Trao đổi với PV Báo Giao thông nhân kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2022), PGS.TS Lê Quốc Lý, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tư tưởng này của Bác vẫn còn nguyên giá trị trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay.
Tham nhũng, tiêu cực là "giặc nội xâm"
PGS.TS Lê Quốc Lý, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Là người có nhiều năm nghiên cứu cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông có thể khái quát tư tưởng của Bác về phòng chống tham nhũng, tiêu cực?
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh phê bình nghiêm khắc, lên án chủ nghĩa cá nhân, Bác luôn nêu cao tinh thần đạo đức cách mạng, coi chủ nghĩa cá nhân là mầm mống dẫn đến tham ô, tham nhũng, tiêu cực.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng có từ rất sớm, ngay từ câu mở đầu của cuốn Đường Kách mệnh (năm 1927), Người nhấn mạnh tư cách một người cách mệnh phải "cần, kiệm, nói thì phải làm, ít lòng tham muốn về vật chất".
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Người đã viết bài báo "Sao cho được lòng dân" đăng trên Báo Cứu quốc số 65, ngày 12/10/1945 để nhắc nhở đội ngũ cán bộ, đảng viên phải tránh xa các tệ nạn "quan liêu, tham ô, lãng phí".
Người đã không sử dụng từ tham nhũng mà là tham ô. Về thực chất, tham ô chỉ là một cách diễn đạt dễ hiểu của tham nhũng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, tham ô, lãng phí, quan liêu là kẻ thù của nhân dân, gây ra tác hại cực kỳ to lớn về mọi mặt, làm thiệt hạivề kinh tế, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, làm rối loạn kỷ cương phép nước, làm hư hỏng cán bộ, tiêu hao của cải của nhân dân.
Người cho rằng, tham ô, lãng phí, quan liêu là "giặc nội xâm". Người nhắc nhở, chống loại kẻ địch này khó khăn, phức tạp hơn so với đánh giặc ngoại xâm.
Phong cách "nói đi đôi với làm" để chống "giặc nội xâm" tham ô, lãng phí, quan liêu được Bác thể hiện như thế nào, thưa ông?
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh ba nguyên tắc đạo đức cách mạng: Nói thì phải làm; Xây đi cùng với chống và Tu dưỡng đạo đức suốt đời. Để chống "giặc nội xâm", Người đã thể hiện quyết liệt tinh thần "nói đi đôi với làm" trong hành động và việc làm.
Như câu chuyện gần 72 năm trước, ngày 5/9/1950, tại Chiến khu Việt Bắc diễn ra một phiên tòa đặc biệt gây chấn động dư luận xã hội lúc bấy giờ. Đó là vụ án Trần Dụ Châu, nguyên Giám đốc Nha Quân nhu can tội ăn cắp công quỹ và làm nhiều điều bỉ ổi. Kết thúc phiên tòa, Trần Dụ Châu bị tuyên phạt với mức án cao nhất là tử hình.
Bản án đã nhanh chóng được báo cáo lên Bác Hồ. Sau khi cân nhắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bác đơn xin giảm tội của Trần Dụ Châu.
Điều đó cũng cho thấy sự nghiêm minh và quyết tâm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc đấu tranh chống tham ô, tham nhũng, lãng phí. Đã có khuyết điểm, vi phạm thì bất kể người đó là ai cũng đều bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
Để cán bộ không dám, không thể, không cần, không muốn tham nhũng
Thời gian qua, rất nhiều vụ việc tham nhũng được đưa ra xét xử. Kết quả phòng, chống tham nhũng này chính là sự tiếp nối tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thưa ông?
Thực hiện tư tưởng của Người, ngay từ những ngày đầu lập nước, Đảng và Nhà nước ta đã hết sức quan tâm đến công tác chống quan liêu, tham ô, lãng phí.
"Tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống, tham ô, tham nhũng là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc, cung cấp những cơ sở khoa học và kinh nghiệm thực tiễn sâu sắc trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời đại ngày nay", PGS.TS Lê Quốc Lý, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Nhất là từ khi tiến hành công cuộc đổi mới (từ năm 1986 đến nay), đất nước vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bên cạnh những thành tựu to lớn, chúng ta cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó nạn tham nhũng có chiều hướng gia tăng và ngày càng phức tạp thì công tác phòng chống tham nhũng càng được coi trọng.
Gần đây nhất, từ đại hội XI, XII, XIII, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã được Đảng ta đặc biệt coi trọng.
Với phương châm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai", chúng ta đã đạt được nhiều kết quả toàn diện. Công tác phòng chống tham nhũng thực sự đã trở thành phong trào, xu thế.
Minh chứng cho sự quyết tâm đó là những năm qua, không ít lãnh đạo cấp cao ở các lĩnh vực, địa bàn đã bị kỷ luật, thậm chí là bị khởi tố hình sự vì liên quan đến tham nhũng, tiêu cực.
Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng được tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên, nhân dân ủng hộ. Những kết quả về phòng chống tham nhũng đã củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng.
Tôi cho rằng, kết quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian gần đây chính là sự tiếp nối tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Trong thời gian tới, chúng ta cần có giải pháp gì để tiếp tục thấm nhuần tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực?
Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh vào trong thực tiễn thì phải dựa vào chính những lời Bác dạy và việc Bác làm.
Từ đó, chúng ta cần tập trung gắn chặt chẽ giữa công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống tham nhũng, lãng phí với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".
Bổ sung, sửa đổi hoàn thiện đồng bộ cơ chế tổ chức, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực để làm sao cán bộ không dám, không thể, không cần, không muốn tham nhũng.
Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và xét xử nghiêm minh đúng người, đúng tội những người có hành vi tham nhũng, lãng phí, quan liêu gây hậu quả nghiêm trọng từ đó làm gương cho người khác.
Để công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt hiệu quả, bên cạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; sự đồng lòng, nhất trí của toàn Đảng, toàn dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đóng vai trò rất quan trọng.
Sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân, sự chủ động vào cuộc tích cực của báo chí, truyền thông đã tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị trong phòng, chống tham nhũng. Như Bác Hồ từng dạy "dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong".
Xin cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận