thiếu tướng Quân khẳng định, nếu tiến hành việc này chắc chắn sẽ có vướng mắc, băn khoăn về luật, điển hình như việc nếu đồng ý cho tử tù hiến tạng thì sẽ cho hiến trước hay sau khi thi hành án? Hoặc nếu thi hành án bằng hình thức tiêm thuốc độc thì làm sao để nguồn tạng được đảm bảo?.

“Trước đây, khi thi hành án bằng hình thức xử bắn, trong quá trình xây dựng Luật Thi hành án hình sự cũng tính đến việc này, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, nếu xử bắn thì thường sẽ bị chấn động, ảnh hưởng tới tất cả các bộ phận. Nên dù là trước đây hay bây giờ, nếu thực hiện việc này cũng sẽ có vướng mắc”, Thiếu tướng Quân cho hay.

Phân tích thêm về các yếu tố khác, Thiếu tướng Quân cho rằng, cần lưu ý đến cả vấn đề chất lượng mô, tạng nếu hiến, bởi thực tế có nhiều tử tù còn nhiễm HIV và có rất nhiều bệnh khác.

Yếu tố tâm linh cũng là vấn đề xã hội quan tâm, bởi nếu nghĩ đến việc trong cơ thể mình đang mang bộ phận của một tử tù phạm tội giết người thì chắc hẳn ai cũng có nhiều băn khoăn. “Từ trước đến nay, không có điều luật nào quy định đối với những trường hợp này.

Trước đây, khi xây dựng Luật Thi hành án hình sự, Bộ Y tế cũng đề cập có một nguồn tạng như thế (nguồn tạng từ các tử tù - PV), rồi cũng đưa ra tranh cãi nhưng cuối cùng quyết định không đề cập vì có quá nhiều vướng mắc. Nếu quy định việc này, nhất thiết phải quy định trong luật chứ không thể quy định trong văn bản dưới luật. Thực tế, cũng ít trường hợp tử tù xin hiến xác, nên tôi cho rằng, khi nào có nhiều trường hợp thì sẽ đưa ra bàn bạc, tính toán chứ không thể một, hai trường hợp cá biệt mà sửa luật được”, Thiếu tướng Quân nêu quan điểm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.