Bị cha mẹ truyền bá tư tưởng: "Quỷ Satan ở thế giới ngoài kia!"
Mới đây, có một phụ nữ khoảng 30 tuổi sống ở Tokyo đã chia sẻ những trải nghiệm và cảm giác của mình về Giáo hội Thống nhất lên mạng xã hội Twitter vì muốn xã hội hiểu rõ hơn về cuộc sống của một người lớn lên trong gia đình có cha mẹ đi theo Giáo hội này.
Người phụ nữ cho biết cô lớn lên từ một gia đình có bố mẹ kết hôn trong một đám cưới tập thể quy mô lớn do Giáo hội Thống nhất tổ chức, sống trong một ngôi nhà có nhiều tín đồ khác cùng chung sống.
Cô thường phải dậy từ 5 giờ sáng, quỳ gối và cầu nguyện trước ảnh chân dung của người sáng lập Giáo hội Thống nhất – ông Sun Myung Moon.
Một cuốn sách thánh của Giáo hội Thống nhất. Ảnh - Asahi Shimbun
Cô vẫn nhớ khi bước chân vào trường tiểu học, cô có cảm giác mình giỏi hơn những người khác vì được sống cuộc sống đặc biệt.
Nhưng đến cấp 3, cô trở nên mơ hồ khi nhận ra rằng những người khác có cùng hệ tư tưởng. “Tôi không thể nói được điều gì là đúng. Những gì xã hội coi là đúng đắn lại hoàn toàn khác với những giá trị mà Giáo hội Thống nhất chỉ dạy” – cô nói.
Dần dà, cô gái cảm thấy không thoải mái khi cha mẹ luôn nói: “Quỷ Satan ở thế giới ngoài kia”. Đỉnh điểm là khi cô quen một người đàn ông không theo tôn giáo, cha mẹ biết được và vô cùng giận dữ. Người mẹ đã nổi giận vì cho rằng con gái bị quỷ Satan lừa, thậm chí gọi điện đến nhà bạn trai cô để phản đối.
Sau này, cô cũng yêu và cưới một người đàn ông khác không phải thành viên của Giáo hội Thống nhất và hai người chưa bao giờ có lễ cưới chính thức. Cha mẹ cô không chấp nhận cuộc hôn nhân và thậm chí còn từ mặt chồng cô.
“Tôi rất thất vọng khi cha mẹ tôi không đồng ý cuộc hôn nhân đó” – cô gái 30 tuổi chia sẻ.
Giáo hội Thống nhất nổi tiếng vì tổ chức các đám cưới tập thể quy mô lớn. Trong ảnh là một đám cưới tổ chức tại New York năm 1982. Ảnh - Bettmann/Getty Images
Về chi tiết phải đóng góp lượng lớn tài sản cho Giáo hội – nguyên nhân khiến nghi phạm ám sát ông Abe Shinzo đem lòng thù hận, cô gái cho biết, cha mẹ cô từng kể họ đã đóng góp số tiền đủ để mua một ngôi nhà. Khi nghe những gì nghi phạm ám sát ông Abe kể lại, cô cảm thấy mình không thể làm ngơ và đã quyết định đưa câu chuyện của mình lên mạng xã hội để làm rõ những góc khuất trong Giáo hội Thống nhất.
Cuộc sống mặc định là nghèo nếu cha mẹ theo Giáo hội thống nhất
Theo báo Asahi, không chỉ cô gái này, một người đàn ông Tokyo khoảng 30 tuổi cũng chia sẻ câu chuyện của mình và cho rằng con cái của những người theo tổ chức này thường mặc định là nghèo.
Mỗi lần đến cầu nguyện hoặc có sự kiện của Giáo hội, cha mẹ anh này thường mang tới một phong bì để đóng góp thể hiện sự biết ơn, đó là chưa kể những khoản đóng thường xuyên tương đương 1/10 thu nhập.
Bản thân anh cũng từng phải trích ra 1/10 thu nhập để đóng góp.
Các tín đồ Nhật Bản tới lễ viếng ông Sun Myung Moon - người đứng đầu Giáo hội này khi ông qua đời năm 2012. Ảnh - Agence France-Presse/Getty Images
Cha mẹ anh này hoàn toàn không có tiền tiết kiệm. Có lần, họ không hỏi ý kiến anh mà đóng góp hàng triệu yên Nhật – số tiền hỗ trợ tài chính của một trường dạy nghề mà anh dự định theo học.
Khi anh đi làm, cha mẹ anh liên tục hỏi tiền. Hiện nay, quan hệ giữa anh và cha mẹ cũng không mặn mà, hiếm khi anh mới liên lạc về nhà.
Tuy người này thừa nhận hành động bạo lực của nghi phạm ám sát ông Abe là không thể tha thứ nhưng bản thân anh có thể hiểu cuộc sống khốn khổ của nghi phạm khi mẹ mang hết tiền đi đóng góp cho Giáo hội.
“Tôi muốn lên tiếng để góp phần cải thiện tình hình này” – người đàn ông giấu tên cho biết.
Kiến nghị lên Chính phủ
“Sau vụ ám sát cựu Thủ tướng Nhật Bản, ngày càng nhiều người biết đến những vấn đề về vi phạm quyền trẻ em ở những đứa trẻ sinh ra trong môi trường có cha mẹ theo Giáo hội Thống nhất” - Người lập đơn kiến nghị cho biết.
Sau vụ ám sát, con của một cặp vợ chồng theo Giáo hội Thống nhất đã thực hiện chiến dịch xin chữ ký trực tuyến để kiến nghị lên cơ quan lập pháp bảo vệ quyền của trẻ em, đặc biệt là quyền tự do tôn giáo, mưu cầu hạnh phúc.
Tính đến ngày 22/7, đã có hơn 34.000 người tham gia sáng kiến này so với 100 người tham gia trong một nỗ lực tương tự được thực hiện 2 năm trước.
Khi đạt đủ số lượng chữ ký, đơn kiến nghị sẽ được trình lên Chính phủ và các chính trị gia để xem xét.
Ông Kimiaki Nishida – Giáo sư về tâm lý xã hội tại Đại học Rissho từng nghiên cứu về Giáo hội Thống nhất cho biết, rất dễ để hiểu tại sao thế hệ thứ 2 của những tín đồ Giáo hội lại chớp cơ hội này và lên tiếng mạnh mẽ.
“Trước hết, bè bạn của họ và các chuyên gia nên lắng nghe những gì họ nói một cách công bằng vì việc họ phải lên tiếng về mối quan hệ với cha mẹ là không hề dễ dàng” – ông nói.
Ông Nishida cũng kêu gọi Nhật Bản tạo ra một tổ chức tương tự như hiệp hội chống sùng bái của Pháp (được biết là UNADFI) với một mạng lưới hỗ trợ các nạn nhân trên toàn quốc và được chính phủ Pháp trợ cấp.
Vụ ám sát cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo xảy ra khoảng trung tuần tháng 7 khi ông đang phát biểu tại một sự kiện vận động bầu cử Thượng viện cho một ứng viên cùng đảng. Nghi phạm Tetsuya Yamagami, 41 tuổi đã dùng súng tự chế bắn 2 phát từ phía sau và lần bắn thứ 2 đã trúng ông Abe. Hắn khai động cơ ra tay sát hại là vì hận ông Abe đã ủng hộ tổ chức tôn giáo Giáo hội Thống nhất nơi mẹ hắn tham gia, sùng bái đến mức đóng góp hết tiền bạc khiến gia đình rơi vào cảnh khánh kiệt.
Toàn cảnh sự việc cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo bị ám sát gây chấn động thế giới:
Thông tin ban đầu về vụ xả súng
Toàn cảnh bắt giữ nghi phạm ám sát cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo
Vụ ám sát ông Abe là trường hợp tấn công bằng súng hiếm hoi tại Nhật Bản
Dấu ấn 4 lần thăm Việt Nam của cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận