Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi. Dự kiến dự án luật sẽ được trình xin ý kiến Quốc hội Khóa 15 tại kỳ họp cuối năm nay (tháng 10/2024).
Điểm mới được quan tâm ở lần sửa này là nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml được đưa vào diện đánh thuế TTĐB với mức thuế suất đề xuất là 10%.
Còn với rượu từ 20 độ trở lên, có 2 phương án đề xuất. Phương án 1 là nâng từ mức hiện hành 65% thêm 5% từ năm 2026 và mỗi năm tăng thêm 5%. Phương án 2 là tăng thêm 20% vào năm 2026, và tăng thêm 5% cho các năm tiếp theo.
Tương tự, với rượu dưới 20 độ và bia cũng đưa ra 2 phương án là tăng thêm 5% và 15% so với hiện hành từ năm 2026, các năm sau tăng thêm 5%.
Ngành rượu, bia chịu 3 "quả đấm" liên tiếp
Nhận định về đề xuất mới này, GS TSKH Nguyễn Mại cho rằng, hiện chưa phải thời điểm tăng thuế cho các mặt hàng trên.
Ông Mại lập luận, ngành rượu, bia, nước giải khát thời gian qua chịu 3 "quả đấm" liên tục. Đó là thời điểm Covid-19 kéo dài vài năm, người dân không tụ tập đông người, chúng ta thấy rõ các quán nhậu vắng hoe, ảnh hưởng rõ rệt.
Rồi sau Covid-19, Nghị định 100 về nồng độ cồn được siết chặt, người đi nhậu cũng giảm nhiều, thị trường lại thu hẹp.
Chưa kể, Chính phủ đưa ra gói hỗ trợ khó khăn, nhưng "bỏ quên" doanh nghiệp ngành này.
Chính những vấn đề trên đã làm cho rất nhiều doanh nghiệp rượu bia bị sụt giảm doanh số, kể cả các đại gia như Heineken cũng khó khăn, bằng chứng là đơn vị này mới đây đã đóng một nhà máy ở Quảng Nam.
Vì thế, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài kiến nghị, nên tạm hoãn thời gian áp dụng khoảng hai năm so với kế hoạch. "Nếu không lưu tâm sẽ làm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp", ông Mại nói.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam cho rằng, chính sách này ảnh hưởng không nhỏ đến sự phục hồi của các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt trong bối cảnh giá thành các nguyên liệu gia tăng và người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, doanh nghiệp cũng đồng thời chịu nhiều sức ép từ các nghĩa vụ tài chính phát sinh và các tác động ngoại cảnh như cơn bão Yagi vừa qua.
Theo ông Việt, kể từ khi đại dịch Covid-19 ập đến, lợi nhuận toàn ngành đã giảm tới 67%, trong đó mức giảm nghiêm trọng nhất ở khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ phá sản.
Hiện nay dù có những dấu hiệu phục hồi nhưng công suất sản xuất của toàn ngành vẫn ở mức dưới 80% và các doanh nghiệp trong ngành đã và đang bị ảnh hưởng bởi lạm phát kéo theo sự suy giảm xu hướng tiêu dùng toàn cầu... Trong khi, doanh nghiệp phải đối mặt với chi phí sản xuất cao hơn nhưng không thể điều chỉnh giá bán lẻ tương ứng, do sức mua của người tiêu dùng giảm sút.
Các doanh nghiệp cũng đã và đang đồng thời chịu nhiều sức ép từ các trách nhiệm tài chính mới theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường như: trách nhiệm tái chế và có thể phải thực hiện một số trách nhiệm khác như kiểm kê và giảm phát thải khí nhà kính cùng hàng loạt các loại phí môi trường đang dự kiến bổ sung mới như phí khí thải, phí nước thải... với chi phí ước tính lên tới hàng trăm tỷ đồng.
"Nhanh quá có thể gây sốc, gây tác dụng ngược"
Dẫn số liệu nghiên cứu, tỷ lệ béo phì ở Việt Nam chỉ khoảng 3,1%, trong khi Trung Quốc khoảng 6%, chuyên gia Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV nói "điều này cho thấy không đến mức báo động để chúng ta áp dụng gấp, mà cần lộ trình và mức phù hợp".
Làm sao cho phù hợp, theo ông Lực, cơ quan soạn thảo nên làm rõ mục đích chính của việc sửa đổi luật thuế lần này, theo hướng: "Chủ yếu để tăng nguồn thu ngân sách hay là để góp phần điều tiết hành vi tiêu dùng, nhằm đảm bảo sức khỏe nhân dân, giảm áp lực cho hệ thống y tế, qua đó giảm áp lực lên ngân sách, hay cả hai?".
Ông Lực lưu ý, tránh hiện tượng "khó chồng khó", bởi nhanh quá có thể gây sốc, gây tác dụng ngược như lách luật, chuyển sang dùng thứ khác có tác hại nhiều hơn…
Đảm bảo công bằng và hợp lý hơn, ông Lực kiến nghị, nên áp thuế suất theo nồng độ cồn, hàm lượng đường... tránh cào bằng; hoặc các loại hình hàng hóa, dịch vụ cùng đặc điểm nên áp mức thuế suất tương đương.
Còn phương pháp tính thuế cần xem xét cả phương pháp tính thuế tuyệt đối hoặc hỗn hợp thay vì chỉ tính thuế tương đối.
Bởi lẽ, nếu chính sách thuế được thiết kế không phù hợp, có thể tạo ra một số hệ lụy tiêu cực cho nền kinh tế, như gia tăng tình trạng trốn, lậu thuế, xói mòn nguồn thu ngân sách trong dài hạn, hoặc tạo ảnh hưởng tiêu cực nhiều mặt đến các ngành sản xuất trong nước có liên quan...
Nhấn mạnh việc đánh giá kỹ đề xuất bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế với thuế suất dự kiến 10%, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, báo cáo tác động của chính sách mới này chưa có minh chứng rõ ràng.
Ở chỗ, chưa đánh giá đầy đủ "việc đánh thuế TTĐB 10% đối với nước giải khát có đường sẽ giúp hạn chế hay giảm tỷ lệ béo phì như thế nào".
Theo nghiên cứu của một số doanh nghiệp, các thực phẩm có chứa đường (gồm đồ uống giải khát, bánh kẹo, kem…) cung cấp trung bình 3,6% tổng năng lượng đưa vào cơ thể. "Như vậy, việc đánh thuế 10% đối với mặt hàng nước giải khát có đường chỉ có thể làm giảm một lượng rất nhỏ, khoảng 0,1% - 0,2% năng lượng được nạp vào cơ thể", đại diện VCCI đặt vấn đề.
Điểm khác là, chính sách thuế này chưa bảo đảm công bằng khi chỉ tập trung vào các sản phẩm đồ uống đóng chai sẵn.
"Còn các loại đồ uống pha chế tại chỗ như cà phê, trà sữa, nước mía, trà chanh… sẽ khó có thể bị đánh thuế, do không thể xác định chính xác hàm lượng đường; thêm vào đó, nếu coi đường là nguyên nhân gây nên thừa cân, béo phì thì cần xem xét đánh giá cả ảnh hưởng của các sản phẩm có đường khác", theo đại diện VCCI.
Không đưa ra kiến nghị cụ thể, tuy nhiên, dẫn kinh nghiệm quốc tế, vị đại diện cho biết, nhiều nước như Đan Mạch, Thụy Điển, Nauy, Isarel... đã bãi bỏ sau một thời gian áp dụng hoặc không áp dụng vì tính không hiệu quả của công cụ này trong việc giải quyết thừa cân béo phì nhưng lại ảnh hưởng đến kinh tế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận